Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hà Văn Quan - vị quan toàn tài

  • 11:19 | Thứ Tư, 02/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đầu xuân, theo chân ông Hà Văn Anh, 63 tuổi, đời thứ 11 dòng họ Hà Văn, làng Vĩnh Tuy, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), tôi đến thắp nén hương trên mộ vị quan thanh liêm Hà Văn Quan. Hiện, mộ ông đang an vị tại nghĩa trang dòng họ Hà Văn chi thứ 2 ở đồi Niên (xã Vĩnh Ninh), đầu theo hướng Bắc gác lên đỉnh đồi, chân xuôi về phía hồ chứa nước Điều Gà, cách đường Hồ Chí Minh nhánh Đông tầm 300m.
 
Theo gia phả dòng họ, Hà Văn Quan sinh ngày 4 tháng 8 năm Đinh Hợi (1827). Lúc đầu ông được đặt tên là Hà Văn Trù, kế đến đổi thành Hà Văn Quý, sau nữa mới đổi thành Hà Văn Quan. Hà Văn Quan có tên tự là Tử Thạch, hiệu Vĩnh Xuyên, người xã Vĩnh Tuy, tổng Long Đại, phủ Phong Lộc, nay là xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh.
 
Thủy tổ là ông Hà Văn Thiên, người quê xã Kim Sơn, phủ Ninh Bình, nay là tỉnh Ninh Bình. Ông nội là Hà Văn Thước, lúc mới lập triều Nguyễn được giữ chức Nội thị. Cha của ông là Hà Văn Nhàn, thi đỗ tú tài khoa Tân Tỵ, thời vua Minh Mạng (1821), người đời sau thường nhắc là ông đồ Nhàn.
 
Lúc 6 tuổi, ông đã được đi học. Hàng ngày, ông tập viết trên đá liếp, bẹ tre, bẹ cau. Xuất thân từ dòng dõi khoa bảng, sẵn trí thông minh cộng với siêng năng, chăm chỉ học hành nên ông rất giỏi, chữ lại đẹp. Năm Tự Đức thứ 8, khoa thi Ất Mão (1855) ông đỗ cử nhân. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), ông thi Hội đỗ Phó bảng. Từ chức kiểm thảo Nội các, ông được nhận chức Đồng tri phủ, lĩnh chức ở huyện Gia Lộc, rồi chuyển sang làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương).
 
Quan tỉnh thấy ông tâm tính tốt, siêng năng, cần cù làm việc nên dâng sớ tiến cử, ông được thăng chức Thị độc, lĩnh chức Quản đạo Hà Tĩnh. Năm Tự Đức thứ 26 (1873), ông được nhận thêm chức Thị giảng học sỹ, rồi sung làm Phó sứ sang Yên Kinh (Trung Quốc). Khi trở về, ông được nhận chức Hồng lô tự khanh, Biện lý bộ Binh. Là vị quan thanh liêm, tài năng, đức độ, văn hay, chữ đẹp nên vua Tự Đức mới có lời rằng “Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, riêng trẫm có 2 bồ, thiên hạ 1 bồ, Hà Văn Quan 1 bồ”.
Mộc bản triều Nguyễn Đại Nam chính biên liệt truyện chép về thân thế, sự nghiệp Hà Văn Quan.
Mộc bản triều Nguyễn Đại Nam chính biên liệt truyện chép về thân thế, sự nghiệp Hà Văn Quan.

Năm Tự Đức thứ 28 (1875), vua bảo rằng: Hà Văn Quan được bổ làm quan ở ngoài chưa được bao lâu, chuẩn cho đổi sang chức Án sát xứ Ninh Bình để thạo việc. Hà Văn Quan dâng sớ ở lại kinh để học việc chính sự. Thấy phải, vua cho phép ở lại. Năm ấy có duyệt binh lớn về phép trận của thủy binh và bộ binh, đội quân do ông phụ trách nghiêm chỉnh luyện tập nên nhiều lần ông được ban thưởng kim tiền. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), ông được cất nhắc giữ chức Hữu thị lang bộ Binh, sung chức Chủ khảo trường thi Nam Định, rồi giữ chức Thự Tham tri.

Lo nhiệm vụ mới, Hà Văn Quan dâng sớ trình bày về việc binh chính, xin đồn lính, huấn luyện binh sỹ, chuẩn bị thêm quân lương và rèn đúc súng ống để phòng khi cần đến. Lại thấy đường biển nhiều khi ách tắc, ông xin được chọn thủy binh lập đạo quân tuần tiễu. Những việc ông tâu rất phù hợp với yêu cầu thực tế thời bấy giờ, chính vì thế vua đều giao cho quan hữu ty bàn định để thi hành.
 
Chính nhờ sự toàn tâm, toàn ý phục vụ triều Nguyễn mà năm Tự Đức thứ 34 (1881), vua ban dụ rằng: “Hà Văn Quan làm quan rất biết lo việc nước, thương yêu dân, chăm chỉ cố gắng, trong nhà có cha mẹ già nên đặc ân ban cho sâm, quế, bạc, lụa”. Năm sau, vì có tang cha nên ông xin nghỉ chức về quê chịu tang. Về quê chưa được bao lâu, triều đình lại triệu ông ra làm việc, được thăng chức Tham tri bộ Binh.
 
Năm Kiến Phúc thứ hai (1884), ông ra lĩnh chức Tổng đốc Hải An. Lúc ấy, đất nước có nhiều biến cố, bọn Hán gian nhà Thanh xúi giục dân chúng gây biến loạn, khiến đường sá bị cách trở. Hà Văn Quan một mình đến nhận chức, hết lòng phủ dụ, ứng xử linh hoạt, vỗ về dân chúng, vì thế ngăn được biến loạn, toàn hạt được yên bình, vua xuống chiếu khen ngợi.
 
Lúc bấy giờ, quan nước Pháp nghi ngờ Hà Văn Quan thông đồng với quân nhà Thanh nên bắt ông đem giải về Gia Định, đưa đi an trí ở Côn Lôn. Hơn một năm sau, đến đầu năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), việc hòa hoãn giữa triều Nguyễn với Pháp thành công, Hà Văn Quan từ Gia Định trở về, bị giáng xuống chức Thị lang, lĩnh chức Tham tri bộ Công, kiêm quản Viện Đô sát. Ông dâng sớ xin từ chối nhưng không được, ông lại được nhận thực hàm, trông coi việc xây dựng điện Cần Chánh.
 
Cảm động trước sự tin tưởng, coi trọng người hiền tài của vua, trong biểu tạ ơn, ông viết: “Khi lấy thân để báo ơn nước, định lấy cái chết để đền đáp; ngày đến chốn hoang vu muôn dặm, không ngờ được sống mà quay về”. Ông còn viết: “Con chim trong lồng lại được thấy tầng mây xanh mà bay liệng, con ngựa hèn trong chuồng lại được thủ roi thúc trên đường mà yên vui”. Lời lẽ trong biểu tạ ơn của ông thể hiện tấm lòng trung quân, ái quốc, toát lên khí khách của bậc trượng phu nhưng câu chữ cũng rất mềm mại, uyển chuyển và không kém phần ví von, hóm hỉnh.
 
Tháng giêng, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), ông được phong giữ chức Thượng thư bộ Hình, sung chức Đại thần Viện Cơ mật. Không may ông mắc bệnh nặng, triều đình xuất quế, phụ sâm nhung và cử lương y giỏi chăm sóc, cứu chữa nhưng không qua khỏi.
 
Ngày mồng 5 tháng Tư năm Mậu Tý (1888) ông mất tại nơi làm quan. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Buổi đầu Văn Quan mắc bệnh, vua nghĩ tình công lao vất vả, luôn ban cho sâm quế quý. Đến khi mất, hậu cấp tiền, lụa và cho ban tế tại nhà. Bấy giờ, Quan 62 tuổi. Sách làm ra có quyển Yên hành nha ngữ thi cảo. Con là Văn Khai, ẩm thụ Hàn lâm Kiểm thảo, Văn Kháng, đỗ Cử nhân” .
Câu đối ca ngợi tài năng, công đức Hà Văn Quan tại nhà thờ họ Hà Văn phái thứ hai ở thôn Vĩnh Tuy 2, Vĩnh Ninh, Quảng Ninh.
Câu đối ca ngợi tài năng, công đức Hà Văn Quan tại nhà thờ họ Hà Văn phái thứ hai ở thôn Vĩnh Tuy 2, Vĩnh Ninh, Quảng Ninh.

Trong thời gian, Hà Văn Quan giữ chức Tổng đốc Hải An thì Hoàng Kế Viêm đang giữ chức Trấn Bắc bình tây đại tướng quân. Vốn là đồng hương Quảng Bình, lại cùng làm nhiệm vụ triều chính tại Bắc Hà, có điều kiện ở gần nhau nên cả hai vị quan kết thân rồi nên nghĩa thông gia. Cậu ấm Hoàng Tự Tân, con trai nối dõi của Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Kế Viêm đã kết duyên với bà Hà Thị Tựu, người con gái thứ hai của Hà Văn Quan. Dù ở bất cứ vị trí nào trong bộ máy triều Nguyễn, ông cũng luôn chu toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Quý trọng công lao, tài năng và đức độ của Hà Văn Quan, dân làng Vĩnh Tuy đã lập bài vị ông, rước vào thờ tự ở đình làng với 3 vị có công khai khẩn lập làng. Ban đầu, con cháu xây lăng cho Hà Văn Quan giữa cánh đồng làng Vĩnh Tuy, theo hướng Tây, đầu tựa vào đỉnh Đầu Mâu, chân hướng về phía sông Nhật Lệ. Đến năm 1965, thực hiện việc quy hoạch lại ruộng đồng của xã, con cháu dời mộ ông lên nghĩa trang dòng họ Hà Văn chi thứ hai ở vị trí hiện tại.
 
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các sắc phong, trước tác của ông, gia tộc không giữ được. Hiện nay, tại nhà thờ dòng họ Hà, chi thứ 2 ở thôn Vĩnh Tuy 2 còn lưu giữ được một ít kỷ vật và đôi câu đối:
 
“Đan tâm hứa quốc vô di hiểm
Hồng bút hành văn hữu quỷ thần”
 
Nghĩa là: Lòng son, thề nước không quản ngại/Hồng bút, hành văn như quỷ thần, do Khiếu Trọng Định, Tả Tham tri bộ Lễ kiêm tế tửu đã nghỉ hưu dâng tặng vào mùa thu năm Giáp Thìn, Thành Thái thứ 6 (1904) nhằm ca ngợi tài năng, công đức của ông.
 
Tấm gương trung quân, ái quốc, thông minh, đức độ, giàu lòng thương người của Hà Văn Quan mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Vĩnh Tuy, của dòng tộc Hà Văn để hậu thế kế thừa, học tập, noi theo.
Khánh Linh
 
 
 

tin liên quan

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Vũng Chùa vọng tiếng dương cầm

(QBĐT) - Từ khi Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vùng đất này có một giá trị tâm linh thật đặc biệt. Nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào, bạn bè quốc tế đã tìm về đây để thắp cho vị tướng huyền thoại, vị tướng hòa bình, vị tướng của nhân dân nén hương tưởng niệm. Vũng Chùa-Đảo Yến đã gắn với những điều cao đẹp, linh thiêng về Đại tướng kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Khám phá Khe Vàng

(QBĐT) - Khe Vàng chảy từ phía Tây dãy núi Giăng Màn thuộc xã Trọng Hóa (Minh Hóa), là một trong những nơi khởi nguồn của dòng sông Gianh lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của Khe Vàng được ví như "chốn thần tiên", đủ sức hấp dẫn, níu chân bất kỳ ai đã một lần đến khám phá dòng suối này…