Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Giữ lửa" nghề truyền thống

  • 08:18 | Thứ Sáu, 31/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 
Người giữ nghề hương trầm Quyết Thắng
 
Trong thời tiết se lạnh vào những ngày cuối năm, chúng tôi đến thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) để tìm hiểu về nghề hương trầm của người dân nơi đây. Theo các bậc cao niên, nghề làm hương ở làng đã tồn tại hơn 300 năm nay, đến cuối năm 2015, làng được UBND tỉnh công nhận là "làng nghề sản xuất hương trầm". Trải qua thời gian dài nhiều biến động, lúc thịnh, lúc suy nhưng người dân trong làng vẫn quyết giữ được nghề cho đến này hôm nay.
 
Đã hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương, ông Phan Tu ở thôn Quyết Thắng được biết đến là người có tâm huyết trong việc gìn giữ, phát triển nghề làm hương trầm.
 
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm hương trầm truyền thống của ông cha để lại.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Phan Tu (Thanh Trạch, Bố Trạch) vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm hương trầm truyền thống 
 
Hiện nay, mặc dù bước qua tuổi 71 nhưng ông vẫn vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm hương trầm truyền thống của ông cha để lại. Không chỉ truyền nghề cho con cháu mà ông còn truyền dạy cho những người trẻ trong làng các công đoạn sản xuất hương trầm sao cho có hương thơm dịu nhẹ, cháy đượm lâu tàn, làm nổi bật được mùi hương đặc trưng của hương trầm Quyết Thắng.
 
Ông Tu cho biết, ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ dạy cách làm hương nên mỗi công đoạn, thao tác như ăn sâu vào máu thịt. Để làm ra một bó hương phải trải qua nhiều công đoạn, như: Chẻ và phơi tre; chuẩn bị lá hương reng và rễ cây trầm rẽ quạt, phơi khô rồi tán thành bột; trộn bột nhang; nhồi, nhúng, lắc hương; phơi khô và đóng gói…
 
Tuy nhiên, một trong những công đoạn sản xuất mang lại nét khác biệt đặc trưng cho hương trầm Quyết Thắng là cây hương sẽ được quấn, nhúng bằng hai lớp hương reng ở trong, bao ở ngoài là bột của rễ cây trầm rẽ quạt.
 
Chính điều này làm cho hương cháy đều, chậm và tỏa hương thơm dịu nên được nhiều khách hàng ưu tiên dùng. Với gia đình ông, nghề làm hương tuy là nghề phụ nhưng các thế hệ trong nhà vẫn duy trì nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thốngvà cố gắng để nghề không bị mai một.
 
Tuy nhiên, điều mà ông Phan Tu và những người làm nghề hương trầm vẫn còn trăn trở chính là các sản phẩm của làng nghề chưa có nhãn mác, thương hiệu, khi xuất bán mới chỉ bọc trong bao nilon, giấy báo thủ công nên chưa thu hút người mua, đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh.
 
Để giữ nghề truyền thống và tăng thêm nguồn thu nhập từ nghề làm hương, người dân thôn Quyết Thắng vẫn rất mong cấp ủy, chính quyền xã Thanh Trạch quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu, các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho các hộ vay vốn mở rộng quy mô, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như việc xây dựng thương hiệu để sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường lớn.
 
Người trẻ "giữ lửa" nghề nón
 
Là một vùng thuần nông, nghề làm nón lá truyền thống của làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
 
Trải qua những thăng trầm của nghề, nhiều người thợ làm nón ngày nay luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm nón lá. Trong số đó không thể không nhắc đến chị Cao Thị Cảnh, người nỗ lực đưa nón lá Thổ Ngọa có mặt nhiều nơi trong nước cũng như nước ngoài.
 
Được biết, nghề làm nón của làng trước kia hưng thịnh, phát triển nhưng ngày nay, nhiều loại mũ, nón sản xuất công nghiệp số lượng lớn, kiểu dáng đa dạng bắt mắt đã thu hút được giới trẻ; mặt khác làm nón lá là nghề thủ công, cần nhiều công đoạn cầu kỳ, tốn nhiều công sức lao động, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn nhưng thu nhập lại không cao nên không thu hút được giới trẻ kế nghiệp với nghề. Những năm gần đây, các hộ gia đình làm nghề ngày càng ít lại, số lượng nón được làm ra cũng giảm nhiều so với trước.
 
Với mong muốn giữ lửa nghề truyền thống, chị Cao Thị Cảnh đã không ngừng học hỏi tìm tòi và đã sáng tạo ra nhiều mẫu nón lá độc đáo, như: Nón thêu hoa, thêu chữ, nón dán tranh ảnh… Hiện các sản phẩm nón của làng Thổ Ngọa không chỉ có mặt tại các điểm du lịch trong tỉnh, như: Phong Nha-Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ... mà còn xuất bán trên toàn quốc và xuất khẩu sang các nước bạn Lào, Thái Lan…
 
Đặc biệt, với sự thông minh, khéo léo, sáng tạo của mình, chị đã truyền đạt cách thêu tranh trên nón lá dừa cho chị em trong làng nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm nón đa dạng, phong phú hơn. Cùng với đó, hàng năm, chị còn tham gia giảng dạy nghề làm nón lá ở các địa phương trên toàn tỉnh.
 
Chị Cảnh cho biết: "Nghề làm nón đã ăn sâu trong con người tôi từ khi còn nhỏ. Tôi luôn trăn trở với nghề và tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng từng ngày, làm ra những mẫu nón mới, hợp với thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Chiếc nón lá đẹp không chỉ ở những hoa văn trên nón mà phải đạt các yếu tố như lá trắng, vòng đẹp, các mũi khâu đều tay, lỗ kim nhỏ không để lọt nắng".
 
Trải qua những thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón lá đang gặp nhiều khó khăn so với trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng những người như chị Cao Thị Cảnh vẫn cần mẫn và âm thầm lưu giữ hồn quê Việt qua những chiếc nón lá.
 
Chính những con người bình dị như chị Cảnh đã và đang góp sức gìn giữ nghề truyền thống mang đậm bản sắc của người Việt Nam qua từng chiếc nón lá.
 
 
Thời gian qua, ngành nghề truyền thống đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, hơn ai hết vai trò của những người “giữ lửa” làng nghề hết sức quan trọng.
 
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa tinh hoa làng nghề, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực từ chính những cá nhân tâm huyết thì các ngành, các cấp và địa phương cần chung tay vào cuộc trong việc tư vấn, giúp đỡ nông dân xây dựng thương hiệu, tuyên tuyền quảng bá sản phẩm.
 
Cùng với đó là quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, có cơ chế khuyến khích thỏa đáng những người giữ nghề... Có như thế, làng nghề mới ngày càng đứng vững và khẳng định được thương hiệu.
 

Thanh Hoa
 
 
 

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

An Sinh - chốn phúc thủy

(QBĐT) - Vực An Sinh hay có tên gọi khác là Trôốc Vực, được nhắc đến như một địa danh linh thiêng nằm ở thượng nguồn dòng Kiến Giang. Sự bình yên, mênh mang vùng sông nước nơi đây gắn liền với những huyền sử mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của Lệ Thủy.