Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đồng Hới - Tháng Tư về

  • 07:17 | Thứ Hai, 04/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây 57 năm, ngày 4/4/1965, với Chiến dịch “Sấm rền 3P”, không quân Mỹ đã huy động hàng chục lượt chiếc máy bay ném bom hủy diệt Đồng Hới mà trọng điểm là khu vực xóm Câu, khu phố Đồng Hải và cầu Dài. Cuộc hủy diệt bắt đầu từ 12 giờ kéo dài đến tận 16 giờ.
 
Không gian Đồng Hới như bị vỡ tan bởi tiếng gầm rú của hàng chục lượt máy bay cường kích AD6 cùng với tiếng nổ đinh tai của những loạt bom tạ. Nhà cửa tan nát, đất đá, cây cối… vương vãi ngổn ngang. Không gian như đặc quyện lại. Những cột khói cuồn cuộn bốc lên khét rẹt mùi tử khí. Cầu Dài bị sập một nhịp. Vườn dừa Trị-Thiên tơi tả cành lá, nhà Thư viện không còn bóng dáng, gạch ngói vôi vữa đè lên những trang sách. Cây đa chùa Ông bị sạt mất một cành lớn…
 
Giữa khoảnh khắc của hai đợt máy bay ném bom, lực lượng dân quân và bộ đội đã lao vào đống đổ nát đào bới, cấp cứu kịp thời những người dân bị nạn, chuyển ra tập kết tại đình Đồng Hải. Hàng chục chiếc chiếu được phủ lên thi thể của người quá cố, khói hương nghi ngút. Những người lớn, trẻ em bị thương được chuyển về nơi an toàn để nhân viên y tế băng bó xử lý… Cả thị xã Đồng Hới nhỏ bé chìm trong đau thương tang tóc.
 
Sau ngày đó, thực hiện chủ trương “Chuyển trạng thái triệt để từ thời bình sang thời chiến”, người Đồng Hới tiến hành cuộc tổng sơ tán toàn diện lên vùng miền Tây, chặt cây rừng cắt lá tranh làm nhà, lập nên những địa danh gọi là “Làng mới”, như: Đồng Trạng, xóm Hà, Cúp Cúp, Ba Đa, Bến Cùng, Mù U, Zét… Một số bà con lên vùng Vĩnh Ninh, Vạn Ninh… hoặc vượt sông Nhật Lệ về bên dảii cát Bảo Ninh.
 
Từng là những nhà buôn bán lớn, tiểu thương chợ Đồng Hới, là công chức Nhà nước… là những ngư dân từng vào lộng ra khơi… chỉ một thời gian ngắn, họ đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới nơi sơ tán. Mặc cho máy bay giặc Mỹ ngày đêm đánh phá, mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Cựu chiến binh Ngô Tú Khánh, nhân chứng trận không quân Mỹ hủy diệt Đồng Hới ngày 4/4/1965.
Cựu chiến binh Ngô Tú Khánh, nhân chứng trận không quân Mỹ hủy diệt Đồng Hới ngày 4/4/1965.
Những dàn bí bầu bắt đầu đơm hoa kết trái. Một màu xanh bao phủ khắp mái nhà tranh, che kín cả những căn hầm chữ A kiên cố. Những vườn rau, nương khoai, vạt sắn… chẳng mấy lúc đã đến kỳ thu hoạch… Trong không gian của vùng sơn cước, hòa với tiếng máy bay Mỹ là tiếng trống trường nhắc nhở học sinh xuống hầm trú ẩn. Người Đồng Hới đã nén đau thương rồi từng bước quen dần với cuộc sống. Họ đã trở thành những nông dân thực thụ.
 
Cuộc chiến với giặc Mỹ ngày càng khốc liệt. Thị xã nhỏ bé và các vùng phụ cận không nơi nào là không có mảnh bom mảnh đạn của máy bay ném xuống. Với phương châm “vừa chiến đấu vừa sản xuất”, lực lượng dân quân tự vệ Đồng Hới tại các điểm dân cư sơ tán một mặt sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay, làm nhiệm vụ cứu hộ, phục vụ chiến đấu, mặt khác đã cùng với bà con đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Nhiều loại hàng hóa được sản xuất từ nơi đây đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống dân sinh của thời chiến, ngoài ra còn góp phần gửi ra phục vụ cho tiền tuyến với các HTX Bách hóa Ba Đa, HTX Cơ khí Đồng Sơn…; các ngành nghề dịch vụ khác, như: Sửa chữa đồng hồ (HTX Hồng Kỳ)…
 
Lần đầu tiên những chiếc mũ cối mang nhãn hiệu HTX Đồng Lực đã đến với bộ đội, thanh niên xung phong. Người Đồng Hới khi đi sơ tán, ngoài tấm chăn, mấy bộ quần áo…, họ còn mang theo một truyền thống ẩm thực đặc trưng của phố biển. Những chiếc quán nhỏ không biển hiệu lấp ló dưới bóng cây xanh trên vùng đất Cộn mang đầy hương vị Đồng Hới xưa: Cháo gà mệ Lu, bánh ú mệ Thiềng, bánh bèo mệ Cày… Đặc biệt, thực khách không thể nào quên món cháo bánh canh gia truyền của mệ Luốc.
 
Chưa hết. Đồng Hới còn có một món ẩm thực nữa mà nếu không nói sẽ là… khiếm khuyết. Đó là những chiếc bánh bao mà “tác giả” là bà Tú Khánh. Bà Khánh (Ngô Tú Khánh) là một trong những nạn nhân trận hủy diệt Đồng Hới của không quân Mỹ ngày 4/4/1965. Thời đó, Tú Khánh đang là một nữ sinh 16 tuổi, ngoài giờ đi học thường ở nhà giúp ba mẹ làm bánh bao bán tại chợ Đồng Hới. Thương hiệu bánh bao của nhà Tú Khánh có tiếng ở Đồng Hới từ đó.
 
Khi những loạt bom đầu tiên rơi xuống, mọi người bị vùi lấp trong căn nhà sụp đổ. Vừa lúc, tổ cứu hộ của thanh niên Đồng Hới có mặt kịp thời để đưa từng người bị nạn ra khỏi khu vực đổ nát. Tú Khánh lúc này bị thương ở đầu. Mái tóc đẫm máu bị lấp dưới lớp gạch vỡ. Có ý kiến nên dùng dao cắt tóc để cứu người nhưng Bí thư Thị đoàn Nguyễn Xuân Chàm (sau này là Chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới) đã không cho. Anh động viên và cùng mọi người kiên trì đào bới đưa được Tú Khánh lên khỏi hầm đồng thời giữ được mái tóc cho cô nữ sinh!
 
Tú Khánh gần hai năm sau nhập ngũ. Do có năng khiếu văn nghệ nên được chuyển về làm diễn viên múa tại Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình. Rời quân ngũ, Tú Khánh cùng chồng (anh Xuân Tuất, cũng là diễn viên Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình) về lại quê hương Đồng Hới. Hai CCB, hai mái đầu đã bạc trắng lại cần mẫn, tiếp tục cho ra đời những chiếc bánh bao, khơi dậy truyền thống ẩm thực của Đồng Hới năm xưa…
 
…Tháng Tư lại về. Những ngày này, trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình gốc Đồng Hới luôn mờ ảo hương khói tưởng nhớ người thân đã ra đi trong trận ném bom hủy diệt của giặc Mỹ năm ấy.
 
Chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỷ, thị xã nhỏ ngày nào nay đã là một thành phố phát triển toàn diện. Cầu Dài rộng mở thênh thang đón những đoàn xe ra Bắc vào Nam. Vườn dừa Trị-Thiên vươn cao tỏa màu xanh êm đềm bên dòng Nhật Lệ.  Xóm Câu, khu phố Đồng Hải, Đồng Đình xưa… (nay là phường Đồng Hải) nhà cao tầng mọc lên san sát…
 
Nhà thơ Xuân Hoàng, một người con của Đồng Hới. Từ những ngày đầu ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong bài thơ “Đồng Hới”, ông đã có những “dự cảm”:
 
“…Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình
Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp
Thành phố ta xây bên bờ biển biếc
Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh
 
Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta
Sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ
Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở
Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà…”.
 
                                                Đoàn Đoàn

tin liên quan

Chợ cá đêm trong lòng thành phố

(QBĐT) - Gần 20 năm tồn tại, chợ cá đêm Nhật Lệ (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) trở thành điểm hẹn của các thương lái… Lên đèn từ lúc chập tối nhưng phải đến nửa đêm chợ cá mới bắt đầu sôi động khi tàu thuyền cập cảng Nhật Lệ. Trừ những đêm trăng sáng, mưa bão, phong tỏa do dịch bệnh, hầu như, quanh năm chợ cá này luôn hoạt động...

Lý Hoà... dòng sông hoài niệm

(QBĐT) - Chị họ Phan, giới thiệu với tôi chị là người Lý Hòa, nụ cười chị cứ nhè nhẹ trong cái hanh hao gió Lào, át mất vì gió hun hút, vì biển mặn mòi, vì cát trắng quê … trắng đến chênh chao. Và rồi tôi quên. Thời gian sau mười năm, người con gái họ Phan làng Lý Hòa xưa ấy nhắn: "Chị bị K, cậu vẫn nhớ con sông quê chị không? Nhờ sông quê đó, chị vẫn tồn tại, sống tốt cho đến chừ!". Chạnh lòng với chị, tôi lặn lội ngược đường, ngược nắng, ngược quá khứ về với sông, về với đất Lý Hòa.

Mùa xuân bản Hà

(QBĐT) - Hòa cùng niềm vui hân hoan mừng xuân Nhâm Dần 2022, người dân bản Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) càng phấn khởi, tự hào khi cuộc sống của bà con được ấm no, đủ đầy hơn, là bản duy nhất đạt danh hiệu bản văn hóa ở huyện miền núi Tuyên Hóa.