Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mùi Tết của làng Lệ Sơn

  • 08:15 | Thứ Ba, 01/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày Tết bây giờ muốn mua gì cũng có. Nhưng mùi Tết ủ thương, ủ nhớ thì phải tự tạo bằng tình yêu…
 
1. “Bánh xoài cũng giống bánh bông lan. Mà lại còn cứng hơn. Có gì đặc biệt đâu mà đem biếu nhau vậy à?”. Mấy đứa nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội ngạc nhiên khi nghe tôi kể là người Quảng Bình thường biếu nhau bánh xoài vào dịp Tết… Nhắm mắt, “vẽ” lại hình ảnh khay bánh xoài vừa ra khỏi trã than của những ngày cận Tết quê xưa, bỗng dậy lên mùi hương rất đặc biệt. Đặc biệt đến mức khó diễn tả. Thì cứ gọi đó là “Mùi Tết” vậy.
 
O Trúc con ông chú của ba tôi lấy chồng quê tận Lệ Thủy. O kể, trong đó mỗi dịp gần Tết, cả làng xóm như một xưởng làm bánh. Đến cây mai cũng ám mùi bánh xoài. Làng Lệ Sơn (Văn Hóa, Tuyên Hóa) của tôi không mấy ai biết và có đủ nguyên liệu để làm bánh xoài nên mỗi lần nghe mùi thơm từ vườn nhà o Trúc lan ra tận ngõ nhà tôi là như tín hiệu báo Tết đang gõ cửa.
 
Tôi nhớ dáng o nho nhỏ, bụng bầu vượt mặt ngồi trước cái chậu nhôm to đùng. Trong đó có đủ đường, bột, trứng trộn sẵn theo công thức nào đấy. O ngồi đó, bình thản quấy, say mê quấy, quấy quên cả thời gian-cho đến khi các thớ bột vàng vàng, sánh sánh, thơm thơm thở phập phồng theo đôi đũa uốn lượn như múa. Bên ngoài hiên nhà, cả vườn cam giấy của mệ Ý (mẹ đẻ của o Trúc) chín đỏ au, chao nhẹ theo gió đông.
 
Người ta gọi bánh xoài không phải trong nguyên liệu có xoài mà là cái khuôn bánh có những lỗ thủng hình trái xoài. Đổ bột vào đấy, đặt khuôn lên trên than củi, đủ thời gian sẽ gắp ra được cái bánh hình trái xoài.
 
Thế đấy, cái bánh nướng hình trái xoài với mùi thơm ngòn ngọt, dìu dịu, âm ấm và hình ảnh o Trúc (giờ đã đi xa) đã góp phần làm nên bộ sưu tập “Mùi Tết” của tôi.
 
2. Giờ thì ở các tỉnh miền Trung, mứt gừng đủ kiểu đã bán khắp hang cùng ngõ hẻm, hết đủ mọi chợ quê lẫn phố. Nhưng cái thời xe đạp còn hiếm, đường cũng dè sẻn quanh năm dành Tết ấy thì việc tự làm mứt gừng cũng chỉ diễn ra ở những nhà nào có phụ nữ đảm, biết vén khéo. Gần Tết, nhà nào làm mứt gừng thì tức là điểm tụ họp của phụ nữ quanh xóm.
 
Khi những bụi gừng ở góc vườn được dỡ ra khỏi mặt đất, dậy lên mùi thơm nồng. Rồi những củ gừng được lột vỏ, thái mỏng, ngâm nước, luộc đi luộc lại… Không gian ấm sực mùi gừng. Cho đến khi gừng được trộn đường cho vào chảo, đặt lên than củi để sên thì mùi thơm ngọt quyến rũ báo Tết bắt đầu quấn quýt khắp bếp dưới, nhà trên. Có cái gì đấy níu giữ để chỉ muốn lót cái ổ ngủ vùi quanh bếp như con mèo, thỉnh thoảng hé mắt nhìn theo tay mẹ cầm đũa chậm rãi đảo những lát gừng dính đường đang se dần…
 
Rồi mẹ còn tự làm kẹo lạc. Mùi lạc rang thì chẳng có gì lạ, nhưng khi chảo mật mía trộn lạc dậy mùi thì bọn trẻ con bắt đầu hò nhau túm tụm trong bếp chờ ăn kẹo vụn. Mà không chỉ vì háo ngọt, không hiểu tại sao ngày ấy chúng mình lại hóng chờ giây phút mẹ cắt kẹo đến thế nhỉ? Vì hình như ở khoảnh khắc ấy, trong cái bếp bé bé, chật chật, ấm sực nhờ lửa và hơi mẹ ấy, nó có một cái gì đó khó gọi tên lắm ấy. Mãi đến sau này, chúng mình chỉ còn biết nói với nhau: Hình như đó là mùi Tết của mẹ…
 

3. Khi gió bấc bắt đầu tràn qua những tàu lá chuối, bụi tre để len lỏi chui vào từng cửa nhà thì đám cải gieo trên vách núi cũng đã bén đất. Rồi khoảng mồng 10 tháng 12 âm lịch, khi các họ ở làng lần lượt xúm nhau làm Chạp (họp họ và sửa sang mồ mả để chuẩn bị Tết) thì các đám cải cay nồng bé xíu đó cũng chớm già, đủ ngày tuổi muối dưa. Lá cải nhỏ, gầy guộc, hanh hao như gió bấc nhưng có lẽ nhờ sương núi, gió núi nên khi được ủ trong vại sành với muối hạt biển thì ngon lạ ngon lùng.

Chưa kể đến vị cay, chua vừa miệng, dai khô đủ để người sành ăn dưa đến mấy cũng vừa lòng thì mùi thơm của dưa cải núi đá thật khó diễn tả. Bây giờ mỗi lần về quê, dù đi ngoài đường, nếu nhà ai vừa giở vại dưa thì vẫn muốn tứa nước miếng vì mùi thơm mời gọi…
 
Và nồi dưa cải kho thập cẩm ủ bên bếp lửa suốt mấy ngày Tết là thứ hầu như nhà nào cũng có của làng Lệ Sơn trong những ngày Tết xưa. Đầu tiên, lát một ít thịt ba chỉ dưới đáy nồi, tiếp đến là dưa cải muối chua vắt hết nước, thêm chút quả ớt, củ hành, thìa nước mắm. Cứ thế vần (ủ bên bếp lửa) từ khi bắt đầu nấu cỗ cúng tất niên.
 
Sau mỗi bữa cúng, thịt heo, cá kho, dưa hành, giò chả… còn dư chút chút cứ thế đổ tiếp vào nồi dưa. Tro ấm, hơi lửa theo mỗi bữa nấu cúng làm dưa chín ngấu. Ba ngày Tết, ngon nhất là ăn cơm cháy dưới đáy nồi gang với dưa cải kho. Không biết có phải chỉ có ở làng Lệ Sơn quê tôi mới có món ăn dân dã này trong ngày Tết? Với tôi, đó là một phần của mùi Tết, mùi gây thương nhớ đến tận bây giờ.
 
4. 30 năm có lẻ rồi, tôi đã quen chuẩn bị Tết theo phong tục ngoài Bắc, cũng kỹ, cũng hay lắm-và đa số là đặc trưng Tết Việt. Nhưng, mùi Tết quê dẫu có những thứ không giống nơi nào vẫn nhớ, vẫn vương vấn bao năm, bao tháng bởi sự rất riêng ấy. Ví như mùi lá gai để nấu bánh gai, bánh nếp mật chiều 30 Tết của các dì bên ngoại; mùi dưa cải núi kho thịt ba chỉ, mùi cá tràu (cá lóc, cá quả) nướng than củi rồi kho lá nghệ trong bữa cơm chiều tất niên… Từng món ăn gắn với sở trường chế biến của từng người thân ở năm nảo năm nào mà sao bây giờ vẫn cứ hiện rõ mồn một với mùi, với vị khiến lòng ta nao nao khi năm hết Tết đến.
 
Hẳn sẽ có người nói: Tết thì phải thế này, thế nọ cho giống người ta. Bây giờ điều kiện khá lên rồi, thì cỗ Tết phải giống Tết…
 
Ơ kìa, mùi Tết riêng ấy là cả một trời quê, một trời nhớ thương, kỷ niệm-hà cớ chi không lưu giữ mà lại phải “lo” cái Tết kiểu giống người ta.
 
5. ”Cho tôi xin một vé về tuổi thơ” để được hít hà trọn vẹn mùi Tết xưa của làng. Ờ mà có gì khó đâu, chỉ cần cùng nhau tự làm lại mấy món Tết ấy thôi. Đừng nói: Ngày nay cái gì mua cũng dễ, chỉ cần lướt mạng là có người ship ngay. Tất nhiên, mứt gừng, bánh xoài, cả dưa cải núi nữa-muốn là có.
 
Nhưng mùi Tết ủ thương, ủ nhớ thì phải tự tạo bằng tình yêu.
 
Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) là một doi đất dài từ hầm của ga Lệ Sơn đến ga Minh Lệ. Một bên giáp dãy Trường Sơn, một bên giáp sông Gianh. Khi chưa có cầu Văn Hóa, giao thông bất tiện, làng gần như cách biệt với thế giới bên ngoài nên qua nhiều năm vẫn giữ được những nét sinh hoạt truyền thống rất đặc trưng, nhất là phong tục Tết.

Lương Thị Bích Ngọc
 
 
 
 

tin liên quan

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.  

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).