Đổi mới đào tạo gắn với chuyển đổi số: Nhiều trường nghề bắt nhịp

  • 12:35 | Thứ Ba, 07/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Đổi mới đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng CNTT trong giáo dục nghề nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các học viên khoa công nghệ ôtô được học lý thuyết và thực hành sư phạm ngay trong xưởng học. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Các học viên khoa công nghệ ôtô được học lý thuyết và thực hành sư phạm ngay trong xưởng học. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội, đòi hỏi từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các giải pháp triển khai phù hợp.
 
Đổi mới đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp được coi là giải pháp quan trọng nhằm cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
 
Yếu tố sống còn
 
Một trong những nội dung của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là triển khai các hoạt động giáo dục trên môi trường số, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra, đánh giá.
 
Qua đó, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng được đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), khẳng định chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp chính là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
 
Các cơ sở giáo dục tận dụng công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cung cấp điều kiện để phát triển giáo dục nghề nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số.
 
Đề cập về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số đối với giáo dục nghề nghiệp là yếu tố sống còn, góp phần thích ứng, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, đồng thời làm nền tảng cho việc tự chủ, thay đổi tư duy và thực hiện giáo dục sẻ chia (sẻ chia về giáo viên, bài giảng, dữ liệu, cơ sở vật chất, tài liệu, thư viện...), qua đó giúp giảm chi phí đào tạo mà hiệu quả giáo dục lại được nâng cao hơn.
 
Đồng quan điểm, Thạc sỹ Hồ Thị Ngọc Thủy, Trường Đại học Sài Gòn, phân tích trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, ngành Giáo dục-Đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam nói riêng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới.
 
Vì vậy cần khẩn trương thực hiện chuyển đổi số nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
 
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành.
 
Đặc biệt, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số nói chung và giáo dục nghề nghiệp số nói riêng. Chưa kể, trong bối cảnh dịch COVID-19, việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục truyền thống sang giáo dục số ngày càng trở nên bức thiết.
 
Nâng chất nguồn nhân lực
 
Xuất phát từ yêu cầu đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng nghề, không chỉ cung cấp cho thị trường lao động trong giai đoạn trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, một trong những giải pháp quan trọng được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng thực hiện là đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ hiện đại.
 
Theo đánh giá của Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp - Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra, đánh giá, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ta đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong giảng dạy, đặc biệt là với các khối ngành kỹ thuật.
 
Một số ngành đào tạo như cơ điện, kỹ thuật ôtô đã ứng dụng các chương trình mô phỏng, học liệu điện tử của các hãng sản xuất lớn. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bắt đầu số hóa học liệu, một số trường đã hợp tác với các tổ chức bên ngoài để sử dụng thư viện số.
 
Theo Tiến sỹ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (Thành phố Hồ Chí Minh), trường đào tạo trên 50 nghề thuộc các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ, ngoại ngữ, trong đó có 7 nghề trọng điểm với các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
 Đào tạo nghề Điện tử dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Đào tạo nghề Điện tử dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Nhận thức sự cần thiết của đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với chuyển đổi số, trong đó có đổi mới phương pháp dạy học, coi trọng phương pháp dạy học trực tuyến, trường đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt, hầu hết các hoạt động của trường đều đã được ứng dụng công nghệ thông tin như tuyển sinh, đào tạo trực tuyến và các chuyên môn nghiệp vụ khác.
 
Ở từng chuyên ngành đào tạo cụ thể, giáo viên tích cực xây dựng bài giảng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng, ví dụ ứng dụng phần mềm Adobe Director trong đào tạo trực tuyến đối với nghề công nghệ ôtô. Trong đó, giáo viên xây dựng giáo trình điện tử mô phỏng các hệ thống kiểm soát khí xả trên ôtô, mô phỏng hệ thống thông khí hộp trục khuỷu, máy phát điện ôtô.
 
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên đổi mới mô hình giảng dạy, thực hiện mô hình lớp học đảo ngược. Tức là khác với lớp học truyền thống, trực tiếp, ở lớp học đảo ngược, giáo viên thực hiện những bài giảng, video về lý thuyết và bài tập cơ bản, chia sẻ qua Internet cho sinh viên xem trước khi không đến giảng đường, xưởng thực hành.
 
Thời gian sinh viên ở lớp học trực tiếp sẽ dành cho việc giải đáp thắc mắc, làm bài tập khó hay thảo luận sâu hơn về kiến thức. Trong lớp học đảo ngược, thời lượng học không gói gọn trong những buổi học trên lớp mà được dàn trải đều trong cả thời gian trước và sau khi đến lớp.
 
Trường Cao đẳng Công nghệ Huế cũng là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đối số trong hoạt động đào tạo.
 
Theo lãnh đạo nhà trường, trên cơ sở các nền tảng số, giáo viên và sinh viên của trường thường xuyên tương tác trực tuyến, giáo viên tích hợp các bài giảng đa phương tiện, giúp sinh viên thuận lợi tra cứu, học tập.
 
Ngoài ra, với việc liên thông kết nối dữ liệu, giáo viên và bộ phận quản lý của trường giám sát, đánh giá chính xác quá trình học tập của sinh viên, tạo sự công khai, minh bạch, hiệu quả cao trong đào tạo.
 
Để chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đạt hiệu quả cao, việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, kịp thời cập nhật các công nghệ mới, hiện đại và đưa vào chương trình giảng dạy là rất cần thiết.
 
Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama2 (đóng tại tỉnh Đồng Nai), cho biết trường đã có phòng thực hành với các thiết bị hiện đại do doanh nghiệp tài trợ.
 
Phòng thực hành được trang bị các thiết bị mô phạm về công nghệ truyền động và điều khiển cùng nhiều tài liệu, sổ tay hướng dẫn, phần mềm đào tạo, học trực tuyến... Sinh viên của trường được tiếp cận và sử dụng các thiết bị huấn luyện và phần mềm đạt chuẩn công nghiệp để sau khi tốt nghiệp thực sự là nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế.
 
Ngoài ra, mới đây, Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama2 đã ký kết hợp tác với với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên kỹ thuật máy bay-VAECO trong đào tạo nhân lực nghề kỹ thuật hàng không, nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Đồng Nai; trong đó ưu tiên đào tạo cho các đối tượng thuộc diện phải giải phóng mặt bằng phục vụ cảng hàng không và con em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
 
Về lâu dài, trường hợp tác với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu các cảng hàng không trong nước và khu vực. Theo đó, hai bên hợp tác đào tạo các nội dung thuộc chương trình như kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay.
 
Các chương trình đào tạo được biên soạn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế./.
 
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam)

tin liên quan

Vượt khó trong mùa dịch

(QBĐT) - Minh Hóa là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh (GV, HS).

Tích cực thi đua "Dạy tốt-Học tốt"

(QBĐT) - Đứng chân trên địa bàn tổ dân phố 3, phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn), Trường tiểu học (TH) Quảng Phong được biết đến là một trong những điểm sáng của bậc giáo dục TH. 

Xếp hạng, xếp lương theo thông tư mới phải bảo đảm quyền lợi giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, "thực sự có sự đổi mới về chế độ."