Nỗ lực triển khai các chương trình đào tạo nghề

  • 08:40 | Thứ Hai, 13/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù tình hình phát triển kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, nhưng việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) và dạy nghề trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ)… vẫn được chú trọng. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) trên địa bàn tỉnh đã đón học viên quay trở lại học tập và các địa phương đang tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề. Đây là nỗ lực lớn của các đơn vị, địa phương trong bối cảnh thị trường lao động (LĐ) đang chịu tác động bởi dịch Covid-19.
 
Linh hoạt các hình thức đào tạo
 
Ông Phan Nam, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, triển khai tuyển sinh GDNN năm 2021, toàn tỉnh có kế hoạch đào tạo cho 16.000 học viên trình độ từ sơ cấp và dưới 3 tháng đến TC, CĐ; phấn đấu đến hết năm 2021, tỷ lệ LĐ qua đào tạo lên 66%, trong đó, tỷ lệ LĐ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,7% và 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp CĐ, TC có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
 
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các CSGDNN trên địa bàn tỉnh được giao chỉ tiêu cụ thể, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tuyển sinh, dạy nghề.
Các CSGDNN thực hiện đào tạo vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm người học tốt nghiệp đúng thời hạn để tham gia thị trường lao động.
Các CSGDNN thực hiện đào tạo vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm người học tốt nghiệp đúng thời hạn để tham gia thị trường lao động.
Trước tình hình đó, với đặc thù của công tác đào tạo nghề phải “cầm tay chỉ việc” và gắn với những giờ thực hành, thực tế…, các CSGDNN đã khắc phục khó khăn, linh hoạt thực hiện các giải pháp tư vấn, tuyển sinh trực tuyến và điều chỉnh chương trình giáo dục phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho thị trường LĐ.
 
Đặc biệt, từ đầu tháng 11-2021, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, việc dạy và học trở lại, các CSGDNN sớm ổn định công tác dạy nghề sau thời gian dài nghỉ phòng, chống dịch; đồng thời, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm bảo đảm trình độ, tay nghề của học viên, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng sau khi ra trường.
 
Là một trong những đơn vị được giao chỉ tiêu tuyển sinh cao, Trường CĐ kỹ thuật Công-Nông nghiệp có kế hoạch tuyển sinh hơn 10.000 học viên trình độ CĐ, TC, sơ cấp, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 3 tháng với nhiều ngành nghề. Trong bối cảnh có dịch Covid-19, trường tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến đối với một số môn học, ngành, nghề, nhất là tập trung cho các phần học lý thuyết.
 
Ngay sau khi dạy và học trở lại, nhà trường chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp, thích ứng tình hình mới và thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Năm học 2020-2021, trường có tổng quy mô đào tạo, bồi dưỡng đạt 14.247 học sinh, sinh viên, học viên (vượt 24% kế hoạch)…
 
Thực tế cho thấy, tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, các CSGDNN xây dựng kế hoạch tư vấn nghề nghiệp, phương án tuyển sinh ứng dụng công nghệ thông tin và chương trình đào tạo vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm người học tốt nghiệp đúng thời hạn để tham gia thị trường LĐ.
 
Nhờ đó, tỷ lệ tuyển sinh GDNN toàn tỉnh đạt cao hơn so với năm trước. Tính đến cuối năm 2021, CSGDNN trên địa bàn dự ước tuyển sinh 19.536/16.000 người (đạt 122,1% kế hoạch), trong đó, CĐ 370/600 người (đạt 61,6% kế hoạch), TC 1.859/2.200 người (đạt 84,5% kế hoạch), sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 17.307/13.200 người (đạt 131,1% kế hoạch); có 15.570 người đã tốt nghiệp, gồm: 38 người tốt nghiệp CĐ, 831 người TC, 14.701 người sơ cấp và dưới 3 tháng…
 
Hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ
 
Thời điểm này, các địa phương đang tích cực triển khai một số lớp dạy nghề cho NLĐ còn dang dở do nghỉ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, mở các lớp học mới dựa trên nhu cầu thực tế của học viên và gắn với các thế mạnh thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, nguồn lực hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ cũng được quan tâm, bảo đảm kinh phí thực hiện đào tạo nghề.
 
Cụ thể, nguồn kinh phí của tỉnh gần 1,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài ra, các huyện trích ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ, như: Bố Trạch 200 triệu đồng, Lệ Thủy 200 triệu đồng, Tuyên Hóa 400 triệu đồng, Quảng Ninh 100 triệu đồng, Quảng Trạch 346 triệu đồng...
 
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Bố Trạch cho biết, trong năm 2021, huyện có kế hoạch phối hợp, liên kết với Trung tâm GDNN huyện và tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho gần 200 học viên với các nghề truyền thống và sẵn có của địa phương, như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng rau an toàn, đan lát thủ công... Trước khi mở các lớp dạy nghề cho NLĐ, chính quyền các xã tiến hành rà soát nhu cầu học viên sát với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Trên cơ sở đó, các trung tâm GDNN mở lớp dạy nghề tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên tham gia. Điều phấn khởi, qua học nghề, hầu hết NLĐ nắm bắt được những kiến thức mới áp dụng vào sản xuất để chủ động tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập…
 
Tại xã Mỹ Trạch (Bố Trạch), Trung tâm GDNN và hỗ trợ Nông dân-Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức bế giảng lớp dạy nghề trồng và nhân giống nấm cho 35 học viên trên địa bàn. Lớp học được tổ chức từ thực tiễn nhu cầu của người dân về phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất thực phẩm sạch.
 
Chị Phan Thị Thiu, ở thôn 4, xã Mỹ Trạch chia sẻ, được tham gia lớp đào tạo trồng nấm do xã phối hợp tổ chức, chị và các học viên đã nắm vững quy trình trồng, nhân giống nấm, kết hợp với chăm sóc để nấm phát triển tốt. Chị dự định học xong lớp nghề sẽ cùng một số chị em triển khai làm để góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gia đình…
 
Rõ ràng, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, nhận thức của NLĐ về học nghề đã được nâng lên. Đáng kể, nhiều NLĐ chủ động xin được học nghề để tạo thêm việc làm tại chỗ, thay vì chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp…
 
Năm 2021, chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 270 LĐ và hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp khoảng 400 LĐ. Kết quả, đến nay, dự ước toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 1.000 LĐ; trong đó, cao nhất là huyện Tuyên Hóa với 289 LĐ, đến Quảng Trạch 187 LĐ, Lệ Thủy 140 LĐ, Quảng Ninh 121 LĐ, Bố Trạch 105 LĐ…
 
Thùy Lâm

tin liên quan

Vượt khó trong mùa dịch

(QBĐT) - Minh Hóa là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh (GV, HS).

Tích cực thi đua "Dạy tốt-Học tốt"

(QBĐT) - Đứng chân trên địa bàn tổ dân phố 3, phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn), Trường tiểu học (TH) Quảng Phong được biết đến là một trong những điểm sáng của bậc giáo dục TH. 

Xếp hạng, xếp lương theo thông tư mới phải bảo đảm quyền lợi giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, "thực sự có sự đổi mới về chế độ."