Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chợ cá đêm trong lòng thành phố

  • 07:09 | Thứ Bảy, 26/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần 20 năm tồn tại, chợ cá đêm Nhật Lệ (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) trở thành điểm hẹn của các thương lái… Lên đèn từ lúc chập tối nhưng phải đến nửa đêm chợ cá mới bắt đầu sôi động khi tàu thuyền cập cảng Nhật Lệ. Trừ những đêm trăng sáng, mưa bão, phong tỏa do dịch bệnh, hầu như, quanh năm chợ cá này luôn hoạt động...
 
Chợ họp lúc nửa đêm…
 
Hơn 12 giờ đêm, chiếc tàu đánh cá hơn 400 mã lực mang số hiệu QB 92657 TS của ngư dân Phan Văn Chừng (xã Đức Trạch,Bố Trạch) buông neo cập cảng cá Nhật Lệ. 7 thuyền viên có mặt trên tàu nhanh chóng mở hầm chứa cá đưa những khay cá cơm tươi rói lên bờ để bán cho các thương lái đang ngồi đợi sẵn trên cầu cảng.
 
Thuyền trưởng Chừng, bước vội từ tàu lên cầu cảng buông giọng đặc trưng của người kẻ biển: “Tàu chúng tôi đánh bắt cá trên vùng biển Quảng Bình, cách bờ chừng 20 hải lý, đêm nay, tàu được sản lượng hơn 1 tấn cá cơm cùng vài chục cân mực nên tôi phải chạy hết tốc lực để kịp chuyến chợ đêm ở đây, chứ về muộn quá chợ vãn, hàng hải sản ươn, bán không được giá...”
Cảnh mua bán hải sản tấp nập ở chợ cá đêm Nhật Lệ.
Cảnh mua bán hải sản tấp nập ở chợ cá đêm Nhật Lệ.
Cũng theo thuyền trưởng Chừng, ông đã gắn bó với chợ cá đêm Nhật Lệ hơn chục năm trời. Khi nào đánh bắt được cá, ông đều cho tàu vào chợ cá đêm Nhật Lệ này. Đây là chuyến đi biển thứ hai của ông từ sau Tết Nguyên đán. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, những chuyến đi biển của ông và bạn thuyền cũng bấp bênh, cầm chừng. Nhưng vì cuộc mưu sinh, ông không còn cách nào khác là vẫn bám biển, bám chợ cá đêm.
 
Hơn 3 giờ sáng, thuyền trưởng Lê Văn Chiến (Quảng Ngãi) cùng các thuyền viên trên tàu số hiệu QNg 96776 TS mới đưa hết gần 8 tấn cá cơm xuống cảng cá Nhật Lệ. Ông Chiến bảo rằng, những năm trước tàu cá của ông chủ yếu cập cảng Cửa Tùng (Quảng Trị) để bán hải sản cho thương lái. Nay, do giá xăng dầu tăng cao, để giảm chi phí, ông phải ngược ra cảng cá Nhật Lệ để nhập hàng.
 
“Biết chợ cá đêm Nhật Lệ đã lâu, nay chúng tôi mới tới đây, không khí về đêm ở đây cũng nhộn nhịp, tấp nập không khác gì so với các chợ cá khác tôi đã từng ghé, chuyến sau chắc thuyền chúng tôi cũng sẽ ghé chợ cá đêm để bán hải sản…”, ông Chiến nói.
 
Thương lái Hà Thị Thủy (xã Mai Hóa, Tuyên Hóa), gắn bó với chợ cá đêm Nhật Lệ hơn 10 năm nay. Để đến chợ, gần 12 giờ đêm, xe ô tô đông lạnh của gia đình bà đã phải xuất phát từ xã Mai Hóa để kịp vào chợ thu mua hải sản.
 
“Trừ khi đau ốm, mưa bão gia đình tôi mới không đến chợ cá. Mỗi chuyến đi thu mua hải sản tại chợ, chi phí gần 50 triệu đồng. Hải sản sau khi được thu mua, sẽ đưa về bán tại các chợ Ba Đồn, chợ Cuồi…Chuyến chợ này, gia đình tôi thu mua hải sản với trị giá hơn 40 triệu đồng, nếu thuận lợi sẽ có lãi vài triệu đồng…”, bà Thủy cho biết.
 
Ông Lê Thế Lực, Trưởng cảng cá Nhật Lệ cho hay, chợ cá đêm Nhật Lệ được bắt đầu từ khoảng gần 1 giờ, chợ vãn vào tầm 6-7 giờ sáng. Chợ cá là nơi thu hút rất nhiều tàu thuyền từ các tỉnh, thành trong cả nước vào buôn bán hải sản, đây cũng là nơi mua bán hải sản tấp nập của các thương lái trên địa bàn tỉnh.
 
“Chợ cá đêm còn là nơi dừng chân của các thương lái ở Quảng Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, ThừaThiên-Huế đến buôn bán hải sản hàng ngày. Những lúc cao điểm, chợ cá Nhật Lệ thu hút hơn 15 tàu, thuyền và khoảng gần 500 thương lái đến để buôn bán hải sản…”, ông Lực cho hay.
 
Tấp nập kẻ bán, người mua…
 
Hoạt động mua bán hải sản ở chợ Nhật Lệ chủ yếu diễn ra vào ban đêm với hình thức bán sỉ và được tổ chức thành hai khu vực riêng biệt. Ở khu vực phía ngoài cảng, là nơi thu mua hải sản từ các tàu cá vừa mới đánh bắt cập cảng. Còn khu vực bên trong cảng, là nơi mua bán của các thương lái vận chuyển bằng xe đông lạnh từ các tỉnh lận cận đến bán.
 
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến cùng các bạn thuyền hôm nay có 8 tấn cá cơm trong tay nhưng vẫn chưa bán cá vội dù được các thương lái thúc giục, kỳ kèo, ông vẫn đang chờ được trả giá cao hơn mới bán. Sau hơn 30 phút ngã giá, số lượng cá cơm trên tàu ông Chiến được các thương lái chốt giá 10.000 đồng/kg.
 
“Chuyến này đi biển, được coi là thành công với hơn 80 triệu đồng thu được từ tiền bán cá, sau khi trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng. Chuyến này, tôi cùng bạn thuyền có thu nhập cao hơn các chuyến đi biển trước, nhờ biết điều phối và giảm các chi phí không cần thiết…”, ông Chiến cho biết.
Rất nhiều hải sản được bày bán ở chợ đêm.
Rất nhiều hải sản được bày bán ở chợ đêm.
Thương lái Hà Thị Thủy đêm nay đã phải đi ngược xuôi khắp chợ, khàn cả giọng để trả giá cho những khay hải sản đang được bày bán ở chợ đêm. Bí quyết mà bà Thủy chia sẻ là bởi do chợ có nguồn hải sản phong phú, nhiều, tươi ngon lại được bán sỉ nên thường các thương lái hay ép giá các chủ tàu thuyền. Do tàu thuyền đi biển đã lâu, cá lại đầy khoang nên nhiều khi cũng bán để còn theo kịp chuyến đi biển mới.
 
Phía trong điểm mua bán hải sản từ các xe đông lạnh của các thương lái đến từ tỉnh Nghệ An cũng đang rất nhộn nhịp, thương lái Trần Văn Hùng (TX. Cửa Lò) đang phải ghi chép rất tỉ mỉ, cẩn thận từng lá phiếu mua hàng của các cơ sở thu mua. Đi chợ hôm nay, ông Hùng gom được gần 2 tấn cá các loại về chợ đêm Nhật Lệ để bán. Thoáng chốc, chiếc xe hải sản của ông đã được các cơ sở thu mua “dọn sạch”, sau khi trừ chi phí, buổi chợ này, ông cũng lãi được gần chục triệu đồng.
 
“Bởi số lượng người mua sỉ lớn và mối mua dồn dập nên tôi phải luôn thận trọng trong việc bán ra. Chỉ cần ghi lộn của người này vài ký, cá loại 1 ghi loại 2 hoặc ngược lại, vậy sẽ mất uy tín với bạn hàng, không có lời…”, ông Hùng cho biết.
 
Gần 6 giờ sáng, chợ cá đêm Nhật Lệ chỉ còn lại một khoảng sân trống, ngư dân, tàu thuyền lần lượt rời bến cảng, tiểu thương thì hối hả ngược xuôi chở cá tỏa ra các chợ đầu mối gần xa trên địa bàn tỉnh. Phía xa, chị lao công đang cần mẫn, dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị cho buổi chợ mới diễn ra vào hôm sau.
 
“Đã duy trì hoạt động trong lòng TP. Đồng Hới gần 20 năm nay, nhưng sắp tới, chợ cá đêm Nhật Lệ sẽ di chuyển sang Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh theo thông báo số 247/TB-UBND, ngày 27/10/2020 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình Khu đô thị Nam cầu Dài, phường Phú Hải, TP. Đồng Hới theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt….”, bà Đậu Thị Hoa, Phó trưởng Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Quảng Bình cho biết.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Lý Hoà... dòng sông hoài niệm

(QBĐT) - Chị họ Phan, giới thiệu với tôi chị là người Lý Hòa, nụ cười chị cứ nhè nhẹ trong cái hanh hao gió Lào, át mất vì gió hun hút, vì biển mặn mòi, vì cát trắng quê … trắng đến chênh chao. Và rồi tôi quên. Thời gian sau mười năm, người con gái họ Phan làng Lý Hòa xưa ấy nhắn: "Chị bị K, cậu vẫn nhớ con sông quê chị không? Nhờ sông quê đó, chị vẫn tồn tại, sống tốt cho đến chừ!". Chạnh lòng với chị, tôi lặn lội ngược đường, ngược nắng, ngược quá khứ về với sông, về với đất Lý Hòa.

Mùa xuân bản Hà

(QBĐT) - Hòa cùng niềm vui hân hoan mừng xuân Nhâm Dần 2022, người dân bản Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) càng phấn khởi, tự hào khi cuộc sống của bà con được ấm no, đủ đầy hơn, là bản duy nhất đạt danh hiệu bản văn hóa ở huyện miền núi Tuyên Hóa.
 

Đặc sắc lễ cầu an của đồng bào Rục

(QBĐT) - Khoảng chục năm trở lại đây, cứ đúng vào ngày 15/1 âm lịch (tức rằm tháng giêng), đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) lần lượt luân phiên tổ chức lễ cầu an, nhằm xua đuổi những điều rủi ro, xui xẻo, dịch bệnh và cầu mong may mắn, tốt lành. Năm nay, bản Ón là nơi diễn ra lễ cầu an...