Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đặc sắc lễ cầu an của đồng bào Rục

  • 07:26 | Thứ Ba, 22/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khoảng chục năm trở lại đây, cứ đúng vào ngày 15/1 âm lịch (rằm tháng giêng), đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) lần lượt luân phiên tổ chức lễ cầu an, nhằm xua đuổi những điều rủi ro, xui xẻo, dịch bệnh và cầu mong may mắn, tốt lành. Năm nay, bản Ón là nơi diễn ra lễ cầu an... 
 
Dẫn chúng tôi đến bên bếp lửa đỏ rực, ông Cao Ngọc Đoan, 56 tuổi, một trong những người Rục có nhiều kinh nghiệm, uy tín ở bản Ón (xã Thượng Hóa) cho hay: "Bếp lửa này được nhen lên từ buổi chiều hôm qua và duy trì đỏ lửa cho đến thời điểm kết thúc lễ cầu an. Lúc lửa được nhen lên, toàn bản đã tổ chức mổ heo, chế biến thức ăn, cùng quây quần bên bếp lửa để chuyện trò, chung vui cho đến tận buổi sáng hôm nay.
 
Nhằm duy trì bếp lửa cháy liên tục, cách đây vài ngày, các thanh niên của bản được phân công vào rừng lấy củi, phụ nữ thì đi hái bắp chuối, rau rừng. Ngoài ra, toàn bộ người dân ở bản đều thống nhất cùng góp chung một con heo nặng hơn 30kg cùng các sản vật khác như rượu đoác, nếp, gạo… Đặc biệt, những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, uy tín ở bản còn chịu trách nhiệm vào rừng tìm 7 viên đá lèn "đặc biệt" cùng 1 bó lá rừng mà người dân bản địa thường gọi là Tri ang Cà panh hoặc Xà là".
 
Ông Cao Ngọc Đoan cho biết thêm: "Lá Tri ang Cà panh thường mọc trên những lèn đá cao, rất khó tìm. Loài lá rừng này còn được người Rục dùng để ngâm rượu, uống vào rất tốt cho sức khỏe. Đối với việc tìm đá lèn, phải là người có nhiều kinh nghiệm thì mới chọn được những viên đá khi bỏ vào bếp lửa trong nhiều giờ đồng hồ vẫn không bị phát nổ, đỏ rực lên như màu máu. Trước khi bước vào lễ cầu an chính thức, 7 viên đá lèn sau khi được rửa sạch, nung đỏ, sẽ được thả vào những thau nước có ngâm lá Tri ang Cà panh đặt ngay ở cổng ra vào.
 
Khi đá nóng được thả vào thau, hơi nước, mùi lá Tri ang Cà panh sẽ bốc lên nghi ngút, thơm lừng. Lúc đó, mọi người sẽ quây quần bên thau nước để hít lấy mùi thơm và chờ nước nguội thì vốc lên rửa mặt. Theo quan niệm của người Rục, động tác này sẽ "làm sạch thân thể", đánh bay mọi tội lỗi, uế tạp… trước khi bước vào thực hiện lễ cầu an. Nếu không được "làm sạch thân thể" trước khi bước vào lễ cầu an, các vị thần linh sẽ không chấp nhận để ban phát những điều may mắn, tốt lành cho những người cầu khấn vì thiếu sự tôn trọng…".
Quang cảnh lễ cầu an của người Rục.
Quang cảnh lễ cầu an của người Rục.

Sau gần 1 giờ đồng hồ chăm chú đọc những lời cúng khấn bằng tiếng của người Rục bên mâm lễ cầu an, già làng bản Ón Trần Quyền (95 tuổi) kể vắn tắt với chúng tôi: Được người dân bản Ón tin tưởng giao cho cúng chính ở lễ cầu an, trong lời cúng khấn, bản thân già làng đã cầu mong các vị thần linh phù hộ cho đồng bào Rục luôn được bình an, có nhiều sức khỏe, tránh được dịch bệnh, tà ma và những điều xui xẻo.

Tiếp đó, già làng còn cầu cho khí hậu thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt… để cho bà con được ấm no, sung túc. Người đi làm ăn xa thì luôn gặp may mắn và không bị kẻ xấu hãm hại. Người làm ăn ở gần thì gặp thuận lợi, lên rừng lấy được nhiều mật ong, trồng lúa và hoa màu không bị thú rừng phá hoại, mất mùa, chăn nuôi phát triển tốt; trẻ em trong bản hầu hết được học hành đến nơi đến chốn…

Theo quan niệm, tín ngưỡng người Rục ở bản Ón, xung quanh khu vực bản thường có rất nhiều vị thần linh hiện hữu. Chẳng hạn, tại các khu vực nhỏ hẹp như hang, lèn, khe suối, gồm: Mịch Kịch, Kim Giao, Cà Rung,… mỗi nơi đều có một vị thần linh ngự trị, cai quản. Tương tự, tại các vùng đất rộng lớn hơn (người dân bản Ón thường gọi là địa xứ), như: Hung Sạc, cua Tay Áo, hung Trâu, lèn Oong, Cà Tắp…, mỗi nơi cũng có một vị thần linh ngự trị, cai quản và có quyền năng cao hơn so với thần linh ở khu vực nhỏ hẹp.
 
Do đó, khi tiến hành làm lễ cầu an, người đứng ra cúng chính tại lễ phải tinh thông về địa lý, tâm linh của người Rục thì mới đọc tên, xin phép đầy đủ các vị thần linh. Ngoài việc làm lễ cầu an để thờ cúng, cầu khấn các vị thần linh, người Rục còn tiến hành cúng khấn những "Con mần chết đói, con mọi chết khát", nghĩa là những vong linh không có ai thờ cúng, vì đó mà thường xuyên phá hoại, gây tai ương cho dân bản…
 
Có thể thấy, ngoài việc mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng, lễ cầu an của người Rục ở xã Thượng Hóa còn thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giáo dục các thế hệ con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
"Thông qua lễ cầu an, đồng bào Rục cũng bày tỏ sự biết ơn, ghi nhớ về những hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước đã giúp cho đồng bào có được cuộc sống ổn định, sung túc như ngày hôm nay. Lễ cầu an cũng chính là dịp để đồng bào Rục mời đại diện các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn cùng đến chung vui, thắt chặt mối quan hệ trong thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc…", ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cho biết.
 

Bản Ón hiện có 71 hộ, 286 nhân khẩu, hầu hết là người Rục. Lễ cầu an của đồng bào Rục đã có từ lâu đời, thường được tổ chức bên những khe suối. Do quá trình du canh du cư cộng với đói khổ, lễ cầu an đã bị đứt quãng suốt một thời gian khá dài.

Cách đây khoảng 10 năm, cả 3 bản đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa đã họp bàn và thống nhất mỗi năm sẽ tổ chức lễ cầu an tại một bản. Vị trí làm lễ là tại nhà văn hóa cộng đồng của bản. Chủ lễ cầu an do các vị trưởng bản đảm nhận. Đứng ra cúng chính tại buổi lễ thường là một người cao tuổi, có uy tín, tinh thông về địa lý, tâm linh của người Rục và được người dân ở bản đó bầu chọn...

Văn Minh

 
 
 

tin liên quan

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Vũng Chùa vọng tiếng dương cầm

(QBĐT) - Từ khi Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vùng đất này có một giá trị tâm linh thật đặc biệt. Nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào, bạn bè quốc tế đã tìm về đây để thắp cho vị tướng huyền thoại, vị tướng hòa bình, vị tướng của nhân dân nén hương tưởng niệm. Vũng Chùa-Đảo Yến đã gắn với những điều cao đẹp, linh thiêng về Đại tướng kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Khám phá Khe Vàng

(QBĐT) - Khe Vàng chảy từ phía Tây dãy núi Giăng Màn thuộc xã Trọng Hóa (Minh Hóa), là một trong những nơi khởi nguồn của dòng sông Gianh lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của Khe Vàng được ví như "chốn thần tiên", đủ sức hấp dẫn, níu chân bất kỳ ai đã một lần đến khám phá dòng suối này…