Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mãnh hổ năm Canh Dần và dấu ấn mở cõi

  • 06:13 | Thứ Sáu, 04/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mãnh hổ tuổi Canh Dần (1650) chính là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, sinh tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh) trong một gia tộc trâm anh thế phiệt lâu đời có nguồn gốc cùng tổ với chúa Nguyễn. Tổ tiên là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc-khai quốc công thần thời Đinh; ông nội là Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn-vị khởi tổ dòng tộc Nguyễn Hữu ở Đàng Trong. Thân phụ ông là Nguyễn Hữu Dật, là 1 trong 3 vị đệ nhất công thần của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613).
 
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà đang chịu nạn Trịnh-Nguyễn phân tranh. Ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần, từng là sư tổ của môn võ với danh hiệu “Bạch hổ sơn quân phái” được nhiều người kính phục.
 
Khi còn ở độ tuổi mới chớm đôi mươi, ông được tiên phụ đặc cách cho đi theo chinh chiến, trải qua nhiều trận mạc. Tuổi trẻ, sớm lập được nhiều chiến công nên chúa Nguyễn Phúc Tần cũng đặc biệt chú ý đến Nguyễn Hữu Cảnh. Ông được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành hầu và cử giữ chức cai cơ.
 
Năm Nhâm Thân (1692), vua Chiêm Thành là Bà Tranh dấy loạn, chúa Nguyễn Phúc Chu cử ông làm Thống binh cầm quân đánh dẹp bắt được Bà Tranh cùng thủ hạ. Vâng lệnh chúa Nguyễn, ông đã đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, cho quan lại Chiêm trở về phủ dụ dân chúng.
 
Đầu năm 1694, một người Hoa là A Ban dấy loạn, tháng tư năm đó Nguyễn Hữu Cảnh lại vâng mệnh chúa vào đánh dẹp. Trải qua hai năm liền (1692-1694), ông đã hoạt động không biết mệt mỏi và gặt hái được nhiều kết quả khả quan như ổn định phủ Bình Thuận; hòa đồng sắc tộc Chăm-Việt; cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng nên được chúa thăng chức Chưởng cơ, làm trấn thủ dinh Bình Khương (Bình Khang)...
Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Đồng Nai
Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Đồng Nai
Vào mùa xuân năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Vùng đất này ngày ấy bao gồm từ khu vực Cù lao Phố (nay thuộc Biên Hòa) đến Mỹ Tho. Thuở ấy, đây là vùng đất toàn rừng núi âm u, hiểm trở, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư... Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước, thương dân, Nguyễn Hữu Cảnh kiên quyết vượt gian nguy, vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành.
 
Vừa vào đến nơi, Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng. Tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ với mọi phương án do ông đề ra, như: Khai hoang mở cõi; dàn xếp biên cương; bảo vệ chủng dân và vùng đất mới; thiết lập cơ sở hành chính thôn, xã có quy củ; lập phủ Gia Định và chính thức cho sáp nhập vào bản đồ Đại Việt; chiêu mộ lưu dân và khuyến nông. Dân chúng các vùng, nhất là nhân dân Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông.
 
Chốn rừng rậm đầm lầy quanh vùng Đồng Nai, Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí..., mà Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai khẩn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này: “Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt/Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai”.
 
Đặc biệt, do vị trí thuận lợi giao lưu bằng hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thông ra biển, nơi đây đã sớm biến thành hải cảng. Ghe biển từ miền Bắc, miền Trung ra vào dễ dàng, về sau có tàu buôn của Trung Hoa, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp đi về làm cho hải cảng thêm sầm uất.
 
Trên khu vực khô ráo sát mé sông lớn (quận I ngày nay), dành đất xây dinh thự, thành lũy. Phía Chợ Lớn dành cho khu phố thương mại. Những cư dân người Hoa đã làm cầu nối thu mua lúa gạo từ đồng bằng sông Cửu Long lên tận Cam-pu-chia để xuất khẩu và nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Singapore, Hồng Kông bán lại cho nông dân. Ngoài vai trò là hải cảng quốc tế, Phiên Trấn là thành lũy phòng thủ mặt Tây để phòng chống quân Xiêm hay sang quấy phá. Từ đây, cuộc sống của dân cư nhanh chóng ổn định và khá phát triển, từng bước chủ quyền của người Việt được xác lập trên vùng đất Nam bộ. Sài Gòn-Gia Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng đất mới...
 
Năm Nhâm Dần 2022 đã đến, nhắc lại câu chuyện về bậc “tiền hiền của các bậc tiền hiền” cầm tinh con hổ ấy cùng với công lao mở cõi đất phương Nam vào năm Mậu Dần 1698 là một lần nữa để nhắc nhở lớp lớp con cháu đất Việt hôm nay và mãi mãi về sau khắc nhớ, tự hào về dấu chân của các bậc tiền nhân thời mở nước.
 
Và trong đoàn hùng binh đi mở đất đầy gian khổ ấy hình bóng của vị Thượng đẳng thần Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngời ngợi vị thế lĩnh ấn tiên phong. Ôi, nhớ sao “Đấng quân thần mở mang bờ cõi, công ở biên thùy, danh ở sử/Người chính khí trung thành, sống làm tướng, thác làm thần” (Liễn đối ca ngợi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh treo ở đình thần Châu Phú, nay thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang).
 
Hàng thế kỷ đã trôi qua và mãi mãi về sau vẫn thế: “Công Lễ Thành hầu đi mở đất/Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”. 
 
Nguyễn Thị Thọ

tin liên quan

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.