"Đường về nhà là vào tim ta..."

  • 09:26 | Thứ Ba, 01/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vì mưu sinh, họ trở thành những người ly hương. Và rồi vì đại dịch Covid-19, họ buộc phải trở về quê nhà khi “ước mơ đổi đời” còn dở dang. Trở về trong tâm thế bất đắc dĩ, phía trước còn bao bộn bề, ngổn ngang, nhưng với những con người ấy, quê mẹ lúc này là cứu cánh để họ bám víu, hy vọng, bởi họ biết, dù thành công hay thất bại, quê hương vẫn luôn đón họ quay về.
 
Nhà là nơi để về...
 
Ngôi nhà nhỏ ở xóm 3 thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) hơn 2 tháng nay luôn rộn rã tiếng cười bởi sự xuất hiện của cu Rớt, thành viên đặc biệt trên chuyến tàu hồi hương vào tháng 10-2021. Cho đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Nhâm (SN 1992) vẫn không thể hình dung được mẹ con chị lại trở nên “nổi tiếng” theo cái cách mà ít ai nghĩ tới. Chị bảo, suốt cuộc đời mình, có lẽ, chị sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày này, những tháng ngày chị sống trong lo lắng, bất an nhưng cũng là khoảng thời gian chị được đón nhận những ấm áp của tình người.
 
Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường đại học Quy Nhơn nhưng không xin được việc làm ở quê nhà, năm 2014, chị Nhâm khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội làm việc. Vào làm trong một công ty chuyên sản xuất bộ dây điện xe ô tô, chị gặp anh Trương Quốc Tiến (SN 1993, người Quảng Trị), sau đó cả hai nên duyên vợ chồng. Cuộc sống có lẽ sẽ cứ thế trôi qua với những khó khăn, chật vật nhưng bình lặng vốn có của đời công nhân xa nhà.
 
Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến những tháng ngày bình lặng của họ và bao người khác... “nổi bão”. Và khi không chịu được những áp lực của cuộc sống nơi tâm dịch, chị Nhâm quyết định về quê trên chuyến tàu nghĩa tình do tỉnh nhà hỗ trợ khi mang thai sắp đến ngày sinh nở. Điều chị không lường trước là mình sẽ sinh con ngay trong chuyến hồi hương ấy.
Tết này, mẹ con chị Nguyễn Thị Nhâm sẽ được đoàn viên cùng gia đình, người thân.
Tết này, mẹ con chị Nguyễn Thị Nhâm sẽ được đoàn viên cùng gia đình, người thân.

“Không có chồng, người thân bên cạnh, lúc biết mình sắp sinh, tôi thực sự hoảng loạn, không biết làm thế nào. Rất may, nhân viên y tế và nhiều cô, bác đi tàu đã giúp sức để tôi vượt cạn thành công. Đúng 19 giờ 45 phút ngày 8-10-2021, cu Rớt ra đời tại Bình Định. Sau đó, tôi nằm lại Bệnh viện đa khoa Bình Định theo dõi 1 ngày rồi tiếp tục bắt chuyến tàu cuối về Quảng Bình.”, chị Nhâm kể.

Trở về nhà khi chồng vẫn còn “mắc kẹt” lại TP. Hồ Chí Minh, ngày đoàn viên của gia đình nhỏ còn chưa hẹn trước, nhưng như chị Nhâm chia sẻ, chị còn may mắn hơn rất nhiều người. Tết này, mẹ con chị lại được đoàn viên cùng gia đình, người thân; cu Rớt được đón cái Tết đầu tiên bên nội, ngoại, anh trai... chỉ cần nghĩ đến điều đó, chị Nhâm được an ủi rất nhiều.

Không ngừng hy vọng
 
“Cây mai trong vườn đã ra nụ, điểm vàng vài bông hoa. Mẻ mứt gừng vừa sên lúc trưa cũng đã được đóng gói cẩn thận để chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Đàn gà đứa con dâu nuôi từ dạo trước cũng đã phổng phao, ít hôm nữa mang ra chợ bán... Tôi thấy mình thật may mắn vì được về nhà, được cảm nhận không khí Tết quê hương đang đến thật gần trong khi bao người còn “mắc kẹt” với bộn bề lo lắng, bất an ở tâm dịch phía Nam. Dù thế nào đi nữa, vẫn hy vọng, chúng ta luôn có một nơi để về đón năm mới”, vừa đon đả rót nước mời khách, bà Nguyễn Thị Búp (SN 1964) ở TDP Diên Phúc, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) vừa tâm sự.
 
4 năm trước, bà Búp khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh xin làm phục vụ trong một nhà hàng với mong muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong cảnh khó khăn. Đầu năm 2021, chồng bà là ông Nguyễn Văn Lập (SN 1961) cũng vào đó tìm kiếm việc làm. 4 năm, chưa kịp thực hiện những dự định ấp ủ thì dịch bệnh ập đến đẩy cuộc sống của những phận người như ông bà rơi vào cảnh lao đao. “Trong hoàn ảnh ấy, chúng tôi nghĩ ngay đến chuyện về nhà, nhưng về lúc này đâu phải dễ. Rất may, tỉnh nhà đã hỗ trợ chúng tôi trở về an toàn. Giờ tôi mới thực sự cảm nhận hết giá trị của sự đoàn viên, sum họp, nhất là khi Tết đến, xuân về”, bà Búp trải lòng.
 
Không thể phủ nhận hành trình trở về nhà của những người con tha hương sau quãng thời gian sống bấp bênh trong tâm dịch là hành trình đầy sóng gió. Họ ao ước trở về khi “công đã thành, danh đã toại”, thế mà dịch bệnh đã đẩy ao ước đó đi xa hiện thực. Nhưng như họ tâm sự, hồi hương lúc này cũng chính là hy vọng. Người hy vọng giữ gìn sức khỏe để tìm kiếm cơ hội việc làm mới ở quê nhà hoặc xuất khẩu lao động. Người hy vọng khi dịch đã ổn sẽ trở lại làm việc tại nơi mà  hôm nay họ bất đắc dĩ rời đi...
Chuyến tàu nghĩa tình đón bà con Quảng Bình trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam.
Chuyến tàu nghĩa tình đón bà con Quảng Bình trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trở về từ Bình Phước khi bị mất việc làm vì dịch Covid-19, giờ đây, gánh nặng cơm áo cho gia đình với 3 đứa con nhỏ càng trĩu trên vai anh Trần Văn Lực ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch). Rời Quảng Bình vào Bình Phước làm ăn, anh không thể ngờ có ngày mình phải trở về quê trong tình cảnh oái oăm như thế. Nhưng như anh chia sẻ: “Được về nhà khỏe mạnh, bình an đã là may mắn. Miễn còn sức khỏe, còn nhiệt huyết thì tôi tin, con đường sáng sẽ lại mở ra. “Thua keo này, ta bày keo khác”, lo gì!”. Nụ cười lạc quan của người đàn ông trung niên khiến chúng tôi thấy vững tin hơn.

Sau một thời gian ở nhà lo việc đồng áng, anh Lực đang liên hệ với các công ty để xin việc làm. Anh bảo, bây giờ, anh phải tranh thủ tận hưởng khoảng thời gian được đoàn viên, sum họp bên gia đình, để sau đó lại tiếp tục với hành trình mưu sinh. Tết này, anh sẽ gói bánh chưng, làm bánh xoài cùng vợ; sẽ dẫn các con đi thăm nội, ngoại. Đã trải qua mấy chục cái Tết cùng người thân nhưng anh bảo, chẳng hiểu sao cái Tết năm nay với anh thật đặc biệt, anh thấy trân quý hơn giá trị của gia đình, của sự đoàn viên.
 
Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; vẫn còn rất nhiều những phận người tha hương nơi đất khách mong ngóng được trở về quê nhà. Và những người như chị Nhâm, bà Búp hay anh Lực sẽ vẫn không ngừng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, khi dịch bệnh được kiểm soát.
 
Những đứa con tha hương trở về dẫu thành danh hay thất bại, dẫu hạnh phúc hay khổ đau, quê mẹ vẫn dang rộng vòng tay che chở, yêu thương. Đời người tránh sao được những thất bại, cay đắng, khổ đau, mệt mỏi. Và những lúc ấy, được về nhà chính là liều thuốc xoa dịu tất cả, đúng như lời bài hát “Đi về nhà”(Đen Vâu và JustaTee):
 
“Hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà
 
(...)
 
Thành công đi về nhà
 
Thất bại đi về nhà
 
Mệt quá đi về nhà
 
Mông lung đi về nhà
 
Chênh vênh đi về nhà...”
 
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, sau đợt dịch lần thứ 4, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 10.000 người từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê, trong đó, số người trong độ tuổi lao động trên 7.000 người.
 
Để giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, sở đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan tập trung rà soát, nắm chắc số lượng, tình hình đời sống, nhu cầu về việc làm của NLĐ trở về từ vùng dịch để chủ động xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời; hỗ trợ NLĐ thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chính sách về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối, giới thiệu việc làm nhằm giúp NLĐ sớm tìm kiếm được việc làm phù hợp...

Tâm An

 
 
 
 

 

tin liên quan

Cần xử lý rác thải phù hợp để sạch nhà, đẹp phố

(QBĐT) - Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, việc mua sắm nhiều vật dụng, hàng hóa phục vụ Tết đã khiến cho lượng rác thải tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhưng nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường nên phố phường vẫn cơ bản giữ được vẻ sạch đẹp.

 

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh, vì vậy chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là mối quan tâm của nhiều người. Để bảo vệ người tiêu dùng, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. 

"Con nuôi của Hội Phụ nữ"

(QBĐT) - Nhằm quan tâm, giúp đỡ các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, có động lực vươn lên trong cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình "Con nuôi của Hội Phụ nữ" thuộc chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Qua mô hình, đã có nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, giúp đỡ.