Nhật Lệ, dòng sông huyền thoại

  • 08:40 | Thứ Hai, 21/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dòng Kiến Giang chở nặng phù sa màu mỡ từ cánh đồng Lệ Thủy, qua phá Hạc Hải dồn về. Dòng Đại Giang mang hơi thở của Trường Sơn vượt thác Tam Lu, thác Cạn, mang hình bóng núi Thần Đinh đổ xuống. Cả hai dòng sông gặp nhau, hợp lưu tại một điểm, đó là ngã ba Trần Xá thuộc xã Hàm Ninh (Quảng Ninh). Đây cũng chính là điểm khởi đầu của con sông lớn mang tên Nhật Lệ. Từ đây, sông Nhật Lệ đổ ra biển theo hướng Bắc.
 
Ban đầu, dòng chảy nép mình lượn qua phía Tây theo chân dãy đồi sim mua phía Hà Kiên về hói Chợ Gộ. Đến Quán Hàu sông chẻ đôi ôm lấy Cồn Soi, sau đó nhập lại rồi uốn mình men theo triền cát trắng Bảo Ninh. Về đến Mũi Sác, tiếp nhận thêm nguồn nước của con hói Lệ Kỳ và xuôi ra biển. Nếu theo đường chim bay, từ điểm xuất phát (ngã ba Trần Xá) đến cửa biển, sông Nhật Lệ có chiều dài khoảng hơn 15km.
 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ban đầu, sông có tên là Đại Uyên sau đổi thành Nhật Lệ vào khoảng thế kỷ XI. Tên Nhật Lệ gắn liền cuộc hôn nhân đầy nước mắt giữa công chúa Huyền Trân (con vua Trần Nhân Tông nước Đại Việt) với Chế Mân (vua nước Chiêm Thành).
 
Sông Nhật Lệ huyền ảo, thơ mộng và mang trong mình những dấu ấn hào hùng khó quên qua năm tháng. Từ lâu, người dân vạn chài đôi bờ đã gắn bó cuộc sống sinh nhai của mình với sông Nhật Lệ. Nguồn thủy sản ở đây rất đa dạng, phong phú vì lợi thế có cả nước lợ và nước mặn. Mùa mưa lũ, từ phá Hạc Hải đổ về một lượng lớn phù sa, tăng thêm nguồn thức ăn cho các loài thủy sản như: Cá, tôm, cua, rạm… Bởi vậy, những nghề truyền thống trên sông như chài lưới, giăng câu, thả rập… phát triển quanh năm.
Cầu Nhật Lệ 2 hiện đại nối liền đôi bờ sông, góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
Cầu Nhật Lệ 2 hiện đại nối liền đôi bờ sông, góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư.

Sông Nhật Lệ từ Cồn Soi (Quán Hàu) khi xuôi về gần cửa biển thì sâu dần và mở rộng ra, có đoạn rộng đến 1.000m như từ thôn Trung Bính (Bảo Ninh) sang tới cầu Dài (phường Đồng Hải). Ngoài nghề câu và chài lưới, trên sông còn có nghề rớ dàn. Đây là phương tiện đánh bắt cá cố định ven bờ với một chiếc chòi được cắm chắc chắn, phía trên có tấm lợp che nắng che mưa, một hệ thống dây chằng với 4 cây tre đực to nâng tấm lưới rộng khoảng 100m2.

Đây là chiếc rớ quen thuộc của người dân vùng sông nước. Từ đầu nguồn về tận cửa biển, hai bên bờ Nhật Lệ cũng có hơn 40 chiếc. Từ những chiếc rớ dàn này đủ cung cấp thủy sản tươi ngon cho khách hàng chợ Quán Hàu, Đồng Hới…

Sông Nhật Lệ không những cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống cho con người mà còn tô đẹp thêm cho phố biển Đồng Hới. Khi thời tiết chuyển sang xuân, vào khoảng trung tuần tháng giêng, tháng hai xuất hiện ngọn gió Đông Nam (gió Nồm) thổi nhè nhẹ đưa màn sương mù từ ngoài khơi vào đất liền. Từ mờ sáng, cả mặt sông bị bao phủ bởi một màn sương trắng đục.
 
Đứng ở cầu Mụ Kề không thể nhìn được doi cát Bảo Ninh bên kia sông. Thời trước, khi chưa có cầu, chưa có thuyền máy, toàn xã Bảo Ninh có đến 8 chiếc đò ngang (của 8 thôn) chèo tay chở người sang bến chợ Đồng Hới. Rất nhiều chuyến đò đã bị lạc bến lên Phú Hải hay về tận cửa biển vì mất phương hướng do sương mù dày đặc. Đến khoảng 9 giờ mặt trời lên, màn sương loãng dần, quang cảnh trên sông hiện rõ những chiếc thuyền câu, buông lưới, chuyến đò ngang cùng mái chèo dập dềnh sóng nước.
 
Phía giữa sông, xuất hiện các dãy dáy đơm cá. Trên những sợi dây giăng ngang, có cả trăm con cò đậu thẳng hàng trông như một sợi chỉ trắng. Thấy động, đàn cò đều đồng loạt vỗ cánh bay lên lượn quanh ẩn hiện trong màn sương. Trước đây, tại Đồng Hới vào Quốc khánh 2-9, ngoài lễ hội bơi trải truyền thống, người ta còn tổ chức hội thi bắt vịt trên sông Nhật Lệ.
 
Những chú vịt mạnh khỏe được đưa ra thả cho bơi tự do giữa sông. Các kình ngư, trai tráng làng Đồng Hải, Hà Thôn, Trung Bính, Sa Động… chỉ tay không và với một chiếc quần cộc thi nhau ngụp lặn trổ tài bơi lội tiếp cận để làm sao tóm được vịt. Cuộc thi kéo dài, tiếng reo hò cổ vũ động viên dậy khắp cả một vùng sông quê.
 
Về mùa mưa, nước lũ từ nguồn Đợi (Kiến Giang) và nguồn Côộc (Đại Giang) ào ạt tuôn về, dòng Nhật Lệ từ màu xanh ngọc chuyển sang một màu đỏ phù sa. Gió mùa Đông Bắc thổi mạnh từ cửa biển vào giao thoa với dòng nước lũ tạo thành những con sóng bạc đầu dữ dội. Ấy thế mà những con đò ngang chèo tay từ Bảo Ninh vẫn vượt sóng chở học sinh sang phố đến trường, chở cán bộ đi làm việc, người dân đi chợ…Theo như các bậc cao niên ở địa phương thì “sông Nhật Lệ rất…hiền”. Từ xa xưa cho tới nay, trên đoạn sông này chưa bao giờ có một vụ chìm đò ngang nào khi chở khách qua sông.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dòng sông Nhật Lệ đã để lại một dấu ấn lịch sử trên quê hương Quảng Bình "Hai giỏi" với hình ảnh những chiếc tàu hải quân đầy lá ngụy trang rẽ nước quần nhau với tàu Mỹ, hình ảnh mẹ Suốt tay chặt mái chèo đưa bộ đội, thương binh qua sông giữa làn mưa bom bão đạn, hình ảnh những em bé Bảo Ninh cởi khăn quàng đỏ bọc đạn chạy dọc bờ sông chuyển lên trận địa cho các chú dân quân bắn máy bay giặc Mỹ…
 
Bởi vậy, Nhật Lệ đã trở thành “dòng sông huyền thoại”. Trên dòng sông đó đã xuất hiện 3 nữ anh hùng là Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Lý (phường Phú Hải) và 2 nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Suốt và Nguyễn Thị Khíu (xã Bảo Ninh).
 
Dòng sông Nhật Lệ gắn với những chiến công hào hùng trong đánh Mỹ trở thành nguồn cảm hứng trong tác phẩm của nhiều văn nghệ sỹ lúc bấy giờ, như: "Bài ca trên sông Nhật Lệ" (Nhật Lai), "Mẹ Suốt" (Tố Hữu), "Quảng Bình quê ta ơi" (Hoàng Vân), "Tiếng hát đò đưa" (Hoàng Sông Hương), "Em bé Bảo Ninh" (thơ Văn Dinh, nhạc Trần Hữu Pháp)…
 
Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang ném bom TX. Đồng Hới, các ca sỹ Quốc Hương, Trần Thụ, Trần Khánh… và Đoàn ca múa Trung ương đã đứng ngay trên mũi tàu hải quân giữa dòng sông để hát phục vụ bộ đội Hải quân giữa những khoảnh khắc của hai trận đánh.
 
Sau ngày Đại thắng mùa Xuân 1975 và đặc biệt là từ ngày Quảng Bình được tái lập (1989), phố biển Đồng Hới đã có nhiều đổi mới trong quy hoạch. Hai chiếc cầu hiện đại bắc qua sông nối liền đôi bờ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, đêm đêm ánh điện đủ màu sắc phản chiếu xuống mặt nước làm cho phố biển Đồng Hới càng thêm huyền ảo...
 
Nhật Lệ hôm nay đang khoác trên mình chiếc áo mới. Bên phía bờ tây là phố thị vươn mình với những tầng cao, phía đông là dải cát Bảo Ninh từng bước chuyển mình, góp phần tô điểm cho TP. Đồng Hới-trung tâm của tỉnh lỵ Quảng Bình.
                                                                                                            Đoàn Đoàn
 
 
 
 
 

tin liên quan