Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023)

Nếp nhà

  • 06:35 | Thứ Năm, 23/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh thời, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng dành những lời trân trọng: “Quê hương, gia đình là hết thảy những gì yêu thương, da diết nhất, là nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách, cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng”.
 
Truyền thống gia đình cách mạng chính là ngọn lửa ấm tỏa lan, soi sáng hành trình cuộc đời mỗi người và là động lực để giữ lấy nếp nhà vẹn nguyên, vững chãi. Vậy nên, từ mái tranh nghèo bên dòng sông Gianh thuộc thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn), những người lính đã ra đi và trọn vẹn đời mình với lý tưởng, với nhân dân.
 
Mẹ như huyền thoại
 
Căn nhà tuổi thơ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nằm yên bình nơi làng quê rợp bóng mát. Khoảnh sân ấy, góc vườn này đã chứng kiến bao đổi thay, biến thiên trong cuộc đời mỗi thành viên trong gia đình ông. Nơi ấy cũng in hằn bóng dáng của cụ Đặng Thị Cấp-người mẹ anh hùng sinh ra những người con anh hùng.
 
Cụ Đặng Thị Cấp và chồng là cụ Nguyễn Hữu Khoán đều là cháu của những thủ lĩnh nghĩa quân Lê Trực, tham gia phong trào Cần Vương. Truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc lên trong tim cụ ngọn lửa yêu nước, một lòng đi theo cách mạng. Ngọn lửa ấy lại tiếp tục được nhen lên và truyền lại cho nhiều thế hệ con cháu về sau.
 
Trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4-cháu ruột của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, bà nội Đặng Thị Cấp là người phụ nữ mạnh mẽ, bao dung, mẫu mực. Không ai khác, cuộc đời cụ chính là một huyền thoại bởi những đóng góp của một người phụ nữ bình thường nhưng mang trong mình một trái tim, tấm lòng phi thường.
 
“Ông nội mất sớm, một mình bà tôi phải quần quật làm lụng nuôi 7 người con. Bà thức khuya, dậy sớm nuôi tằm, dệt vải rồi làm đủ nghề để lo cho 5 người con trai học hết bậc tiểu học. Khó khăn là thế nhưng bà vẫn một lòng đi theo cách mạng, tham gia các hoạt động cách mạng tại địa phương”, Trung tướng Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong dịp về thăm quê hương, họ hàng. Ảnh: Tư liệu
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong dịp về thăm quê hương, họ hàng. Ảnh: Tư liệu
Những năm kháng chiến, căn nhà của cụ là nơi che chở, đùm bọc nhiều cán bộ hoạt động cách mạng bí mật và là nơi in ấn, cất giấu tài liệu mật của Đảng, vũ khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Trung tướng Nguyễn Hữu Cường kể rằng, những năm tháng đó, đã có lần, giặc Pháp tràn vào nhà, chặt phá nhiều đồ đạc. Đến giờ, gia đình vẫn còn giữ lại một cột nhà chằng chịt những vết chặt chém của giặc Pháp.

Những vết tích hằn dấu thời gian như nhắc nhớ về tấm gương người mẹ, người bà mẫu mực, kiên trung, son sắt một lòng với cách mạng. Những năm tháng ấy, noi gương mẹ, cả 5 người con của cụ đều lần lượt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Đặng Thị Cấp lại hăng hái tham gia công tác phụ nữ, công tác hội mẹ chiến sĩ, vận động các con tham gia vệ quốc và vận động bà con quyên góp thóc gạo, tiếp tế cho du kích đánh giặc.

Năm 1982, cụ ra đi, hưởng thọ 100 tuổi. Sống trọn vẹn một thế kỷ, đi qua những thăng trầm, biến động nhất của lịch sử dân tộc, cụ chính là tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ con cháu noi theo. Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, cụ Đặng Thị Cấp đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, “Bảng vàng danh dự” và “Gia đình có công với nước”. Năm 2005, ngôi nhà mang nhiều dấu ấn của cụ đã được công nhận và dựng bia “Di tích cách mạng”.
 
Trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành những lời trân trọng cho người mẹ đặc biệt ấy: “Tôi luôn thấy ở mẹ kính yêu của mình kết tinh gần như hết thảy các đức tính, phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam. Đoan trang, hồn hậu, tinh tế, thánh thiện… Suốt cuộc đời làm lụng, hy sinh vì công danh thành đạt của chồng, sự trưởng thành khôn lớn của các con. Mẹ luôn là niềm tin, là điểm tựa như bàn thạch của mỗi chúng tôi”.
 
Giữ nếp nhà
 
Những năm tháng bận rộn với việc nước nhưng mỗi dịp hiếm hoi được trở về thăm mẹ, thăm quê hương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với mỗi thành viên đại gia đình. Nhìn những việc ông làm, lắng nghe những lời ông căn dặn, mỗi người con, người cháu lại tự nhắc nhở, soi mình và sửa mình.
 
Trung tướng Nguyễn Hữu Cường nhớ mãi lời căn dặn của người chú ruột Đồng Sỹ Nguyên trong những ngày đầu được giao trọng trách Tư lệnh Quân khu 4: “Ông dặn tôi phải đi bằng đôi chân của mình, không dựa dẫm vào ai. Là người lính, là cán bộ, phải gần dân, sát dân, phải nắm được tình hình và phải biết xây dựng khối đoàn kết trong chỉ huy, lãnh đạo, trong cán bộ, chiến sĩ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Và ông-một vị tướng liêm khiết, không bao giờ dựa vào chức vụ của mình mà tư lợi cho bản thân chính là tấm gương sáng nhất để con cháu chúng tôi nhìn vào rồi tự sửa mình”.
f
Đại gia đình dòng họ Nguyễn Hữu chụp ảnh lưu niệm tại lễ mừng thọ tập thể các con của cụ Nguyễn Hữu Khoán và cụ bà Đặng Thị Cấp, năm 2011. Ảnh: Thành Huế

Hơn 10 năm trước, tại căn nhà xưa cũ ấy diễn ra một sự kiện đặc biệt: Lễ mừng thọ tập thể cho những người con của cụ Nguyễn Hữu Khoán và cụ bà Đặng Thị Cấp. Có lẽ, đó là dịp gặp mặt gần như đông đủ các thế hệ con cháu của đại gia đình. Anh Nguyễn Văn Huế, cháu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại, thời điểm ấy, gia đình đã thống kê được rằng, sau hơn một thế kỷ kể từ khi ông bà nội nên duyên, đại gia đình đã phát triển thành 5 thế hệ với gần 300 thành viên.

Trong đó, đáng tự hào là có hơn 80 đảng viên, 50 lão thành cách mạng, 2 người hoạt động tiền khởi nghĩa. Trong 50 quân nhân có 3 tướng lĩnh, 7 sĩ quan cấp cao. Ngoài ra, còn có hơn 110 cán bộ công chức nhà nước, nhiều người là cán bộ cấp cao. Nhiều thành viên được tặng thưởng huân huy chương, trong đó, có huân chương cao quý nhất-Huân chương Sao Vàng.

“10 năm trôi qua, những người con của ông bà đã trở về với đất mẹ nhưng thế hệ con cháu vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của gia đình, nỗ lực phấn đấu nên con số đó đã tăng thêm nhiều lần. Một quỹ gia đình mang tên bà nội Đặng Thị Cấp cũng đã ra đời và phát triển đến hôm nay nhằm động viên con cháu học tập, phấn đấu”, anh Huế chia sẻ.
 
Qua nhiều thăng trầm, sợi dây thiêng liêng kết nối nhiều thế hệ con cháu trong gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là truyền thống yêu nước, kiên trung với cách mạng và truyền thống gia phong tốt đẹp. Nhắc đến điều đó, anh Huế không giấu được nỗi tự hào: “Xưa, bà tôi luôn nhắc nhở con cháu phải giữ lấy gia phong, nếp nhà thì nay, truyền thống ấy vẫn được gìn giữ. Đó là một gia đình mà con cháu phải hiếu thảo, trên thuận, dưới hòa, trong ấm, ngoài êm, anh nói, em nghe, chị ngã, em nâng”.
 
Nơi chốn yên bình tại mảnh đất bên dòng sông Gianh, thế hệ này lại nối tiếp thế hệ khác. Thế hệ đi trước dìu dắt con cháu đi sau bằng chính tấm gương, lối sống và tình yêu nước thiêng liêng. Và vì lẽ đó, nhiều thế hệ đã đi xa nhưng nếp nhà vẫn ở đó, vững bền qua bao sóng gió, chông gai.
Diệu Hương

tin liên quan

Thầy thuốc và chữ tâm

(QBĐT) -  Lương y như từ mẫu là câu chúng ta thường nhắc tới. Nhắc tới bằng sự yêu thương và trân trọng của xã hội đối với các thầy thuốc.

Trên 511 tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công được chi trả qua hệ thống bưu điện

(QBĐT) - Chiều 22/2, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện năm 2022 và bàn giải pháp trong thời gian tới.

"Hiểu mình-hiểu nghề-sáng tương lai"

(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.