Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

  • 09:12 | Chủ Nhật, 30/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.
 
Ở những thời khắc linh thiêng ấy, giữa khói nhang nồng thơm bảng lảng, ngước nhìn bàn thờ tổ tiên, thấy màu xanh của dưa hấu tượng trưng cho hy vọng sinh sôi, ôm giữ trong lòng màu đỏ thắm ngọt ngào tượng trưng cho tài lộc, may mắn, cùng hòa trộn với màu sắc và ý nghĩa tâm linh của nhiều hoa quả, phẩm vật khác, không gian thiêng nơi thờ tự nhẹ nhàng dẫn dắt tâm trí ta vào chốn an nhiên khi vọng bái tri ân tưởng nhớ tổ tiên.
Quày bán dưa hấu ngày giáp Tết.
Quày bán dưa hấu ngày giáp Tết.
Thực ra, cả dải đất miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình, chỉ vài mươi năm lại đây thôi mới có cơ may được chưng cúng quả dưa hấu lên bàn thờ tổ tiên vào đúng dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, đó là nhờ tiến bộ kỹ thuật trồng trọt và lưu thông hàng hóa thuận lợi, khiến dưa hấu cho quả gần như quanh năm. Còn trong nền canh tác dựa vào tự nhiên trước đó, dưa hấu là thứ quả của chỉ mùa hạ mà cha ông ta đã ghi nhớ nằm lòng bằng ngạn ngữ dân gian: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, như một thứ “lịch” gieo trồng.
 
Thế nhưng, ở vào thời xa xưa ấy, dù có mùa vụ ngắn ngủi, điều kiện canh tác, lưu thông, quảng bá sản phẩm rất nhiều gian khó, không hiểu bằng cách nào các thế hệ nông dân Quảng Bình vẫn tạo nên sản phẩm dưa hấu nức tiếng gần xa trong cả nước về chất lượng lẫn sản lượng để triều đình nhà Nguyễn nghe danh mà tuyển chọn làm phẩm vật tiến vua: “Dưa hấu, trồng ở phường Hữu Cung, huyện Phong Lộc, rất ngon, có lệ tiến vua” (Đại Nam nhất thống chí). Phường Hữu Cung, huyện Phong Lộc mà sử sách nhắc đến với tư cách là “thủ phủ” của dưa hấu tiến vua thời ấy, ngày nay là làng Hữu Cung thuộc xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới.
 
Theo nhà Việt Nam học Cadière viết trong sách Địa danh lịch sử Quảng Bình, làng Hữu Cung xưa được hình thành từ một đơn vị quân đội triều đình có phiên hiệu cùng tên giải ngũ lập làng, ngay trên phần đất mà đơn vị này đồn trú ở vùng Phú Xá, sớm là từ thời vua Gia Long. Một làng quê được hình thành bởi dân số chủ yếu là những cựu binh nông dân trẻ, khỏe đến từ nhiều vùng miền ở Đàng Trong, tọa lạc nơi địa hình cao ráo giàu đất màu pha cát, tràn ngập nắng gió, lại cận kề cư dân nông nghiệp bản địa Phú Xá, hẳn đó là những điều kiện cần để làng Hữu Cung sau này trở thành phường trồng dưa hấu nức tiếng khắp Quảng Bình.
 
Dưa hấu là loài cây của vùng sinh thái nhiệt đới, đương nhiên không chỉ các địa phương gần kề, cùng trực lệ kinh đô với tỉnh Quảng Bình như Quảng Nam, Quảng Ngãi (tả trực), Quảng Trị, Quảng Bình (hữu trực), Thừa Thiên-Huế (kinh kỳ), mà còn nhiều địa phương khác trong nước ta ở thời điểm đó đều trồng được, thậm chí trồng nhiều. Tích xưa về Thánh nữ Thiên Y A Na giáng linh xuống núi Đại An (Khánh Hòa), lúc còn bé thơ, ban đêm thường ra ruộng dưa hái trộm quả dưa để đùa nghịch dưới trăng, được Phan Thanh Giản chép vào tập Bi ký tạp biên, là một manh mối về sự trồng trọt phổ biến cây dưa hấu ở miền Trung nước ta từ thời xa lắc.
 
Thế nhưng, xem trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, loại sách ghi chép chân thực các điển pháp, quy chuẩn, các dữ kiện, sử liệu… liên quan đến tổ chức và hoạt động của triều đình, ta thấy sau mục “các lệ chung về tiến phẩm vật” là phần ghi chi tiết, cụ thể các phẩm vật cung tiến của từng địa phương, trong đó, quả dưa hấu là do tỉnh Quảng Bình đảm nhiệm cung tiến ổn định, dài lâu, trải từ thời đức vua đầu triều đến nhiều đức vua kế vị: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…
Dưa hấu từ Quảng Bình cung tiến, trước hết được dùng vào việc thờ cúng và sau đó phục vụ các yến tiệc trong triều, hoặc làm món chay cúng Phật. Số lượng dưa hấu Quảng Bình cung tiến hàng năm tuy có dao động qua các triều đại, nhưng sự hơn, kém là không đáng kể: Tiết Thánh Thọ (sinh nhật Hoàng Thái hậu-150 quả), Tiết Vạn thọ (sinh nhật nhà vua-100 quả), Tiết Đoan dương (Tết Đoan Ngọ-50 quả)…
 
Ngoài số lượng dưa hấu được cung tiến theo quy định, mỗi mùa, triều đình còn mua thêm một lượng dưa hấu khác của tỉnh Quảng Bình, giá cả sòng phẳng “mỗi chục quả giá 6 tiền”, nhằm phục vụ nhu cầu trong triều và tình tiết này cũng được sách Hội điển chép lại ở mục “Nhà nước thu mua”.
Một góc làng Hữu Cung, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới ngày nay.
Một góc làng Hữu Cung, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới ngày nay.
 
Cũng cần biết thêm rằng, lễ hội cung đình triều Nguyễn có rất nhiều, diễn ra gần như quanh năm, được chia thành hai loại: Các lễ tiết và các lễ tế tự. Các tiết, tự có dùng quả dưa hấu làm phẩm vật dâng cúng được nhắc đến trên, hầu hết thuộc hàng những đại tiết, đại tự theo điển chế của triều đình, nên đến kỳ, ngoài các yêu cầu tỉ mỉ, nghiêm ngặt về công tác chuẩn bị và nghi thức dành cho đại lễ, cờ vàng được thượng lên kỳ đài, đồng thời đức vua thân đến ngự những nơi tổ chức để làm lễ, tế. Và cũng thật trùng phùng, những tiết, tự này phần nhiều diễn ra vào mùa hè, phù hợp với mùa vụ của quả dưa hấu, do vậy, dưa hấu được triều đình lựa chọn làm một trong những phẩm vật dâng cúng tổ tiên, thần phật.
 
Ngoài ra, sự lựa chọn này còn khơi nguồn tự sự nối truyền tâm thức ở mọi giai tầng người Việt bởi ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa tâm linh trong truyền thuyết Quả dưa hấu có từ xa xưa, kể về thời các vua Hùng, được lưu truyền khắp nhân thế và cả ở cung đình. Chính sự phục thiện, sự tự lực cánh sinh vượt khó của Mai An Tiêm đã tạo ra sản phẩm quả dưa hấu ăn thấy thơm ngọt, tinh thần sảng khoái, người ở thôn xóm xa gần đều mua để lấy giống gieo ở khắp tứ phương, khiến Tổ Hùng Vương động lòng trắc ẩn tha thứ cho lỗi lầm của Mai An Tiêm và tôn vinh vùng đất mà ở đó chàng đã nhân ra sản phẩm quả dưa hấu vừa dân dã vừa thanh khiết.
 
Có lẽ, vì thế mà người đời sau, những nho thần thời Trần, Lê: Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, khi biên tu những truyền thuyết dân gian, những khát vọng nhân thế nhuốm màu ảo diệu nhưng cũng đầy nhân bản này vào sách Lĩnh Nam chích quái đã thốt lên rằng: “Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng”. Và trên thực tế, phần thực của truyền thuyết là “thân phận” và giá trị quả dưa hấu đã được sử sách triều Nguyễn ghi chép lại một cách rõ ràng, với tư cách là phẩm vật dùng dâng cúng tiền nhân và thần linh vào mùa tiết, tự trong cung đình, đều đặn, không đơn sai, như một sự kế thừa.
 
Với những sử liệu đáng tin cậy này, cho phép ta đoán định rằng, sản phẩm dưa hấu trồng ở Quảng Bình thời kỳ đó hẳn phải có chất lượng tốt và sản lượng ổn định, có mẫu mã đẹp mới giành quyền cung tiến, cung ứng cho các nhu cầu tiêu dùng, như cách nói thời nay là “cao cấp và khó tính” ở triều đình, dài lâu đến như vậy. Sự cung tiến dưa hấu Quảng Bình vào triều được sử sách ghi thành lệ sớm nhất mà ta biết được là vào thời vua Gia Long (1802-1820), nhưng trước đó hàng trăm năm, chất lượng và sự phổ biến của dưa hấu Quảng Bình đã được sách Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An khẳng định là có truyền thống danh bất hư truyền: “Dưa thì mát ngọt, dùng để đãi khách phong lưu”.
 
Ngày nay, dưa hấu đã trở thành món ngon phổ biến mọi nhà, được người tiêu dùng nhiều nơi ưa thích. Với truyền thống và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, rất nhiều vùng quê ở tỉnh Quảng Bình đang phát triển trồng dưa hấu với quy mô lớn.
 
Những ngày xuân ấm áp không khí gia đình này, trước không gian thiêng nơi bàn thờ gia tiên tưởng nhớ tiền nhân, ngắm nhìn mâm ngũ quả lại chợt ngẫm chuyện quả dưa hấu Quảng Bình xưa một thời vang bóng: Phẩm vật tiến vua, âu cũng là đang trôi trong mạch cảm xúc uống nước nhớ nguồn đó thôi. Mà đâu chỉ riêng quả dưa hấu, Quảng Bình thời xa xưa ấy còn có rất nhiều những sản phẩm trứ danh nữa, được các triều đình Lê, Nguyễn tin dùng làm tiến phẩm: Mắm Hàm Hương, sâm Bố Chính, cửu khổng, rượu dâu, bột hoàng tinh, tương đậu, nhưng đó lại là những câu chuyện khác, ở vào những dịp khác…
Trần Hùng

 

tin liên quan