Tuyển sinh đại học 2022: Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT

  • 14:12 | Thứ Năm, 16/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học năm 2022, nhiều trường đại học đã sớm công bố đề án tuyển sinh. Trong đó, điểm dễ nhận thấy là các trường đã giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu cho phương thức kỳ thi riêng cùng đánh giá năng lực ngoại ngữ.
 
Bổ sung phương án xét tuyển kỳ thi riêng
 
Theo PGS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải, tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 sẽ dành 4.200 chỉ tiêu tại cơ sở Hà Nội và 1.500 chỉ tiêu tại TP Hồ Chí Minh.
 Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được sự tín nhiệm của nhiều trường đại học. Ảnh: VNU
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được sự tín nhiệm của nhiều trường đại học. Ảnh: VNU
Ở mùa tuyển sinh này, Trường Đại học Giao thông vận tải dành 5 phương thức xét tuyển: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40 - 50%); kết quả học bạ THPT (20 - 30%); tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1 - 2%); xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5 - 10%). Nhà trường cũng dành 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. Như vậy, so với năm trước, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.
 
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Giao thông vận tải sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Để làm rõ hơn vấn đề này, Trường đã có buổi livestream tư vấn về kỳ thi này để thí sinh, phụ huynh nắm rõ.  
 
Trường Đại học Thuỷ Lợi dự kiến mùa tuyển sinh 2022 sẽ tuyển khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo, với 4 phương thức xét tuyển. Cụ thể, xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập 3 năm THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và một phương thức mới là xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Trong khi đó, năm 2021, trường dành khoảng 70% chỉ tiêu cho phương thức này. Điều này có nghĩa, trường đã giảm chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để phân bố cho các phương thức xét tuyển khác, trong đó có xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.  
 
Việc thêm phương án xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy có thể kể đến các trường như: Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.  
 
Theo PGS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, năm 2022, Trường dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.  
 
Bên cạnh các trường sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy thì đến nay có gần 30 trường đại học công bố mùa tuyển sinh 2022 sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.  
 
Đến thời điểm này, việc tổ chức các kỳ thi riêng như thế nào vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị bởi những lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. 
 
Trường top đầu lọc thí sinh bằng ngoại ngữ  
 
Không chỉ giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, những trường top đầu còn đưa ra những điều kiện trúng tuyển để chọn được thí sinh phù hợp. Một trong những điểm dễ nhận thấy chính là đánh giá năng lực ngoại ngữ.  
 
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một ví dụ cho sự điều chỉnh các chỉ tiêu trong phương án tuyển sinh. Cụ thể, nhà trường dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng. Trong mùa tuyển sinh năm 2021, nhà trường dành 50 - 60% tổng chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Sau đó tỷ lệ này phải điều chỉnh lên do kỳ thi đánh giá tư duy không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 
Đối với phương thức xét tuyển tài năng: Nhà trường tuyển 20 - 30% tổng chỉ tiêu, gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn…  
 
Với những thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của nhà trường).
 
Ở các trường đại học phía Nam có thể kể đến những trường tổ chức kỳ thi riêng như: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng…
 
Tuy nhiên, trước thềm tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 đã có một số trường bàn đến phương án có kỳ thi riêng. Một số trường cũng đề xuất đưa chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Vstep) để xét tuyển. Có thể nói, đây là một điểm rất mới (nếu được thực hiện) so với những năm trước đây.
 
Theo TTXVN

tin liên quan

Học sinh lớp 1, 2 có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến

Trong điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp như thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua, học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến.

Ký kết thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025

(QBĐT) - Ngày 15-12, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và Viettel Quảng Bình đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. 

"Người đưa đò" tâm huyết với nghề

(QBĐT) - Đó là nhà giáo, thạc sỹ Trần Thị Thanh Liêm (quê xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa), nguyên Trưởng ngành tiếng Trung tại Trường đại học (ĐH) Quốc tế châu Á, ĐH Hà Nội, ĐH Đại Nam, Trưởng khoa Ngôn ngữ, Trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội...