Kỷ niệm lần thứ 63 Quốc khánh nước Cộng hòa Cuba (1-1-1959 - 1-1-2022):
Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba
(QBĐT) - Như chúng ta đã biết quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba là một mối thân tình đặc biệt. Thời gian trôi qua với những thăng trầm của lịch sử thế giới, mối tình thâm giao vẫn đậm đà, thủy chung và trong sáng. Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.
Tháng 9-1973, khi đi thăm vùng mới giải phóng ở tỉnh Quảng Trị và vùng tuyến lửa Quảng Bình, Chủ tịch Phidel Castro tận mắt thấy một vùng đất hoang tàn, bị bom đạn cày xới, nhân dân còn rất khó khăn. Ông quyết định giúp nhân dân vùng này một bệnh viện. Theo như lời các chuyên gia xây dựng Cuba, bệnh viện này sẽ là bệnh viện đẹp và hiện đại nhất Đông Nam Á, sau 30 năm vẫn chưa bị lạc hậu.
Bệnh viện HNVN-CBĐH nằm trên đồi Thuận Lý, thuộc xã Lý Ninh, TX. Đồng Hới (nay là phường Nam Lý, TP. Đồng Hới). Nơi này cách trung tâm thị xã 4km, cách cửa biển Nhật Lệ gần 5km, sát cạnh ga đường sắt Thuận Lý, cách Quốc lộ 1 xuyên Việt đúng 1.000m. Xa xa về phía Tây cách đỉnh U Bò của dãy Trường sơn chừng 15km theo cánh chim bay.
Bệnh viện HNVN-CBĐH được xây dựng trên diện tích 7,8ha, gần trọn mặt bằng của ngọn đồi. Người kiến trúc sư chọn địa điểm này đã tìm hiểu rất kỹ về địa lý, khí hậu, thời tiết, các yếu tố về gió, mưa, ánh sáng ở nơi này. Sau này, nếu ta đứng ở một vị trí bất kỳ trong khu điều trị cũng sẽ thấy: Ánh sáng mặt trời nhiều nhất, gió mát nhiều nhất, mưa tạt và gió lùa ít nhất. Cổng chính bệnh viện hướng Đông-Đông Bắc, cổng phụ hướng Nam-Tây Nam là hướng phù hợp nhất về phong thủy.
Về nhân lực, bạn gửi sang những kỹ sư, kiến trúc sư giỏi có nhiều kinh nghiệm phối hợp cùng với hai đội xây dựng tình nguyện Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Viết Xuân.
Bệnh viện được xây dựng theo phương pháp lắp ghép, chủ đạo là khung chịu lực, bê tông đúc sẵn là những mảng khum hình lòng thuyền dài chừng 6m, độ sâu lòng khoảng 40cm. Những mảng bê tông này sẽ ghép thành trần nhà bề lõm xuống phía dưới. Trong lòng panen này chứa nhiều hạng mục: Nước sạch (có hai dòng nóng và lạnh), nước thải, hơi nóng, hơi lạnh, điện, điện thoại, truyền thanh. Người ta bịt lòng thuyền này bằng một tấm trần nhà với chất liệu đặc biệt. Bóng điện sáng, loa và một vài chi tiết khác đều ẩn chìm, nhìn lên trần nhà phẳng lì.
Toàn công trình xây dựng chỉ lấy tại chỗ: Nước, cát và đá. Gạch xây tường cũng chở từ đâu tới. Xi măng, sắt thép, đá lát nền, lát tường đều nhập ngoại. Toàn bộ thiết bị điện, điện lạnh, điện tử từ Nhật Bản. Hồi đó, Cuba còn bị bao vây cấm vận gắt gao, việc có được hàng từ các nước tư bản là rất khó, chắc bạn phải đi đường vòng với giá không hề rẻ. Thế mới biết, tình cảm của người Cuba đối với người Việt Nam quý giá biết nhường nào.
Toàn bộ diện tích xây dựng bệnh viện khoảng hơn 20.000m2 chia làm nhiều khu với nhiều tính năng khác nhau. Khu điều trị gồm hai tòa nhà cao 5 tầng, chia làm 4 đơn nguyên, trùng với hướng chính của bệnh viện. Khu kỹ thuật chuyên môn là khối nhà 3 tầng dùng làm phòng mổ, phòng sinh, khoa xét nhiệm, khoa XQ, giải phẫu bệnh lý. Khu khám bệnh đa khoa 2 tầng nằm sát cổng chính. Khu kỹ thuật hỗ trợ nằm phía sau sát cổng phụ.
Các khoa cận lâm sàng có nhiều loại máy móc hiện đại bậc nhất Việt Nam thời điểm đó. Khoa xét nghiệm có ngân hàng máu, có máy ly tâm 12.000 vòng/phút trong điều kiện âm 30 độ C. Khoa sơ sinh bệnh lý có lều thở oxy, có lồng ấp thông minh…
Nhiều chuyên gia, cán bộ đầu ngành từ các bệnh viện lớn đến làm việc đã từng thốt lên: Hiện đại quá! Ở Việt Nam không đâu có những thứ này.
Khoa dinh dưỡng có nhiều máy, thiết bị phục vụ cho người bệnh bữa ăn bình thường và bệnh lý: Ngân hàng sữa, máy pha cà phê, máy làm bánh, máy cưa thực phẩm, máy rửa bát, máy vặt lông, kho lạnh. Khoa giải phẫu bệnh lý, phòng mổ, phòng sinh cũng được trang bị hiện đại tân tiến.
Bệnh viện có trung tâm truyền thanh với giàn máy hiện đại cùng hàng trăm chiếc loa chìm khắp đó đây. Có hệ thống điện thoại nội bộ với 397 chiếc máy để bàn. Chừng 30 năm sau, những chiếc máy để bàn này mới xuất hiện nơi công sở. Bệnh viện có một hội trường lớn 300 chỗ ngồi, có điều hòa bằng hệ thống khí lạnh; một thư viện khoảng 100 ghế đọc.
Bệnh viện có 16 đơn nguyên thu dung điều trị với 300 giường thực kê. Giường bệnh bằng inox có trải nệm, ga trắng toát thay giặt hàng ngày. Trên đầu giường có hộp gỗ chạy dài suốt tường, chứa trong đó là đường dẫn o xy, mỗi một người bệnh có một vòi thở kèm đồng hồ điều khiển, đi cùng có ống hút khí áp lực âm. Mỗi giường lại có một micro dây nhỏ khi cần gọi y tá chỉ cần bấm nút.
Người bệnh vào đây được phục vụ toàn diện, tất cả đều miễn phí. Mười năm tiếp theo, những con tàu vẫn đều đặn cập cảng Hải Phòng chở nặng “thượng vàng hạ cám”. Nhẹ như cuộn giấy vệ sinh, nhỏ như hạt xà phòng cát, quý như plasma khô (huyết tương người đông khô). Phía bạn vẫn bảo đảm cho bệnh viện đầy đủ y như bệnh viện đang đứng chân ở thủ đô La Habana vậy!
Kể từ ngày người thợ bổ nhát cuốc đầu tiên trên đồi đất Thuận Lý đến phút giây người kỹ sư trưởng đóng cầu dao điện để hoàn tất công trình là 7 năm 4 tháng (năm 1981). Trên dải đất miền Trung gió Lào cát trắng, biết bao mồ hôi bạn và ta rơi xuống nơi này. Thời gian cứ trôi, công trình cứ vươn lên sáng đẹp và hoành tráng. Sau giây phút đóng điện, nơi đây trở thành một vùng sáng lung linh của hàng nghìn bóng đèn nê-ông và cao áp. Đồi Thuận Lý, Bệnh viện HNVN-CBĐH trở thành “tọa độ sáng”.
49 năm trôi qua, khoa học kỹ thuật tiến nhanh, con người tiến bộ, những gì hiếm quý ngày xưa nay trở thành phổ dụng, những hiện đại cao sang trở thành bình thường. Nhưng, những gì nhân dân Cuba hiến tặng nhân dân Việt Nam mãi mãi vẫn còn đó. Người dân Quảng Bình ghi ơn bạn đến muôn cùng!
Bệnh viện HNVN-CB ĐH hiện có 44 khoa, phòng, đơn vị, gồm: 9 phòng chức năng, 27 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng và 1 đơn vị khám bệnh và điều trị tự nguyện, với 940 giường bệnh; tổng số cán bộ, viên chức, người lao động là 840 người; tổng số bệnh nhân điều trị mỗi năm khoảng 50.000 lượt. Đặc biệt, có 3 chuyên gia Cuba đang tham gia công tác khám chữa bệnh cho người dân, trong đó, 1 chuyên gia nhi khoa, 2 chuyên gia ung bướu.
|
BS Trịnh Xuân Bái
(Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình)