Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

GS.TS. Trần Ngọc Vương: Nhà khoa học nhân văn

  • 08:03 | Chủ Nhật, 12/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Biết tiếng GS.TS. Trần Ngọc Vương từ lâu, nhưng diện kiến ông, lại còn được ông mời cơm thì lần đầu. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, người đồng hương tâm giao, nói ngắn gọn: “GS.TS. Trần Ngọc Vương là chuyên gia đầu ngành về văn học trung đại của Việt Nam”.
 
Trọn đời nghiên cứu khoa học nhân văn
 
Nhà ông ở phố Võng Thị, quận Tây Hồ (Hà Nội), đó là một ngôi làng xưa, cách hồ Tây không xa. Chiều chiều, GS.TS. Trần Ngọc Vương có thể tản bộ ra phố Trích Sài, ngắm các "cần thủ" câu cá ở hồ Tây, hoặc tưởng tượng về sâm cầm đang kể chuyện cổ tích.
 
GS.TS. Trần Ngọc Vương, sinh năm 1955, hiện là Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Văn học (thuộc Hội đồng Giáo sư Nhà nước); công tác tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường đại học Quốc gia Hà Nội). Bộ môn này được thành lập năm 1956, cùng với sự ra đời của Trường đại học Tổng hợp và khoa Ngữ văn.
 
Trước đây bộ môn này mang tên Cổ Cận Dân (Cổ đại-Cận đại và Dân gian); sau đó đổi tên là “Văn học dân gian và trung đại Việt Nam”. Sau khi bộ môn văn học dân gian tách ra (năm 2005), bộ môn văn học trung đại Việt Nam đảm nhận phần lý thuyết và lịch sử văn học trung đại Việt Nam từ thế kỷ X-hết thế kỷ XIX.
 
Nghe tên bộ môn đã biết là nơi hội tụ của những học giả “làu kinh sử”. Các giáo sư đầu ngành đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau đã tham gia giảng dạy, có thể nhắc đến GS. Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh, GS. Trương Tửu... Bộ môn tự hào là nơi mà các tên tuổi, như: GS. Đinh Gia Khánh, GS.TS. Trần Đình Hượu; các thầy, như: Nguyễn Lộc, Bùi Duy Tân, Hoàng Hữu Yên, Lê Chí Dũng... làm việc và thành danh.
 
Hiện nay, GS.TS. Trần Ngọc Vương (ông được phong Phó giáo sư năm 2001, Nhà giáo Ưu tú năm 2010, Giáo sư năm 2013) được giao làm Chủ nhiệm bộ môn có nhiều “cây cao bóng cả” này.
 
Khi nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa và tôi bước vào thư phòng của thầy Vương thì thấy ngổn ngang sách vở. Ông đang sắp xếp lại thư tịch, văn bản...
 GS.TS. Trần Ngọc Vương.
GS.TS. Trần Ngọc Vương.
Cho đến nay, GS.TS. Trần Ngọc Vương đã có hàng chục luận văn khoa học và hàng chục công trình nghiên cứu khoa học xuất bản thành sách, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”; “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam”, “Thực thể Việt nhìn từ tọa độ chữ”... Đặc biệt, năm 2007, ông được nhận giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu của Trường đại học Quốc gia Hà Nội cho tác phẩm “Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX: Những vấn đề lý luận và lịch sử”.
 
Đối tượng nghiên cứu của GS.TS. Trần Ngọc Vương bao gồm nhiều lĩnh vực, nên ông cũng tham gia giảng dạy trên một phổ khá rộng. Ông đã hướng dẫn đề tài và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cho 20 nghiên cứu sinh; trong đó một nửa là tiến sĩ ngành Văn, 4 tiến sĩ ngành Hán Nôm, 2 tiến sĩ về Văn hóa, 2 tiến sĩ về Việt Nam học. GS.TS. Trần Ngọc Vương còn là chuyên gia về Nho giáo, Phật giáo và về Trung Quốc học.
 
Là một Nhà giáo Ưu tú, GS.TS. Trần Ngọc Vương không chỉ giảng dạy trong nước mà còn tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở các nước Nga, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Ông từng là trưởng đoàn của Việt Nam dự hội thảo về Trần Nhân Tông ở Đại học Harvard (Hoa Kỳ). 
 
Người con của làng Minh Lệ
 
GS.TS. Trần Ngọc Vương là người con của làng Minh Lệ, xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn). Minh Lệ là vùng đất phong cảnh hữu tình, người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, rau quả. 
 
Những năm chiến tranh, đặc biệt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, quê hương của Trần Ngọc Vương cũng như vùng đất Quảng Bình, đâu cũng là “tọa độ lửa”. Bố ông qua đời ngay trên cánh đồng vì bom bi Mỹ. Mẹ ông sức khỏe yếu, nên gần như chỉ mấy chị em côi cút nuôi nhau. Những ngày đi thả trúm trên đồng làng, ông hay nhẩm đọc rồi thuộc làu Truyện Kiều của Nguyễn Du. 
 
Chiến tranh, bom đạn, nhưng bù lại, người Quảng Bình kiên cường. Những người bạn của ông kể lại, nhà GS.TS. Trần Ngọc Vương hồi đó cả bốn chị em ai cũng học giỏi. Thời ấy, việc cả 4 chị em trong một nhà đều tốt nghiệp đại học sư phạm là làng trên xóm dưới nể phục rồi. Với riêng cậu học trò Trần Ngọc Vương, khi mới học đến cấp 3, tiếng tăm đã nổi cả một vùng. Ông không những giỏi về các môn học xã hội mà còn rất giỏi toán và các môn học tự nhiên. 
 
Tốt nghiệp lớp 10, ông thi vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thi đại học của ông được chọn in vào tuyển tập những bài văn hay. Năm 1976, luận văn tốt nghiệp đại học: “Sự thống nhất giữa các mâu thuẫn trong tư tưởng sáng tác của Tản Đà” được in trong “Tuyển tập Văn học Việt Nam”. Ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Cuộc đời ông, với tư cách người thầy và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông bắt đầu từ đó.
 
Là một trí thức tiêu biểu, đầu ngành, nhưng mỗi lần về thăm quê, ông giản dị, khiêm tốn, thân tình với bà con xóm làng, gần gũi với lãnh đạo địa phương. Ông thường xuyên gợi ý coi trọng bảo tồn văn hóa làng xã, từ vật thể đến phi vật thể. Điều may mắn cho làng, cho xã nơi ông đã lớn lên là họ biết lắng ghe và trân trọng tiếp thu những góp ý của GS.TS. Trần Ngọc Vương.
 
Vĩ thanh
 
Qua câu chuyện giữa GS.TS. Trần Ngọc Vương, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, tôi nghe được khái niệm về hệ hình. 
 
Nếu ngôn ngữ là sự phản ánh tư duy thì hệ hình là khái niệm phản ánh trung thành nhất “đường lối tư duy Trần Ngọc Vương”. Đó cũng là khái niệm mà PGS.TS. Phạm Xuân Thạch khái quát khi nói về người thầy của mình.
 
GS.TS. Trần Ngọc Vương là một nhà nghiên cứu ngữ văn học, nhưng trên hết, là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn-PGS.TS. Phạm Xuân Thạch đánh giá. Có lẽ vì thế, GS.TS. Trần Ngọc Vương không chỉ có cái nhìn tổng thể trong khoa học chuyên ngành, đời ông dấn thân, mà cả trong văn hóa, đời sống.
 
Nhà thơ Ngô Đức Hành
 

 

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Vị tướng tài ba của Trường Sơn huyền thoại

(QBĐT) - Trong muôn vàn cống hiến, hy sinh không kể xiết cho đường Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tên tuổi, công lao của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Vị tướng tài ba này đã có gần 10 năm là Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Đó là giai đoạn gian khó, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Học tập tấm gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh

(QBĐT) - Quảng Bình, mảnh đất kiên trung và hào hùng đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, trong đó có đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.