Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Có một con đường mang tên tiến sỹ Võ Khắc Triển

  • 07:09 | Chủ Nhật, 03/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày đầu tháng ba, tôi nhận được cuộc điện thoại lạ, tiếng miền Bắc nhè nhẹ: “Chị là Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, dâu Quảng Bình thứ thiệt đây em! Hậu duệ cụ Võ Khắc Triển, tiến sỹ Nho học cuối cùng thời nhà Nguyễn”. Rồi chị vui mừng thông báo: “Vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Bình ban hành nghị quyết đặt tên đường tại TP. Đồng Hới, vinh dự là tên cụ Võ Khắc Triển được đặt cho tuyến phố đẹp ngay tại trung tâm. Ngày nào thành phố tổ chức gắn biển, nhờ em thông báo để con cháu cụ cùng về hội ngộ”.
 
Vinh danh tiến sỹ Nho học cuối cùng triều Nguyễn
 
Qua câu chuyện với chị Mai Thị Kim Thoa, tôi lục tìm các văn bản HĐND tỉnh và bắt gặp Nghị quyết số 35/NQ-HĐND, HĐND tỉnh khóa XVIII, kỳ họp thứ 3, ngày 29/10/2021 về việc đặt tên, đổi tên đường trên địa bàn TP. Đồng Hới. Theo đó, tên tiến sỹ Nho học cuối cùng của triều Nguyễn là cụ Võ Khắc Triển được đặt cho tuyến phố chiều dài 640m, rộng 15m nối liền đường Trần Quang Khải với đường Lý Thường Kiệt qua khu đô thị phía Bắc đường Trần Quang Khải.
 
Ngược dòng lịch sử, cụ Võ Khắc Triển (1883-1966), sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Mỹ Lộc, xã An Thủy (Lệ Thủy), vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có dòng Kiến Giang mát lành, nơi núi Đầu Mâu soi mình xuống phá Hạc Hải, có dãy Đại Trường Sa tạo nên bức trường thành che chắn phía Đông cho những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”.
 
Vùng đất đầy khí phách anh hùng sớm tạo nên bản lĩnh, cốt cách, chân giá trị của cụ Võ Khắc Triển. Thi đỗ 4 khoa tú tài, 2 khoa cử nhân; tại kỳ thi tiến sỹ cuối cùng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định 4 (1919), lúc đang giữ chức Thừa Phái Bộ Lại, cụ Võ Khắc Triển nộp hồ sơ dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân.
 
Sau khi đỗ tiến sỹ, cụ Võ Khắc Triển được triều đình nhà Nguyễn giao giữ nhiều chức vụ: Tri huyện Đồng Xuân (1920), Tri phủ Đức Thọ (1923), Tri phủ An Nhơn (1927), Lang Trung Bộ Binh kiêm Hộ Thành binh mã Phó sử (1931), Án sát tỉnh Quảng Ngãi (1933)... Làm quan dưới thời triều Nguyễn, thực dân Pháp đô hộ, nhân dân chịu cảnh mất nước, nô lệ lầm than “một cổ hai tròng”, với một người khí khái, yêu nước, thương dân như cụ Triển, chí lớn không thành, cụ quyết định hưu quan trở về quê hương, sống cuộc sống thanh bạch bên dòng Kiến Giang.
 
Cách mạng tháng Tám thành công, tiến sỹ Võ Khắc Triển nhận thấy đường lối cứu nước đúng đắn của Bác Hồ và Đảng ta, cụ động viên con cháu một lòng theo cách mạng. Bản thân cụ Võ Khắc Triển lấy lý do “chân yếu, mắt mờ, tai lãng” từ chối ra giữ chức Tổng trấn Trung phần của chính quyền Bảo Đại, thoát ly lên chiến khu đảm nhận chức Hội trưởng Hội Liên Việt huyện Lệ Thủy, vận động nhân dân, nhân sỹ, trí thức một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kháng chiến.
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đã bước sang tuổi 73, cụ Võ Khắc Triển nhận lời mời từ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rời quê hương Lệ Thủy ra Hà Nội phụ trách công tác nghiên cứu, dịch thuật, hiệu đính các tác phẩm Hán Nôm tại Viện Văn học, Viện Triết học. Cụ Võ Khắc Triển mất đột ngột vào ngày 27/6/1966 khi đang tại chức trong nỗi tiếc thương của mọi người, hưởng thọ 84 tuổi.
Tuyến phố mang tên cụ Võ Khắc Triển nối đường Trần Quang Khải với đường Lý Thường Kiệt thuộc phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới).
Tuyến phố mang tên cụ Võ Khắc Triển nối đường Trần Quang Khải với đường Lý Thường Kiệt thuộc phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới).

Niềm tự hào của quê hương

Trở lại với câu chuyện tên cụ Võ Khắc Triển, tiến sỹ Nho học cuối cùng triều Nguyễn được vinh danh trên tuyến phố ở trung tâm TP. Đồng Hới, từ sự kết nối của chị Mai Thị Kim Thoa, tôi trao đổi nhanh với lãnh đạo TP. Đồng Hới và phường Đồng Phú, qua đó nhận sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền, nhất trí ngày làm lễ gắn biển tên đường cụ Võ Khắc Triển, con cháu cụ sẽ hội tụ về cùng chứng kiến, chia sẻ niềm vui.
 
9 giờ 30 phút ngày 13/3/2022, lễ gắn biển tên đường cụ Võ Khắc Triển được chính quyền TP. Đồng Hới phối hợp với hậu duệ cụ Triển tổ chức diễn ra rất trang trọng, tôn nghiêm. Con cháu cụ Võ Khắc Triển sinh sống khắp ba miền Bắc, Trung, Nam trở về quê hương Quảng Bình nhân sự kiện này đến hơn 50 người.
 
Ông Võ Khắc Mai, năm nay 86 tuổi, con trai cụ Võ Khắc Triển, nguyên Kỹ sư trưởng, Phó Tổng giám đốc Khu đường bộ 5 (nay là Cục Quản lý đường bộ III, Bộ Giao thông vận tải), “cha đẻ” của các công trình đường cứu hộ, cứu nạn tại các cung đèo hiểm trở bậc nhất tại Việt Nam như đèo Cù Mông, đèo Hải Vân... nhớ lại: “Bố tôi có 3 người vợ, 18 người con cả trai lẫn gái, tôi là con trai thứ 13 của cụ, cũng là người sống gần gũi, lâu năm nhất với cụ lúc sinh thời. Cho đến tận bây giờ..., nhớ về ba tôi là nhớ đến những bài học về đạo đức, lối sống, cách đối nhân, xử thế mà cụ khuyên bảo, dặn dò, giáo dục con cháu. Để qua nhiều thế hệ, dòng họ Võ Khắc sinh sống khắp đất nước vẫn luôn lấy cụ làm tấm gương đạo đức noi theo”.
 
Ông Võ Khắc Đế, cháu nội cụ Võ Khắc Triển, nhân sự kiện này đã cảm tác những vần thơ đầy xúc động: “Vinh dự, tự hào con cháu ông/Tên đường được đặt để ghi công/Uyên thâm, đạo đức, giàu nhân nghĩa/Chính đại quang minh, sáng đẹp lòng/Vì nước, vì dân sống đạm bạc/ Trọn đời cống hiến dạ thong dong/Người đi để lại tấm gương sáng/Võ Khắc vui mừng, thỏa ước mong”.
 
Ông Võ Khắc Mai, trong lời phát biểu đáp từ tại buổi lễ gắn tên đường cụ Võ Khắc Triển, trân trọng: “Chúng tôi vô cùng tự hào về mảnh đất đã sinh ra một con người hiếu học, yêu nước, trở thành tấm gương sáng cho dòng học Võ Khắc và quê hương Quảng Bình. Xin thay mặt cho hậu duệ cụ Võ Khắc Triển và dòng họ Võ Khắc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam cảm ơn Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Bình, TP. Đồng Hới đã ghi công, vinh danh. Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, chúng tôi cũng luôn giữ đúng lời dạy của cha ông chúng tôi, cụ Võ Khắc Triển, làm việc gì cũng phải đặt lợi ích Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, luôn tự hào và ghi nhớ rằng mình là con dân mảnh đất Quảng Bình “Hai giỏi”.
 
                                                                                                    Ngô Thanh Long

tin liên quan

Chợ cá đêm trong lòng thành phố

(QBĐT) - Gần 20 năm tồn tại, chợ cá đêm Nhật Lệ (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) trở thành điểm hẹn của các thương lái… Lên đèn từ lúc chập tối nhưng phải đến nửa đêm chợ cá mới bắt đầu sôi động khi tàu thuyền cập cảng Nhật Lệ. Trừ những đêm trăng sáng, mưa bão, phong tỏa do dịch bệnh, hầu như, quanh năm chợ cá này luôn hoạt động...

Lý Hoà... dòng sông hoài niệm

(QBĐT) - Chị họ Phan, giới thiệu với tôi chị là người Lý Hòa, nụ cười chị cứ nhè nhẹ trong cái hanh hao gió Lào, át mất vì gió hun hút, vì biển mặn mòi, vì cát trắng quê … trắng đến chênh chao. Và rồi tôi quên. Thời gian sau mười năm, người con gái họ Phan làng Lý Hòa xưa ấy nhắn: "Chị bị K, cậu vẫn nhớ con sông quê chị không? Nhờ sông quê đó, chị vẫn tồn tại, sống tốt cho đến chừ!". Chạnh lòng với chị, tôi lặn lội ngược đường, ngược nắng, ngược quá khứ về với sông, về với đất Lý Hòa.

Mùa xuân bản Hà

(QBĐT) - Hòa cùng niềm vui hân hoan mừng xuân Nhâm Dần 2022, người dân bản Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) càng phấn khởi, tự hào khi cuộc sống của bà con được ấm no, đủ đầy hơn, là bản duy nhất đạt danh hiệu bản văn hóa ở huyện miền núi Tuyên Hóa.