Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Lớn lên từ những trải nghiệm

  • 07:43 | Thứ Tư, 01/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những giờ học không bị bó buộc trong không gian chật hẹp. Bởi thế, những bài học bên ngoài trang sách luôn có sức hút đặc biệt đối với các bạn nhỏ. Từ những chuyến dã ngoại, các hoạt động ngoại khóa, trẻ được bồi dưỡng thể chất, trí tuệ, làm phong phú thêm tâm hồn và rồi cũng lớn dần lên từ chính những trải nghiệm ấy.
 
Những bài học bên ngoài trang sách
 
Trở lại trường sau một thời gian nghỉ dịch, học sinh Trường mầm non Phú Hải (TP. Đồng Hới) được tham gia nhiều chương trình ngoại khóa, trong đó chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm (HĐTN). Cô giáo Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trẻ mầm non là lứa tuổi rất thích tìm tòi và khám phá những thứ xung quanh. Khi được tham gia vào các HĐTN thực tế, trẻ sẽ khám phá được nhiều điều mới lạ.
 
“Đặc biệt, khi trẻ trở lại trường sau kỳ nghỉ dịch dài ngày sẽ có tâm lý chán học, mệt mỏi. Vì vậy, với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, chúng tôi đã tổ chức một số hoạt động cho trẻ, như: Đua xe thăng bằng, cho trẻ thu hoạch vườn rau, thăm cánh đồng lúa và trải nghiệm dịch vụ spa ngay tại lớp học… Trong mỗi buổi trải nghiệm, trẻ được thỏa sức tìm tòi, khám phá, từ đó tạo sự hứng thú mỗi buổi đến trường”, cô Hương cho biết thêm.
 
Hơn ai khác, những cô giáo như cô Trần Thị Thu Hương hiểu rằng, những hoạt động ngoại khóa này được tổ chức thành công sẽ mang lại niềm vui, tiếng cười cho con trẻ, sự an tâm, hài lòng của phụ huynh và khẳng định được màu sắc riêng của một trường mầm non vùng ven TP. Đồng Hới.
Hệ thống giáo dục Chu Văn An luôn chú trọng đến các hoạt động dã ngoại, tăng trải nghiệm cho học sinh.
Hệ thống giáo dục Chu Văn An luôn chú trọng đến các hoạt động dã ngoại, tăng trải nghiệm cho học sinh.

Nhiều năm qua, việc tổ chức các hoạt động dã ngoại cho học sinh luôn được Hệ thống giáo dục Chu Văn An chú trọng và coi đó là một trong những hoạt động nổi bật để hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh. Trung bình mỗi năm học, các em sẽ được tham gia 2 chuyến dã ngoại. Trong đó, để mỗi chuyến đi là một chuyến trải nghiệm đủ đầy sự mới lạ, hấp dẫn và khác biệt, nhà trường luôn linh hoạt, đổi mới trong lựa chọn địa điểm, cách thức tổ chức.

Từ những buổi ngoại khóa lên rừng, xuống biển, tham quan thành phố hay trải nghiệm xem phim, trung tâm thương mại…, các em học sinh đã tự trang bị cho mình những hành trang kiến thức phong phú-những bài học vượt ra bên ngoài trang sách khô khan. Mới đây nhất, học sinh khối THCS của hệ thống đã có một ngày trải nghiệm bổ ích tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với những hoạt động ý nghĩa.

Ngoài việc tham quan, tìm hiểu vườn thực vật với các loại động, thực vật phong phú, các em đã tham gia hoạt động sáng tạo tranh làm từ lá cây, cùng nhau mang đến thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đó là những bài học quý giá góp phần bồi đắp nhân cách và hành trang ý nghĩa mà các em mang theo trong suốt cuộc đời.

Theo thạc sĩ (Th.s) Hoàng Thị Tường Vi, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường đại học Quảng Bình, HĐTN có giá trị lớn đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, mang lại sự phong phú, đa dạng trong tâm lý trẻ. “Từ thực tế cho thấy, bài học trải nghiệm là bài học sâu sắc nhất, quý giá nhất. Bởi qua HĐTN, những nhân vật trong lịch sử được bước ra từ trang sách trở nên sống động hơn, từ đó trẻ cũng hiểu biết sâu sắc hơn. Cũng chính các HĐTN mà trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm, sự sáng tạo và kỹ năng mềm xã hội, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, va chạm và trưởng thành từ những va chạm đó. Từ đó, có thể thiết lập mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú và trưởng thành hơn trong ứng xử và học cách chung sống với người khác”, Th.s Hoàng Thị Tường Vi cho biết thêm.

Các HĐTN tại Trường mầm non Phú Hải luôn mang đến sự thích thú cho trẻ.
Các HĐTN tại Trường mầm non Phú Hải luôn mang đến sự thích thú cho trẻ.

Hãy để trẻ được… lấm bẩn

Sự phát triển của công nghệ số đã khiến cuộc sống của trẻ em bị phụ thuộc vào những thiết bị điện tử. Nhiều hệ lụy cũng từ đó sinh ra. Vì vậy, việc cho trẻ tách ra khỏi những thiết bị công nghệ để ra ngoài, hòa vào thiên nhiên là việc cần thiết hơn lúc nào hết. Thế nhưng, chính nỗi sợ vô hình của các bậc phụ huynh trước những rủi ro luôn rình rập con trẻ khiến các em thiếu thốn dần những trải nghiệm thực tế. Hãy để trẻ được vui chơi, được lấm bẩn, để trẻ được tự lập, sáng tạo và lớn lên từ chính những trải nghiệm đó.  
 
Happy Camp là mô hình giáo dục trải nghiệm gắn với thiên nhiên cho trẻ 6-15 tuổi do cô giáo Phan Nam Trà (Bố Trạch) khởi xướng. Điều mà trại hè của Happy Camp hướng đến là giúp trẻ nâng cao kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, khám phá thiên nhiên và có thể được thỏa sức nô đùa, sống đúng độ tuổi của mình với những người bạn mới. Tùy theo độ tuổi và sở thích của trẻ, Happy Camp có các chương trình khác nhau để trẻ chọn lựa trải nghiệm, như: Ngư dân hạnh phúc, từ nông trại đến biển, gia đình phiêu lưu ký...
 
“Khác với các trại hè trải nghiệm cho trẻ thường thấy, Happy Camp lại chỉ mong lũ trẻ sau chuyến đi có thể sảng khoái-yêu thương-hiểu biết-bản lĩnh-khéo léo. Chúng tôi tin, mỗi bạn nhỏ khi từ Happy Camp về nhà đều ấp ủ thật nhiều điều thú vị để kể cho bố mẹ nghe, khoe những chiếc đồng hồ tự làm từ vải tái chế, bức tranh từ hạt đậu, chai nước rửa bát hữu cơ, hay những lẵng hoa mười giờ con tự tay vun đất. Đó cũng là cách để các em lớn lên, gắn kết con cái với cha mẹ mỗi ngày”, cô giáo Phan Nam Trà chia sẻ.
Trẻ em trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Ozo Park.
Trẻ em trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Ozo Park.

Dẫn trẻ đi chơi không chỉ là việc làm tăng thêm những trải nghiệm cho trẻ mà ngược lại, bản thân bố mẹ cũng được tiếp thêm nguồn năng lượng tươi sáng từ con trẻ. Bởi thế, ngày càng nhiều gia đình chọn du lịch cắm trại hay những chuyến dã ngoại lên rừng, xuống biển cùng con để cho con được trải nghiệm, được lấm bẩn và gắn kết tình cảm gia đình.

Tuy nhiên, theo Th.s Hoàng Thị Tường Vi, muốn vậy, bố mẹ cần hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, nguyện vọng của con. Đồng thời cũng cần tìm hiểu sở thích cụ thể của từng trẻ, trên cơ sở đó tạo điều kiện để trẻ tham gia các HĐTN phù hợp. Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh, Th.s Tường Vi khẳng định: “Mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần đồng hành cùng con, đồng hành cùng nhà trường trong tam giác giáo dục gia đình-nhà trường-xã hội, cùng hướng đến trẻ để trẻ phát triển toàn diện hơn”.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Vì sức khỏe của người tiêu dùng

(QBĐT) - Huyện Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao kiến thức về VSATTP cho người dân, hộ sản xuất, kinh doanh.

Giải bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi bất cập hại

Trước tình trạng nhiều người nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần, các chuyên gia cảnh báo việc làm này khiến người lao động gặp khó khăn khi về già. Lúc này, gánh nặng đổ dồn lên vai con cháu và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.  

Nghị lực của cô học trò nhỏ

(QBĐT) - Về Trường THCS Mỹ Thủy (Lệ Thủy), hỏi em Hà Thị Vân Dung, học sinh lớp 7C, nhiều giáo viên, học sinh trong trường đều biết bởi em là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó học tập.