Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lung linh Cha Lo

  • 07:56 | Thứ Sáu, 18/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tôi, trước hết, Cha Lo là một chấm hồi ức lung linh. Thời học trò, khi bom đạn Mỹ đang tàn phá dữ dội mảnh đất tuyến lửa Quảng Bình, Cha Lo đã vang dội trong tôi. “Ơi Cha Lo! Ơi Cha Lo! Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc. Bừng sáng lung linh một vì sao. Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô. Những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay. Có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây”
 
Cha Lo bước vào ca khúc “Đêm trên Cha Lo” đi cùng năm tháng của nhạc sỹ nổi tiếng Phạm Tuyên. Có lẽ, nếu cần chọn hai bài hát hay nhất về Quảng Bình thời chống Mỹ chắc chắn nhiều người sẽ đề cử “Quảng Bình quê ta ơi!” của Hoàng Vân và “Đêm trên Cha Lo” của Phạm Tuyên.
 
Cha Lo là tên một bản thuộc xã Dân Hóa (Minh Hóa). Cái địa danh quen thân ấy cũng là tên đồn biên phòng và tên cửa khẩu quốc tế. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo, CKQT Cha Lo.
 
Ngược dòng thời gian, khi người Pháp mở tuyến 12A nối Quốc lộ 1 từ Ba Đồn vượt dãy Trường Sơn để sang xứ sở Triệu Voi thì Cha Lo là điểm cuối cùng trên đất nước ta của con đường ấy. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của Mỹ (từ 1965-1973), Cha Lo được gọi là “túi bom” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đấy là thời bi tráng của dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (thơ Tố Hữu) với những tiểu đội xe “Không có kính, rồi xe không có đèn/Không có mui xe, thùng xe có xước/Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong xe có một trái tim”; những cô gái thanh niên xung phong không nhìn rõ mặt trong đêm đi lấp hố bom nhưng “áo em hình như trắng nhất”; những chiến sỹ công binh bám trụ trên trọng điểm “nghe tiếng bom rất nhỏ” có trong thơ Phạm Tiến Duật…
 
Qua Cha Lo rất ác liệt là những đoàn xe, đoàn quân nối nhau vào chiến trường gần, chiến trường xa. Và đương nhiên, không thể không nói tới những người lính ở Đồn Biên phòng Cha Lo vững vàng trên miền Tây. Biết bao mồ hôi và máu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã đổ xuống mảnh đất này.
 
Cha Lo như một vì sao lung linh của đất nước Việt Nam. Gắn với địa danh Cha Lo có ba đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang thời đánh Mỹ là Tiểu đoàn 12 Công binh, đơn vị thanh niên xung phong 759 và Đồn Biên phòng Cha Lo. Vùng biên cương trập trùng hiểm trở này mang trong nó âm hưởng hào hùng và lãng mạn của một thời bom đạn vô cùng khốc liệt mà ai đã trải qua không thể nào quên được.
Quốc môn ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Quốc môn ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Không thể nói khác được, Cổng Trời là điểm nhấn của Cha Lo. Có một kỷ niệm còn tươi xanh mãi trong tôi. Ấy là mùa hạ năm 1974, vừa mới nhập ngũ một tháng, những chàng lính trẻ măng mang quân hàm binh nhì như tôi được đến Cha Lo để quay phim về đường Trường Sơn.

Tuổi mười tám, tôi say mê ngắm cảnh núi rừng Trường Sơn trùng điệp đang dần xanh lại sau gần mười năm bom đạn tơi bời, con đường mấp mô có nhiều “ổ gà” uốn khúc quanh co giữa những triền lau lách và cây dại. Những mảng trời xanh, những luống mây trắng bất ngờ hiện ra ở các khe núi. Cổng Trời! Tôi không hết sững sờ khi nhìn thấy một vòm cửa tự nhiên được tạo nên bởi hai hòn đá lớn có phần trên chạm vào nhau gợi dáng hình đôi trai gái đang trao nụ hôn nồng cháy. Nụ hôn vĩnh hằng được lưu giữ giữa trập trùng núi non như một câu chuyện tình yêu còn sống mãi với người dân nơi đây.

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai và cô gái yêu nhau tha thiết. Quái vật thuồng luồng ghen tị, căm tức đã tìm bắt cô gái nhốt vào hang sâu để đòi làm vợ. Chàng trai quyết cứu cô gái nên gánh đá về lấp cửa hang và đánh nhau với quái vật. Trong cuộc quyết đấu có hai tảng đá rơi xuống tạo nên một cửa vòm tự nhiên như ta thấy. Và cái tên Cổng Trời đã được người dân đặt cho vòm cửa đó.
 
Chúng ta dễ dàng nhận ra tính hồn nhiên trong cách lý giải sự vật của các tộc người lưu trú trên Trường Sơn, nhưng cốt lõi của câu chuyện chính là tình yêu trong sáng và đó cũng là sức mạnh để cái thiện chiến thắng cái ác. Sau truyền thuyết hàng trăm năm, hàng nghìn năm lại sinh nở những khúc tình ca khác trên bản hùng ca giữ nước mà Cổng Trời là một ví dụ đẹp.
 
Trên vách đá còn lưu khắc những dòng chữ: “Tim còn đập, đường không tắc” của chiến sỹ chúng ta và trong trái tim những người từng trải qua trận mạc còn bâng khuâng câu thơ thời đánh giặc: “Trường Sơn tây anh đi, thương em/Bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo/Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/Rau hết rồi, em có lấy măng không?” (thơ Phạm Tiến Duật).
 
Và hôm nay, diện mạo Cha Lo đang bừng tươi đẹp đẽ. Quá khứ không bị lãng quên trong cuộc sống đang khởi sắc, đổi mới mỗi ngày cùng đất nước. Đây đã trở thành CKQT bề thế, khang trang, hiện đại, hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Con đường “xuyên Á” 12A từ điểm nối Quốc lộ 1 ở TX. Ba Đồn, phía bắc sông Gianh, qua Cổng Trời-Cha Lo chạy đến thành phố Mawlamyine của Myanmar đã tạo ra sự kết giao thuận lợi và rộng lớn giữa các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar.
 
Từng có một Cha Lo anh hùng, lãng mạn trong chiến tranh và cũng đang có một Cha Lo năng động, thân thiện trong hòa bình. CKQT Cha Lo đang là một điểm giao thương tấp nập và quan trọng của nước ta với nhiều quốc gia trong khu vực. Đáng mừng, là trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy có giảm so với trước đây nhưng lưu lượng người, hàng hóa và phương tiện thông quan ở CKQT Cha Lo vẫn khá đông và nằm ở tốp đầu các cửa khẩu Việt-Lào.
 
Dưới chân dãy núi Giăng Màn mây phủ quanh năm đang hình thành một trung tâm kinh tế và đô thị đầy tiềm năng. Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo được thành lập, gồm 6 xã của huyện Minh Hóa là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa, Hóa Tiến với tổng diện tích 538km2.
 
Nhiều hạng mục công trình đã và đang mọc lên trên Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Tương lai không xa, Cha Lo sẽ là một đô thị sầm uất, một cửa ngõ giao thương tấp nập với các đối tác, bè bạn nước ngoài. Cha Lo chắc chắn sẽ vô cùng hấp dẫn với du khách muôn nơi. Một Cha Lo lung linh giữa Trường Sơn hùng vĩ đang mời gọi chúng ta.
Nguyễn Hữu Quý
 

tin liên quan

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.  

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Vũng Chùa vọng tiếng dương cầm

(QBĐT) - Từ khi Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vùng đất này có một giá trị tâm linh thật đặc biệt. Nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào, bạn bè quốc tế đã tìm về đây để thắp cho vị tướng huyền thoại, vị tướng hòa bình, vị tướng của nhân dân nén hương tưởng niệm. Vũng Chùa-Đảo Yến đã gắn với những điều cao đẹp, linh thiêng về Đại tướng kính yêu của dân tộc Việt Nam.