Thơ chọn- Lời bình:

Nghe trẻ hát ở Trường Sa

  • 08:34 | Thứ Sáu, 09/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hôm qua em đến trường...
các em học sinh hát
nghe ở Trường Sa mà như nghe ở làng quê sông Hồng, sông Hậu
tiếng hát bi bô sóng
bi bô đá
như dây leo xoắn cột mốc chủ quyền
lũ én đảo nghiêng tai ríu rít
 
Trường Sa ơi
Trường Sa bây giờ không chỉ ra-đa và súng
Trường Sa đang sinh sôi tiếng trẻ học bài
gì sâu hơn mắt trẻ thơ ngơ ngác
xoe tròn trước đại dương xanh
 
Các em sinh ra ở đảo
như cây phong ba, như gốc bàng vuông
có tiếng hát các em
Trường Sa bỗng cao hơn
ở Trường Sa
 
tiếng trẻ bổng trầm hát theo cô trong lớp
lính đảo lắng nghe
như hồn Việt
gọi tên
                                                           
Ngô Minh
Minh họa: Đặng Minh Quý
Minh họa: Đặng Minh Quý
Lời bình :
 
“Nghe trẻ hát ở Trường Sa” là bài thơ có tứ thơ hay của nhà thơ Ngô Minh đã được tặng giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Báo Vietnamnet đồng tổ chức năm 2015. Bài thơ viết rất giản dị về một câu chuyện thường ngày ở đảo Trường Sa nhưng có sức khái quát lan tỏa lớn lao bởi sự chân thực cảm động sâu sắc.
 
Viết về một chủ đề lớn khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nhà thơ đã chọn một chi tiết đặc sắc đó là các em học sinh đến lớp học bài và hát: “Hôm qua em đến trường...”. Đây là lời mở đầu cho bài hát “Đi học” của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, phổ thơ Minh Chính khá quen thuộc với giai điệu tươi tắn, reo vui của các em học sinh vùng cao đến trường qua bao đồi nương, ruộng lúa, qua bao con suối hương rừng.
 
Ở đây nhà thơ chỉ điểm danh hai con sông sông Hồng (đồng bằng Bắc Bộ) và sông Hậu (đồng bằng sông Cửu Long): “Nghe ở Trường Sa mà như nghe ở làng quê sông Hồng, sông Hậu”, đã cho một hình ảnh Tổ quốc thu nhỏ ở đây: Miền núi, đồng bằng và ra tận hải đảo xa xôi.
 
Nhà thơ như hóa thân thành trẻ nhỏ, đồng hành và đồng cảm, đồng điệu với các em trrong tiếng hát bi bô. “Bi bô” như những tiết học tập đánh vần, bi bô thật hồn nhiên, bi bô thật trong trẻo lại hòa trong tiếng sóng âm vang tạo ra một hòa điệu ngân vọng thiết tha.
 
Ông đã sử dụng hình tượng so sánh giữa cái hồn nhiên ngây thơ vút lên: “Tiếng hát bi bô sóng/bi bô đá” như là một sự đối  lập tương phản chênh vênh cao thấp giữa thiên nhiên khắc nghiệt với trong veo mỏng mảnh trong suốt tinh khiết tiếng hát của trẻ thơ.
 
Nhưng chính những câu hát đó: “Như dây leo xoắn cột mốc...”. Một hình tượng so sánh tài hoa độc đáo giàu sức sống, sự sống bền bỉ và can trường hòa với âm thanh: “Lũ én đảo nghiêng tai ríu rít”. Một hòa đồng thiên nhiên cộng hưởng, một sum vầy, một yêu mến, một quấn quýt, một tôn vinh, tất cả ngân vang giai điệu trữ tình mà vô cùng tự hào thiêng liêng: “Trường Sa ơi”.
 
Đó là cao trào của tiếng gọi một ngân vọng, một dư âm, một lan xa và như một thông điệp hòa bình của khát khao hòa bình: “Trường Sa bây giờ không chỉ ra-đa và súng/Trường Sa đang sinh sôi tiếng trẻ học bài/ gì sâu hơn mắt trẻ thơ ngơ ngác/xoe tròn trước đại dương xanh”.
 
Các hình ảnh tương phản chiếu dọi cứ lấp lánh, cứ thăm thẳm, cứ bất ngờ đan xen nhau làm nổi bật sức sống trường tồn: “Các em sinh ra ở đảo/như cây phong ba, như gốc bàng vuông”. Sự vững chãi đó chính là cội nguồn, mạch nguồn vun đúc từ mầm cây sự sống, từ tiếng hát trẻ thơ, từ hồn Việt ngàn đời.
 
Ở đây, tôi rất thích hình ảnh “Trường Sa bỗng cao hơn” bởi cột mốc chủ quyền không chỉ xây bằng xi-măng cốt thép mà còn xây bằng tình yêu đất nước hun đúc ý chí, hun đúc tinh thần, hun đúc tình cảm từ: “Tiếng trẻ bổng trầm hát theo cô trong lớp/lính đảo lắng nghe/như hồn Việt/gọi tên”. Và lớp học bên bờ sóng trên đảo Trường Sa cũng chính là một cột mốc trường tồn cùng đất nước, và Tổ quốc bắt đầu ở đây, từ: “Nghe trẻ hát ở Trường Sa”.
 
Nguyễn Ngọc Phú

tin liên quan

Nâng niu ký ức

(QBĐT) - Miệt mài lưu giữ những cuốn sách, hình ảnh, câu chuyện về Bố Trạch anh hùng, trong đó có quê hương Cự Nẫm, đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Phi (SN 1941) đã có một "gia tài" nho nhỏ.

Chủ tịch nước biểu dương du học sinh dịch 'Truyện Kiều' sang tiếng Anh

Chủ tịch nước mong muốn Nguyễn Bình tiếp tục học tập, nghiên cứu, có nhiều tác phẩm hay, có giá trị, đóng góp cho nền văn học nước nhà cũng như tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Lời ru của mẹ

(QBĐT) - Đang nằm trên võng
đung đưa
Bỗng nghe tiếng mẹ
ngày xưa vọng về