Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực

  • 08:03 | Thứ Sáu, 10/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, đến nay, có gần 30 trường chính thức liên hệ với trường, đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học năm 2022.
(Nguồn: vnu.edu.vn)
(Nguồn: vnu.edu.vn)
Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2022, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ kết hợp với nhiều trường đại học trong cả nước để tổ chức thi đánh giá năng lực trên diện rộng, phục vụ xét tuyển đại học, tại nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đến nay, có gần 30 cơ sở giáo dục đại học như Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Thương Mại, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải… đã chính thức liên hệ với Đại học Quốc gia Hà Nội, đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học năm 2022.
 
Chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp.
 
Bài thi đánh giá năng lực được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, cấu trúc, nội dung, mức độ khó dễ, số lượng câu hỏi, bố cục, thời gian… không thay đổi so với năm 2021 và sẽ ổn định trong những năm tới đây. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ điều chỉnh cách thức tổ chức thi như tăng số đợt thi, mở rộng quy mô kỳ thi, phối hợp với các trường đại học để mở thêm địa điểm thi; thay đổi mức lệ phí đăng ký dự thi và thi.
 
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học bàn về phương thức tổ chức, phối hợp, khai thác chia sẻ dữ liệu với các trường đại học trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh.
 
Để ứng phó với tình hình dịch COVID-19 trong năm 2022, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản triển khai khác nhau. Theo đó, tùy theo cấp độ phân loại vùng dịch mà đặt địa điểm thi, thời gian thi thích hợp; bổ sung yêu cầu về dịch tễ, yêu cầu xét nghiệm với cán bộ, thí sinh nếu cần, triển khai các biện pháp 5K kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin liên hoàn từ khâu phân loại, đăng ký dự thi, giãn cách ca thi; đồng thời, tổ chức nhiều điểm thi, nhiều đợt thi trong năm 2022. Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để tham gia thi đánh giá năng lực nếu đảm bảo yêu cầu dịch tễ.
 
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã liên hệ với nhiều trường đại học tại khu vực Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để đặt địa điểm thi phục vụ các đợt thi năm 2022. Các đợt thi bắt đầu từ tháng Hai đến tháng Tám, quy mô mỗi đợt thi cũng tăng lên nhiều so với năm 2021./.
 
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Vượt khó trong mùa dịch

(QBĐT) - Minh Hóa là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh (GV, HS).

Tích cực thi đua "Dạy tốt-Học tốt"

(QBĐT) - Đứng chân trên địa bàn tổ dân phố 3, phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn), Trường tiểu học (TH) Quảng Phong được biết đến là một trong những điểm sáng của bậc giáo dục TH. 

Xếp hạng, xếp lương theo thông tư mới phải bảo đảm quyền lợi giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, "thực sự có sự đổi mới về chế độ."