Bao la tình mẹ

  • 08:01 | Thứ Sáu, 16/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(Nhân đọc tập thơ “Mẹ và những miền quê mẹ” của GS.TS Nguyễn Anh Trí)
(QBĐT) - “Ta đi trọn kiếp con người,
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”..
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa-Nguyễn Duy)
(Ảnh minh họa)
Tập thơ “Mẹ và những miền quê mẹ” của GS.TS Nguyễn Anh Trí.

Cầm trên tay tuyển tập: “Mẹ và những miền quê mẹ”, tập thơ tái bản có bổ sung của GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, điều mà bạn đọc cảm nhận được đầu tiên, chính là những ân tình, lòng nhân hậu về mẹ và những miền quê mẹ. Với 75 bài thơ-75 khúc hát nhẹ nhàng mà sâu lắng nghĩa tình, thể hiện những rung cảm tinh tế, sự khám phá giàu chất triết lý và sự chiêm nghiệm của gần một “kiếp con người” nhưng cũng như Chế Lan Viên, tác giả Nguyễn Anh Trí mãi mãi vẫn:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.
(Con cò-Chế Lan Viên)
 
Khởi phát từ quan niệm ấy, bài thơ đầu tiên, đó chính là bài thơ GS.TS Nguyễn Anh Trí kính dâng hương hồn mẹ: Tiếng gọi “Mẹ ơi!”:
“Mẹ ơi!”
Đó là tiếng gọi đầu đời
Của mỗi chúng con từ khi tập nói
Tiếng “Mẹ ơi!” mỗi lần con gọi
Lắng lại trong con Tình Mẫu Tử thiêng liêng”.
 
Cũng như bao nhiêu người con của xứ Lệ, GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng có một tuổi thơ êm đềm bên gia đình và dòng sông Kiến Giang hiền hòa thơ mộng. Tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ hồn nhiên ấy đã để lại trong tâm khảm của ông những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Trong những ký ức đẹp đẽ và thiêng liêng ấy, ký ức về người mẹ tảo tần mà bao dung, nhân hậu ấy mãi mãi là một ký ức thiêng liêng nhất. Bởi vậy, khi nhớ về mẹ, ông lại nhớ đến quê hương và mỗi lần về với quê hương là mỗi lần về với mẹ:
“Con đã sống qua quá nửa cuộc đời
Vẫn ước ao nhiều hơn có Mẹ
Vẫn hồn nhiên như ngày tấm bé
Sướng khổ, vui buồn đều gọi Mẹ, Mẹ ơi!”.
 
Yêu mẹ, yêu quê hương, GS.TS Nguyễn Anh Trí yêu luôn cả “những gốc lúa bờ tre hồn hậu”, yêu luôn cái vườn rau tập tàng do chính bàn tay gầy của mẹ chăm xới:
“Thế mà ngon lắm Mẹ ơi
Thế mà mát ruột nắng nôi trưa hè
Thế mà nồng thắm hồn quê
Đói no đắp đổi, sum suê nghĩa tình.
(Canh rau tập tàng)
 
Nhớ mẹ, GS.TS Nguyễn Anh Trí nhớ luôn cả những gì liên quan đến mẹ. Đó có thể là bát nước chấm mẹ pha, nhớ cái vị ớt xanh quê mình… Quả thật, khi nỗi nhớ trào dâng trong lòng, khi tình yêu thương phát thành tiếng hát thiết tha, rạo rực thì những hình ảnh vốn dĩ bình dị nhất cũng trở nên gần gũi, thành hình ảnh gợi nhớ kỷ niệm, khơi nguồn yêu thương sâu kín:
“Đi đâu con cũng vấn vương
Nhớ nước chấm Mẹ-Nhớ đường về quê”.
 
Chưa bao giờ khái niệm về quê hương lại được liên tưởng một cách mộc mạc, thấm thía đến như vậy! Đó là “vị mặn”, “là vị giọt mồ hôi dãi dầu", là “vị chua thấm những bể dâu”, là “vị cay để luyện con người”… Và hơn cả chính là đúc kết tình phụ mẫu thiêng liêng, giúp con vượt qua những nỗi gian truân cuộc đời:
“Vị ngọt tình của mẹ cha
Tiếp con sức vượt đường xa gập ghềnh”.
 
Có thể nói, người mẹ đã có một sức ảnh hưởng cực kỳ lớn, cực kỳ sâu sắc đến sự hình thành nhân cách cũng như con đường sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Anh Trí. Người mẹ nông dân nhân từ ấy đã dạy cho các con hiểu thế nào là trung, hiếu, lễ, nghĩa; thế nào là nhục, là vinh ở đời, được đúc kết qua những bài ca dao mẹ hát, thật đúng như nhận định của nhà thơ Nguyễn Duy: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”:
Ca dao Mẹ dạy làm người
Trung-Hiếu-Lễ-Nghĩa đầy vơi ngôn từ
Con nghe từ thủa còn thơ
Con nghiền, con ngấm đến giờ, Mẹ ơi!”.
 
Có người nói rằng, thơ của Nguyễn Anh Trí không chỉ đẹp về ngôn từ về ý tứ mà trong thơ của ông còn thể hiện sự am tường về các địa danh, các sự tích về đất về người trên khắp mọi miền “quê mẹ”. Đó là một nhận định hoàn toàn chính xác. Lại càng chính xác hơn khi chúng ta đọc hết 75 bài thơ trong “Mẹ và những miền quê mẹ”. Bởi đến với mỗi bài thơ là đến với những vẻ đẹp độc đáo, tiềm ẩn của quê hương, đất nước và con người Việt Nam thân yêu, thật đúng như Nguyễn Khoa Điềm đã từng thốt lên:
“Ôi, đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy.
 Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”.
 
Đó là quê hương Thanh Hóa-nơi được xem là quê hương thứ hai của ông. Ở đó, Nguyễn Anh Trí đã có những ngày tháng tuổi thơ “dữ dội và dịu êm” trong chiến tranh bom đạn khốc liệt của đế quốc Mỹ. Tình người “K8” vẫn vẹn nguyên “Mảnh đất này nơi đã nuôi tôi/Có bà, có ông, có cô, có chú/Đêm kéo mật xóm làng vui không ngủ/Năm tháng ngọt ngào, dù cơm độn, ngô bung”
 
Không dừng lại ở đó, xuyên suốt tập thơ người đọc có thể bắt gặp hình ảnh đất nước, con người gắn liền với mỗi miền quê thân thương, nghĩa tình. Cảm giác như, hễ cứ đặt chân lên mảnh đất nào thì GS.TS Nguyễn Anh Trí đều có những cảm nhận riêng, rất sâu sắc và gần gũi. Để rồi, khi rời xa, những tình cảm đó được nung nấu và bột phát, một cách rất tự nhiên và chân thành. Không ít những bài thơ ông làm khi đang ở xa Tổ quốc. Trong những đêm xa hình bóng quê hương, đất nước, ông thao thức nhớ “Mẹ và những miền quê mẹ”.
 
Có thể nói, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, miền biên viễn hay nơi hải đảo xa xôi, tất cả đều được “tái tạo” qua lăng kính chủ quan thấm đẫm nghĩa tình của tác giả, trở thành một khách thể thẩm mỹ mới mẻ, đa diện, đa màu.
 
Nói cách khác, ông đã “bắt” được cái thần thái, cái “hồn vía” cốt lõi của mỗi miền quê hương trên đất nước thân yêu này để đưa vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên nhất, thao thiết nhất. “Về với Đền Hùng” để “biết rõ hơn mình chung nguồn cội”, để “nghe đồng vọng hồn Tổ tiên vẫy gọi/Nguyện sống hết mình, Đất Mẹ Việt Nam ơi!”. Đến với “Chí Linh-Xứ hùng thiêng”, tác giả lại “đắm say một vùng sông núi” với “Lục Đầu Giang lấp lánh nắng mai”, “Tứ Đức thênh thang”, “ôm Cồn Kiếm giữa dòng”…
 
Người đọc như được trở về quá khứ vàng son của đất nước mình nơi mảnh đất cố đô Hoa Lư-“Đất Ninh Bình sáng những hào quan/Cờ lau dựng nghiệp-Đinh Tiên Hoàng/Lê Hoàn bình Chiêm và diệt Tống/Nơi mở đầu triều Lý vẻ vang”
 
Dọc theo chiều dài đất nước, bạn đọc sẽ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp, những đặc sản thú vị của tùng miền quê mẹ để hiểu hơn về “Tính cách Nghệ-Tĩnh”: “Một miền sông nước Hồng Lam/Hun đúc nghĩa khí, nuôi tâm hồn người” và “trọng nghĩa, quý người”, chân thành, chứa chan tình đời. Vào Quảng Trị thăm thành cổ Quảng Trị để “tri ân những anh hùng”, vào xứ Huế mùa mưa để thưởng thức “Mưa xứ Huế”, lại càng thêm “Yêu Huế đến vô cùng/Yêu em nhiều biết mấy”
 
Cứ như thế, tấm lòng của “người thơ” Nguyễn Anh Trí lại trải dài theo đất nước. Đi đến đâu, ông cũng kịp lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp cũng như những cảm nhận hết sức tinh tế về đất và người nơi ấy. Vào thăm “Rừng đước Cà Mau“kiên trung”, “thành đồng”, “Để bền chặt một hình hài Đất nước” trường tồn vĩnh cữu… Hay đến chợ nổi Cái Răng “đậm sắc miền sông nước” để “Chuyền tay ly rượu đế”
 
Tình yêu của GS.TS Nguyễn Anh Trí còn: “Nơi Trường Sa/Những lá cờ Tổ quốc/Hiên ngang vẽ nên/Hình hài đất nước” rồi lắng nghe “Lời thỉnh cầu từ mẹ biển Đông”,Để được hòa bình, để đừng máu chảy...”, vì một đất nước hòa bình, phồn thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc!
 
Ra đi là để trở về. Câu nói nghe qua có vẻ mâu thuẫn, nhưng kỳ thực lại rất đúng. Có ra đi, ắt hẳn sẽ có ngày trở về. Đó là những ngày trở về bên mẹ, bên dòng sông quê hương xanh mát. Trở về, nhiều khi chỉ để nghe “Giọng nói quê mình” với những:
 “Lao xao với rứa, với ri
Từ ngoài nớ, tới trong ni một miền”.
 
Trở về để cảm nhận hết những ân tình, những vẻ đẹp lung linh vĩnh hằng của quê hương Lệ Thủy. Có sự liên tưởng nào đó không giữa Hạ Tri Chương với Nguyễn Anh Trí khi nhà thơ đời Đường sau hơn 50 năm làm quan ở kinh đô Trường An, một ngày nọ trở về quê cũ mà vẫn: “Hương âm vô cải, mấn mao tồi” (Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu). Cái “hương âm” đó được GS.TS Nguyễn Anh Trí định nghĩa rất dễ hình dung, dễ cảm nhận:
“Thắm cái Tình, sáng cái Tâm
Ngôn từ mộc mạc, phát âm mặn mà
Đó là giọng nói ông cha
Đó là máu thịt, đó là quê hương”.
(Giọng nói quê mình)
 
Phải là một người yêu quê hương lắm, mới có được những cảm nhận tinh tế, sâu sắc mà gần gũi, thân thương đến thế!
Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Rưng rưng "Gõ nhẹ vào đêm"

(QBĐT) - Trong tập thơ đầu tay Vẫn còn và mãi mãi ra đời cách đây 5 năm (2017), Đinh Xuân Dục (TT. Quy Đạt, Minh Hóa) ao ước: "Chỉ mong tâm sáng, ngọn bút sắc/ Nặng tình-trọn nghĩa với thi ca". Từ đó đến nay anh vẫn kiên trì, lặng lẽ dấn bước trên con đường thi ca đầy chông gai mà anh đã dũng cảm lựa chọn.

Ngày mới rộn ràng

(QBĐT) - Mở ngày chạm giấc mơ đêm
Gặp em mười tám để quên thẹn thùng.
Mắt môi ơi
Chớ ngập ngừng
Phía ngày xanh vẫn tưng bừng tiếng ca.

Ông Lê Hùng Phi tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh

(QBĐT)-Ngày 15/12, Hội Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027.