Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lý Hoà... dòng sông hoài niệm

  • 08:10 | Thứ Bảy, 26/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chị họ Phan, giới thiệu với tôi chị là người Lý Hòa, nụ cười chị cứ nhè nhẹ trong cái hanh hao gió Lào, át mất vì gió hun hút, vì biển mặn mòi, vì cát trắng quê … trắng đến chênh chao. Và rồi tôi quên. Thời gian sau mười năm, người con gái họ Phan làng Lý Hòa xưa ấy nhắn: “Chị bị K, cậu vẫn nhớ con sông quê chị không? Nhờ sông quê đó, chị vẫn tồn tại, sống tốt cho đến chừ!”. Chạnh lòng với chị, tôi lặn lội ngược đường, ngược nắng, ngược quá khứ về với sông, về với đất Lý Hòa.
 
Chị gái họ Phan, tên Thu Hà, người gốc “rặt” Lý Hòa, xưa làm giáo viên, hiện tại công tác ở Tập đoàn Bảo Sơn, một trong những tập đoàn kinh tế lớn của cả nước. Chúng tôi gặp nhau trên những nẻo đường thiện nguyện hướng về Quảng Bình. Hôm ra Lý Hòa, nhìn đất, ngó sông, tôi thông báo với chị: “Bựa ni Phú Trạch, Hải Trạch nhập một thành xã Hải Phú rồi nghe!”. Tiếng chị ngùi ngùi: “Ừ, chị biết… đất có thể dời, nhưng sông duy một!”.
 
Chạm con nước sông Lý Hòa… bỗng dưng “đụng” mấy vần thơ của thi sỹ Hồng Thế: “Sông Lý Hòa và đèo cũng Lý Hòa/Lý bao nhiêu cũng hòa giai điệu vỗ/Biển bên nhà ru con sóng ngân nga…”.
 
Cây thì có cội, người có tổ có tông, sông có nơi khởi nguồn rồi hòa vào biển lớn. Nhưng sông Lý Hòa không biết ở mô “trôi” về. Nhiều người già suốt miệt đôi bờ sông Đồng Trạch, Hải Phú, Đức Trạch bảo là dòng sông cụt. Một số người lại bảo sông Lý Hòa không rõ nét, được tạo nên bởi trăm suối, trăm khe từ Đông Trường Sơn xuôi về.
 Làng Lý Hòa nhìn từ cửa biển.
Làng Lý Hòa nhìn từ cửa biển.
Chạm con nước sông Lý Hòa, ngùi ngùi nhớ lời thi sỹ Xuân Hoàng: “Chào sông Lý từ Ba Rền đổ xuống/Qua những làng quen Hỹ Duyệt, Đồng Cao/Muối mặn Hiền Sơn năm xưa nuôi cách mạng/Đêm Diêm Trường lấp lánh những vì sao”. Đến đây, ai bảo Lý Hòa… là dòng sông cụt!
 
Tôi lại lục tìm trong lịch sử, thì ra sông Lý Hòa còn thêm nhiều cái tên khác: Rào Cày, Dĩ Lý, Lý Ninh, Thuận Cô… gắn liền với những thăng trầm, biến thiên của làng Lý Hòa, “Mai tôi về nhớ cửa biển Thuận Cô/Phú, Hải, Đức, Đồng hiền hòa sóng vỗ”… Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Sông Lý Hòa ở cách huyện Bố Trạch 13 dặm về phía Bắc, một dòng từ phía Tây núi Hòa Duyệt, một dòng từ phía Bắc núi Tam Linh, hai dòng chảy xuống xã Đồng Cao tụ lại làm thành phá lớn qua cầu Quan lộ rồi ra biển”.
 
Một câu chuyện tôi nghe kể lại, vào những năm 1970 của thế kỷ 20, khi đế quốc Mỹ hạn chế đánh phá miền Bắc XHCN, tỉnh Quảng Bình có chủ trương đào một con sông nối liền dòng Son với sông Lý Hòa nhằm phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và vận tải đường thủy. Khi công trình đang triển khai thì đế quốc Mỹ ném bom trở lại, thành ra bị gián đoạn rồi hoang hóa dần. Dấu tích kênh đào hiện tại vẫn trải dài từ thôn Khương Hà (Hưng Trạch) qua xã kinh tế mới Sơn Lộc, về Phú Trạch, Hải Trạch cũ, Hải Phú bây giờ.
 
Tôi xin phép chị gái Phan Thu Hà khoan hãy nhắc đến làng Lý Hòa, làng “Tam danh hương Lý, Quý, Cao” có tuổi đời hơn 716 năm tính từ khi vua Trần Anh Tông (1293-1314) đặt tên là Dĩ Lý (1306) mà còn phải vội theo dòng sông Lý Hòa về với biển.
 
Tôi ra phía cửa sông, nhìn về hướng Tây, bên ni Hải Phú, bên tê Đức Trạch trù phú dọc đôi bờ. Xa xa ngọn núi Lệ Đệ sà xuống thấp thoáng in hình đáy nước. Từ cửa biển, nghe tiếng sóng âm âm lời người dân Hải Phú tâm tình về dòng sông quê hương: “Không dũng mãnh như sông Gianh, cũng chẳng mộng mơ như sông Nhật Lệ, nhưng sông Lý Hòa có vẻ đẹp riêng, bốn mùa yên ả, lặng lờ trôi xuôi ra biển cả. Sáng sớm trời thu trong xanh, núi Lệ Đệ nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông nên thơ và hữu tình. Những làng quê ven sông bao đời nay tuy nhiều gian khó nhưng vẫn yên bình. Người Hiền Sơn cuộc sống lay lắt sớm khuya theo con tôm, con tép; thôn Mai Hồng ngày ngày chát chiu tiếng búa đe; dân Thuận Phú nhọc nhằn theo củ khoai, hạt lúa; xóm Đồng Cao cần mẫn trên vạt cải, luống hoa. Ấy vậy mà cứ thương nhau, đùm bọc nhau qua bao năm tháng, trọn nghĩa vẹn tình. Một tiếng gà gáy giữa trưa hè ở xóm Hiền Sơn làm cho người Đồng Cao thổn thức, một tiếng gọi đò bên kia thôn Quy Đức trong đêm vắng cũng làm cho người Lý Hòa nao lòng…”.
 
Sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: “Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rủ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng. Dân cư ở ngay bãi trũng về phía Nam, bên tả ngạn ôm lấy sông Thuận Cô từ bên hữu ngạn chạy lại làm án cho nên nhân đinh thịnh vượng hơn nghìn người, tục quen buôn bán, thời bình vào Gia Định đóng thuyền nan hơn trăm chiếc đem về bán...”.
 
Đến với sông Lý Hòa mà không ghé thăm làng Lý Hòa với tuổi đời hơn 716 năm là một điều thua thiệt. Tuy nhiên trong khuôn khổ một bài viết hẹp tôi không thể “ôm” hết những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh mà đất và người Lý Hòa lưu lại, trải dài từ quá khứ đến hiện tại, sâu vào tương lai.
 
Theo những tư liệu lịch sử làng Lý Hòa do Chủ tịch UBND xã Hải Phú bà Phan Thị Ánh Nguyệt cung cấp, người Lý Hòa có gốc gác từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, khởi thủy lập làng gồm một số dòng họ lớn như Hồ, Phan, Nguyễn, Hoàng, Lê... ngày nay phát triển đến 24 dòng họ.
 Một khúc sông Lý Hòa.
Một khúc sông Lý Hòa.
Trong nhiều người con ưu tú làng Lý Hòa mà tôi đã từng gặp ngoài chị Phan Thu Hà có các ông: Phan Hải, một doanh nhân thành đạt tại TP. Hồ Chí Minh; thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin.
 
Doanh nhân Phan Hải giúp quê hương trùng tu, xây dựng cho làng Lý Hòa nhiều công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh. Ông Phan Khắc Hải là người đưa bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do chính tay Đại tướng ghi bút tích “Tặng xã Hải Trạch anh hùng” về lưu giữ tại Nhà truyền thống làng Lý Hòa năm 2008. Để đến hôm nay, sau khi Đại tướng an nghỉ tại Vũng Chùa thì trước khu đền tưởng niệm của xã hiện hữu một bức tượng bán thân của Đại tướng. Nhân dân làng Lý Hòa và cả xã Hải Phú luôn tự hào Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn mãi mãi trường tồn cùng với thời gian, với quê hương mình.
 
“Người Lý Hòa lạ lắm anh! Mấy trăm năm trước đến chừ vẫn kiên định một chữ Lý. Trong Văn thánh làng còn lưu giữ viết: “Lý mà thuận bởi lý tình lý nghĩa/Hòa có lý bởi hợp ý muôn người. Lý hữu đa nhân, địa linh sinh nhân kiệt/Hòa vi đại quý, hiện sóng xuất anh tài”... Cho nên các thế hệ người dân Lý Hòa dù đi đâu, làm gì cũng luôn hướng về cội nguồn, gốc rễ, tu đức, luyện tài, rèn chí vươn lên”, Chủ tịch UBND xã Hải Phú chia sẻ.
 
Tôi chạm thêm lần nữa con nước sông Lý Hòa trước khi chia tay, hoài niệm đan xen rồi chợt nhớ lời chia sẻ của chị Phan Thị Ánh Nguyệt. Ừ... rất đúng “Làng ở giữa con sông và dãy núi/Giọng dẻo mềm cứ “giăng”, “giữa” mà yêu/ Nơi đất học thành danh nhiều khoa bảng/ Nơi tuổi thơ tắm mát những câu Kiều/ Làng ở giữa con sông và dãy núi/Ngôi đền xưa như một chấm hồn quê/Dẫu đi đâu, ở đâu vẫn không quên nguồn cội/Tiếng ầu ơ níu gọi ta về...”.
 
 Ngô Thanh Long

tin liên quan

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Vũng Chùa vọng tiếng dương cầm

(QBĐT) - Từ khi Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vùng đất này có một giá trị tâm linh thật đặc biệt. Nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào, bạn bè quốc tế đã tìm về đây để thắp cho vị tướng huyền thoại, vị tướng hòa bình, vị tướng của nhân dân nén hương tưởng niệm. Vũng Chùa-Đảo Yến đã gắn với những điều cao đẹp, linh thiêng về Đại tướng kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Khám phá Khe Vàng

(QBĐT) - Khe Vàng chảy từ phía Tây dãy núi Giăng Màn thuộc xã Trọng Hóa (Minh Hóa), là một trong những nơi khởi nguồn của dòng sông Gianh lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của Khe Vàng được ví như "chốn thần tiên", đủ sức hấp dẫn, níu chân bất kỳ ai đã một lần đến khám phá dòng suối này…