Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khám phá Khe Vàng

  • 06:26 | Thứ Năm, 27/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khe Vàng chảy từ phía Tây dãy núi Giăng Màn thuộc xã Trọng Hóa (Minh Hóa), là một trong những nơi khởi nguồn của dòng sông Gianh lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của Khe Vàng được ví như “chốn thần tiên”, đủ sức hấp dẫn, níu chân bất kỳ ai đã một lần đến khám phá dòng suối này…
 
“Chốn thần tiên”
 
Nhiều lần lên công tác ở bản Lòm (xã Trọng Hóa), chúng tôi được nghe đồng bào người Mày nơi đây kể về Khe Vàng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của những cánh rừng già, của dòng nước trong veo, mát lành len lỏi qua từng ghềnh đá. Đặc biệt, trên dòng Khe Vàng, cách bản Lòm chừng 10km đường rừng, có 2 ngọn thác mang vẻ đẹp như “chốn thần tiên” quanh năm tung bọt trắng xóa, đó là thác 9 tầng và thác Tóc Tiên.
 
Khao khát được một lần khám phá Khe Vàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác 9 tầng và Tóc Tiên, sau nhiều lần đặt vấn đề, chúng tôi đã được lãnh đạo xã Trọng Hóa tổ chức đoàn cùng trải nghiệm. Tham gia đoàn, ngoài các thành viên ở xã Trọng Hóa, Bộ đội Biên phòng, bảo vệ rừng, tất nhiên là không thể thiếu những “hoa tiêu” là người bản địa. Trong lần khám phá Khe Vàng này, chúng tôi may mắn được ông Hồ Biên, Trưởng bản Lòm và 3 thanh niên người Mày nhanh nhẹn, khỏe mạnh, am hiểu phong tục, tập quán, thân thuộc địa hình Khe Vàng dẫn đường.
 
Để khám phá Khe Vàng, chúng tôi bắt đầu từ bản Lòm, điểm cuối cùng mà phương tiện cơ giới có thể vào tới. Trước khi lên đường, theo phong tục của người Mày, ông Hồ Biên và những người dẫn đường đã làm lễ cúng xin thần núi, thần rừng cho phép mọi người được vào Khe Vàng, ghé thăm 2 ngọn thác 9 tầng và Tóc Tiên.
 
Khi con gà rừng phía núi mới bắt đầu gáy, dân bản vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ say nồng, chúng tôi bắt đầu rời khỏi bản Lòm. Trưởng bản Hồ Biên và những anh em người Mày dẫn chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ như sợi chỉ chạy ngược theo dòng suối Khe Vàng đang cuộn chảy. Con đường vẫn còn rất ít người qua lại, có nhiều đoạn chúng tôi phải lội suối và băng qua những ghè đá to, nhỏ, khúc khuỷu.
 
Càng lên cao, dòng suối Khe Vàng càng hẹp dần. Tuy nhiên, có một điều rất thú vị là càng ngược dòng, Khe Vàng càng trở nên hoang sơ, kỳ vĩ. Dòng suối Khe Vàng trong veo, mát lành len lỏi tràn qua các ghềnh đá cao thấp, tạo nên những thác nước trắng xóa, đẹp mê lòng.
 
Hai bên bờ suối là những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm, có nhiều cây cổ thụ cao hàng chục mét. Thi thoảng, trên đường đi, chúng tôi còn bắt gặp những cánh hoa rừng e ấp khoe sắc bên bờ suối. Cùng với đó là tiếng chim hót ríu ran hòa âm cùng với tiếng suối róc rách, tạo nên một bản nhạc đặc sắc của núi rừng mà khó có nhạc sỹ nào viết ra nổi…
Thác 9 tầng trên Khe Vàng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.
Thác 9 tầng trên Khe Vàng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến dưới chân thác 9 tầng. Trừ những người dân bản địa đã từng đến đây, đoàn chúng tôi ai cũng bất ngờ trước vẻ đẹp “tiên cảnh” mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
 
Từ độ cao gần 100m, dòng thác như dải lụa trắng xóa vắt qua sườn núi. Đứng ở dưới chân thác nhìn lên, thác nước có 9 tầng đá nhô ra, nên người Mày gọi là thác 9 tầng. Ngoài ra, theo quan niệm của người Mày, con số 9 là con số vĩnh cửu, mang đến cho họ nhiều điều may mắn…
 
Cách thác 9 tầng chừng 30 phút đi bộ, men theo một nhánh suối khác, chúng tôi đến thác Tóc Tiên. Ngọn thác này thấp hơn, nhưng rộng hơn so với thác 9 tầng. Chân thác có một hồ nước rộng, cây cối nguyên sinh vươn tán tạo bóng mát tận giữa hồ. Từ trên đỉnh thác, từng tia nước rơi xuống tạo thành một màn sương trắng xóa như thế giới của các thần tiên trong những câu chuyện cổ tích.
 
Đặc biệt, trên đường đến với thác 9 tầng và Tóc Tiên, chúng tôi còn băng qua một cánh rừng trúc rậm rạp, rộng khoảng 1ha. Những cây trúc cao khoảng 5-6m, to bằng cổ tay người lớn, phân bố đều tăm tắp. Khung cảnh gợi trí tưởng tượng đến những bối cảnh trong những bộ phim cổ trang…
 
Mong ước về một “điểm đến” hấp dẫn
 
Có mặt trong đoàn khám phá Khe Vàng cùng chúng tôi, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, hiện địa phương đang lập đề án kêu gọi các nhà đầu tư đưa Khe Vàng, đặc biệt là thác 9 tầng và Tóc Tiên vào khai thác du lịch.
 
Theo ông Bắc, điều bất lợi lớn nhất Khe Vàng ở xa TP. Đồng Hới, khoảng 160km. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, đây là khu vực đầy tiềm năng để tổ chức một tour du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc, riêng có.
Rừng trúc trên Khe Vàng.
Rừng trúc trên Khe Vàng.
Cạnh bên Khe Vàng là các bản Lòm và Dộ-Tà Vờng của người Mày, thuộc nhóm dân tộc Chứt. Đồng bào người Mày nơi đây còn giữ nguyên nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, chưa bị lai hóa với thế giới hiện đại.
 
Những lễ hội đặc sắc của người Mày như lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng cơm mới... vẫn được đồng bào duy trì. Cứ đến mùa lễ hội, trai gái trong bản lại mặc đẹp, chuẩn bị chu đáo rượu, thịt để già làng làm lễ tế trời đất và các vị thần mà họ tôn thờ.
 
Ngoài ra, đồng bào người Mày hiện vẫn còn sở hữu những món ăn độc đáo, riêng có như: Canh măng nấu cá suối, canh gà nấu củ sắn, cá mát nướng, cơm bồi, nếp rẫy…
 
Đặc biệt, trong chuyến khám phá Khe Vàng, chúng tôi đã có một trải nghiệm rất thú vị, khi cùng với những người Mày anh em xuyên đêm “săn” cá mát và ếch núi, 2 loài “đặc sản” nơi thượng nguồn sông Gianh.
 
Đây chắc chắn là một sản phẩm du lịch đặc sắc, khi du khách được trải nghiệm thả lưới bắt cá mát trên suối và soi ếch trên những ghềnh đá. Sản phẩm đánh bắt được sẽ được nướng và thưởng thức bên bếp lửa ngay bờ suối, giữa rừng khuya, thì còn điều gì thú vị hơn nữa…
 
“Do ở xa trung tâm và đường sá đi lại quá gian nan nên đến bây giờ, Khe Vàng, cũng như thác 9 tầng và Tóc Tiên, một cảnh đẹp thiên nhiên, kỳ thú của Quảng Bình vẫn còn rất ít người biết đến. Cùng với đó, do đời sống còn nhiều khó khăn nên đối với người Mày, khái niệm làm du lịch cũng vẫn còn rất xa lạ. Nhưng chúng tôi tin rằng, với những gì đang có và nếu nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của những nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp, chắc chắn trong tương lai không xa, Khe Vàng, cũng như vùng đất nơi biên cương của người Mày sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc, là nét chấm phá khó quên trong hành trình khám phá Quảng Bình của du khách…”, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa chia sẻ.
 
Phan Phương

tin liên quan

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.