Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023)

Ân tình với quê hương

  • 12:55 | Thứ Bảy, 25/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương ruột thịt giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Tuy đã đi xa quê hương để học tập và làm việc, nay nhận trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhưng dù làm gì, ở đâu, trong lòng tôi vẫn tâm niệm theo dõi từng bước thăng trầm của quê nhà...”-một đoạn trích trong phần lời tựa cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung của người con xa quê Nguyễn Văn Đồng. Dù kinh qua chức vụ gì, ở đâu, với vị Tư lệnh đường Trường Sơn huyền thoại, quê hương luôn là nơi đau đáu để hướng về.
 
Vùng quê nuôi những anh hùng
 
Quảng Trung là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Đây là một trong những cái nôi cách mạng của vùng Nam Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn) và là nơi sản sinh, dưỡng dục vị tướng kiệt xuất của Quân đội nhân dân, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng gắn liền với những kỳ tích của đường Trường Sơn huyền thoại.
 
Ngược dòng lịch sử, giai đoạn 1935-1936, Nguyễn Hữu Vũ (sau này đổi tên Đồng Sỹ Nguyên) bắt đầu hoạt động cách mạng dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Tế, một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, Chi bộ Trung Thôn hay còn gọi là Chi bộ Bình (tiền thân của Đảng bộ xã Quảng Trung ngày nay) được thành lập. Đến năm 1939, Nguyễn Hữu Vũ được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1940, Nguyễn Hữu Vũ (bí danh Nguyễn Văn Đồng) được giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ Bình.
 
Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Đồng, phong trào cách mạng ở khu vực Quảng Trung ngày nay phát triển mạnh mẽ, kết nối, liên hệ giữa các tổ chức đảng ngày càng mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Cũng từ đây, Chi bộ Bình đã bồi dưỡng, xây dựng được nhiều đảng viên ưu tú, sau này giữ những vai trò chủ chốt và là lực lượng nòng cốt tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 Nhà thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Trung Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn).
Nhà thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Trung Thôn, xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn.
Năm 1945, ông được giao làm Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, sau đó trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đổi tên thành Đồng Sỹ Nguyên để tránh giặc trả thù gia đình. Thời gian sau đó, ông kinh qua nhiều chức vụ, đến năm 1967 được điều động làm Tư lệnh Đoàn 559 và là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường Trường Sơn huyền thoại, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt quyết định thành bại trong chiến tranh. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên Trung tướng.
 
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), ông tiếp tục được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
 
Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông nghỉ công tác từ tháng 10/2006.
 
Ngoài Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người con ưu tú của quê hương, Quảng Trung cũng là vùng đất nuôi dưỡng, sản sinh ra nhiều nhân tài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ khác nhau. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung, giai đoạn 1930-2015, toàn xã có hơn 80 cán bộ lão thành, tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm liệt sỹ qua các cuộc kháng chiến. Vùng đất chật hẹp nằm bên sông Gianh còn là quê hương của 4 vị tướng Quân đội, gần một trăm vị giáo sư, tiến sĩ, hàng trăm người khác giữ những chức vụ quan trọng ở các ngành, đơn vị.
 
“Làm việc phải đi và học”
 
Trưởng thành, rời xa quê hương sớm và sau này dù kinh qua nhiều chức vụ, nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng, Nhà nước nhưng hầu như năm nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng dành thời gian về thăm quê.
 
Dù mấy chục năm đi qua, nhưng ông Võ Xuân Khước (SN 1945) vẫn nhớ như in những lời dặn mỗi lần được gặp người cậu của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Năm 1967, ông Khước ra miền Bắc theo học đại học công nghiệp nặng. Một năm sau, ông Khước vào chiến trường và đến năm 1978 ra lại miền Bắc an dưỡng. Gặp cháu, người cậu như thói quen bao năm, xoa đầu và hỏi han. Biết ông Khước đang lưỡng lự nên học tiếp hay về địa phương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ nói, dù ở đâu thì con người cũng là trung tâm để xây dựng phong trào, đứng từ thấp để nhìn từ dưới lên.
 
Ông Khước quyết định về quê và làm việc tại UBND xã. Năm 1982, trong lần về thăm quê, ông gọi ông Khước và một số cán bộ xã cùng đi thăm đồng. Sau khi hỏi han, ông dặn anh em cán bộ xã “làm việc phải đi và học...”. Năm sau, ông Khước được xã cử ra Hà Nội tham quan, học hỏi một số mô hình hợp tác xã làm kinh tế có hiệu quả thời bấy giờ. Và Hợp tác xã Trung Thượng ra đời sau đó, với việc chuyển đổi mô hình, đẩy mạnh khai hoang phục hóa. Những năm đó, Hợp tác xã Trung Thượng được xem là mô hình hiệu quả bậc nhất của cả mấy xã vùng Nam.
Ông Võ Xuân Khước trò chuyện với phóng viên về những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hải
Ông Võ Xuân Khước trò chuyện với phóng viên về những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Khước nhớ lại, những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, mỗi lần về quê có 3 việc mà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hay dặn dò anh em cán bộ xã, đó là: Phát động trồng cây ven đường để lấy bóng mát, bảo vệ môi trường; thứ nữa là quan tâm sửa sang, quy hoạch lại nghĩa địa, nhất là nghĩa trang liệt sỹ và cuối cùng là việc dạy và học.

Ông Khước kể, có lần ông cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đi quanh làng, thấy đám trẻ con đang vui đùa ở bãi cỏ. Ông dặn dò: “Cháu thấy gì không? Đó là những mầm xanh, là tương lai của đất nước đấy. Thế hệ trước bị đứt học do chiến tranh, loạn lạc nhưng con cháu chúng ta phải được học hành đến nơi đến chốn...”. Cũng vì lời dặn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sau khi về hưu, ông Khước tiếp tục làm công tác khuyến học ở địa phương gần 20 năm mới nghỉ.

Dù là cán bộ cao cấp, nhưng mỗi lần về quê, vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn luôn chân tình, giản dị. Và mỗi lần gặp là một lời dặn để đời như Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Trung Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ, những lời dặn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc sinh thời vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay và tiếp tục là “kim chỉ nam” để Đảng bộ và nhân dân Quảng Trung tiếp tục vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững. 
 
Theo lãnh đạo xã Quảng Trung qua các thời kỳ, mỗi lần về thăm quê, việc đầu tiên của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyễn là ghé UBND xã, động viên, hỏi thăm tình hình công tác, đời sống của bà con quê mình. Sau đó, ông đi một vòng làng trên xóm dưới, cái tốt thì khen, cái chưa tốt thì thẳng thắn góp ý ngay.
 
Xuân Phú

tin liên quan

Một người tử vong tại mỏ đá

(QBĐT) - Chiều ngày 24/2, ông Đoàn Kim Xuyên, Trưởng thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) xác nhận: Thôn và gia đình vừa tiếp nhận thi thể một người dân chết do bị tai nạn tại một mỏ đá ở huyện Lệ Thủy đưa về.

Từ chiều và đêm 24/2, nhiều khu vực ở Trung Bộ mưa to

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 24/2, ở khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa rào và rải rác có dông. Các tỉnh Trung Bộ có mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông, khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng thấp trũng.

Làm giàu từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân

(QBĐT) - Nhờ biết cách vận động và sử dụng hợp lý từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân ở huyện Quảng Trạch đã xây dựng được các mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.