Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện "vua Non" ở tổng Kim Linh

  • 11:17 | Thứ Năm, 03/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo các cụ cao niên ở huyện Minh Hóa kể lại, cuối thế kỷ 19, ở làng Cổ Liêm, xã Tân Hóa (Minh Hóa) có người thanh niên tên là Cao Non có sức khỏe, võ thuật, khí chất hơn người nên được dân làng chọn là người đứng đầu đội quân đánh giặc Pháp. Sau khi lập được nhiều chiến công, ông về nhà thăm mẹ thì bị giặc Pháp mai phục. Trong cuộc chiến không cân sức đó, ông đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh. Để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, người dân ở tổng Kim Linh đã suy tôn ông là vua và thường gọi là “vua Non”.
 
Thủ lĩnh của đội quân đánh giặc Pháp
 
Cuối thế kỷ thứ 19, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương, thực dân Pháp đưa quân lên đóng đồn ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) nhằm đàn áp phong trào Cần Vương. Sau khi dựng đồn bằng lán dưới các chân núi đá vôi, quân Pháp tăng cường cướp bóc khiến người dân trong vùng vô cùng căm phẫn.
 
Lúc đó, phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi cũng đã bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn huyện Minh Hóa. Tại làng Cổ Liêm (xã Tân Hóa) có một thanh niên cường tráng, giỏi võ, khí chất hơn người tên là Cao Non. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Cao Non đã tập hợp một đội quân hàng chục trai tráng khỏe mạnh, giàu lòng yêu nước trong vùng để đánh Pháp. Ban ngày, họ ẩn náu trong những hang động luyện tập võ thuật.
 
Đêm đến, Cao Non cùng với đội quân xuất hiện trên những ngọn lèn cao dùng nỏ bắn tên độc và phóng lao tẩm nhựa cây cà boong vào lán trại của lính Pháp. Lán trại bị đốt cháy, binh lính Pháp chết và bị thương khá nhiều nên rất hoang mang. Nhiều lần bị quân Pháp truy kích, đội quân của Cao Non nhanh chóng ẩn náu và biến mất một cách bí ẩn mà giặc không tài nào hiểu nổi. Có lần, chúng đuổi quân của Cao Non đến tận hang Ton thì mất dấu vết… 
Dãy núi đá vôi ở xã Tân Hóa có nhiều hang động, từng là nơi trú ẩn của đội quân ông Cao Non. Ảnh: Oxalis.
Dãy núi đá vôi ở xã Tân Hóa có nhiều hang động, từng là nơi trú ẩn của đội quân ông Cao Non. Ảnh: Oxalis.
Một hôm, mẹ Cao Non lâm bệnh nặng nên ông bí mật về thăm. Khi gần tới nhà, chưa gặp được mẹ thì ông đã bị quân Pháp bao vây. Một mình ông dùng kiếm chiến đấu lại cả chục tên lính và cuối cùng đã hy sinh. Để trả thù cho người thủ lĩnh, hàng đêm, quân của ông Cao Non vẫn tiếp tục xuất hiện trên những lèn cao bắn tên và phóng lao về phía lán trại của giặc Pháp, không cho chúng xây dựng đồn kiên cố tại đây. Hoảng sợ trước sức tấn công của quân ta, giặc Pháp buộc phải rút khỏi Tân Hóa lên đóng đồn tại vùng Quy Hóa, nay là thị trấn Quy Đạt.
 
Đến mãi sau này, người dân đi rừng và người dân bản địa mới dần phát hiện nơi ẩn náu của ông Cao Non và nghĩa quân Cần Vương. Ông Đinh Vũ Thường, người đã từng có nhiều bài viết về hệ thống hang động Tú Làn và “vua Non” nhận định: “Hang Ton và hang Tố Mộ nằm gần, lại thông với nhau nhưng rất khó phát hiện dù có 2 con đường vào. Một đường là phải bơi nước sông Rào Nan qua và một đường từ hang Ton xuống. Riêng con đường từ hang Ton xuống có nhiều cây cối che chắn, cửa hang lại nhỏ nên rất khó phát hiện. Đường xuống hang cao khoảng 15m, dựng đứng nên muốn xuống chỉ có cách đu dây hoặc dùng thang. Vậy nên, khi giặc Pháp truy đuổi, có thể đội quân của ông Cao Non đã đu dây để trở về bản doanh nên quân Pháp không thể biết được”.
 
Năm 2009, huyện Minh Hóa đã tổ chức chuyến khám phá hang Ton và hang Tố Mộ. Qua tìm hiểu, những thành viên trong đoàn khám phá nhận thấy nơi đây đã có dấu hiệu của con người từng sinh sống, mà theo nhận định có thể dấu vết nơi đóng quân của đội quân ông Cao Non để lại. Bởi địa thế của hang này thì người dân không bao giờ vào đó để sinh sống. Dưới bãi cát trong hang có rất nhiều than củi, gốm sứ và một số vật dụng khác của con người đã lâu ngày chưa có ai tác động đến. Năm 2012, tại hang Ton cũng đã phát hiện hai bộ xương người và nhiều người nhận định đây có thể là hài cốt của đội quân ông Cao Non.
Hang Ton có thể là nơi đội quân ông Cao Non chọn làm bản doanh. Ảnh: Oxalis.
Hang Ton có thể là nơi đội quân ông Cao Non chọn làm bản doanh. Ảnh: Oxalis.

“Ông vua" của lòng dân

Cụ Cao Xuân Diệu (86 tuổi) ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa chia sẻ: “Tôi được nghe ông bà kể lại người dân Cổ Liêm, tổng Kim Linh nói chung vô cùng tiếc thương trước sự hy sinh anh dũng của ông Cao Non. Để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, người dân đã tự suy tôn ông là vua và thường gọi là “vua Non”. Từ đó, người dân ở đây không dùng từ “non” trong giao tiếp hàng ngày vì gọi như thế là phạm húy. Để thay từ “non”, các chức sắc trong vùng đã thống nhất dùng từ chợt. Đến bây giờ, người dân tổng Kim Linh vẫn giữ nguyên cách gọi này”.
 
Ông Trương Đình Huê (78 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Hóa (Minh Hóa) cho biết: “Câu chuyện về ông Cao Non dẫn đầu đội quân đánh Pháp luôn được người dân trong vùng truyền tai nhau. Đặc biệt, trong các dịp Tết, lễ hội, ở tổng Kim Linh, bà con đều đặt bàn thờ ông Cao Non ở một vị trí rất trang trọng để thờ tại đình Kim Bảng và đình Cổ Liêm. Riêng những người dân trong vùng đi rừng hoặc làm mùa màng nơi chốn rừng sâu đều lập bàn thờ ông Cao Non để cầu cho mình sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…”
 
Tục thờ “vua Non” tại các rẫy, khu vực làm mùa của bà con ở rừng sâu bây giờ vẫn được duy trì. Vị trí đặt bàn thờ thường tại gốc cây to, được rào xung quanh, có cổng ra vào. Anh Trương Văn Dương, một người dân ở xã Minh Hóa cho biết: “Vua Non” có vị trí rất quan trọng trong tâm linh của người dân đi rừng hoặc làm mùa trong rừng. Vì vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới, xuống giống, thu hoạch mùa màng, bà con ở đây đều làm lễ vật dâng lên ông. Lễ cúng “vua Non” cũng hết sức đơn giản, chỉ cần 6 bát cơm với 6 con cá khe cũng được, không dùng trà, thuốc, rượu, trầu cau...” 
 
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết: “Trước năm 1945, huyện Minh Hóa được chia làm hai tổng là Kim Linh và Cơ Sa. Tổng Kim Linh ngày đó gồm các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn. Còn tổng Cơ Sa có thị trấn Quy Đạt, xã Yên Hóa, Hồng Hóa, Hóa Phúc, Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Thanh. Còn xã Dân Hóa, Trọng Hóa mới thành lập sau này”.

Xuân Vương

 
 
 
 

tin liên quan

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.  

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).