Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể

  • 07:44 | Thứ Hai, 12/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) được tỉnh Quảng Bình đặc biệt chú trọng. Mỗi DSVHPVT đều mang sắc thái riêng, thể hiện bản sắc đặc trưng của mỗi vùng miền, từng cộng đồng dân cư. Đây chính là tiềm năng góp phần phát triển du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) cho biết: Trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị các DSVHPVT, sở đã triển khai nhiệm vụ khoa học-công nghệ (KH-CN): “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT được UNESCO đưa vào danh mục các DSVHPVT đại diện của nhân loại và được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.
 
Mục tiêu nghiên cứu của nhiệm vụ nhằm phân tích, đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền và cộng đồng trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT tiêu biểu; nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò, giá trị của các DSVHPVT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để Sở VH-TT tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT tiêu biểu trên địa bàn.
 
Đến nay, Quảng Bình có 2 DSVHPVT được UNESCO đưa vào danh mục các DSVHPVT đại diện của nhân loại, gồm: Hát ca trù của người Việt (còn có tên gọi khác là hát nhà trò, hát ả đào), nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam (tại Quảng Bình gọi là chơi bài chòi). 7 DSVHPVT được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, gồm: Hò khoan Lệ Thủy; lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang; lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch (Bố Trạch); hò thuốc cá huyện Minh Hóa; lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ (Quảng Ninh và TP. Đồng Hới); lễ hội trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh); lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển Quảng Bình.
Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ thuộc huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới là 1 trong 7 DSVHPVT quốc gia của Quảng Bình.
Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ thuộc huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới là 1 trong 7 DSVHPVT quốc gia của Quảng Bình.

Quảng Bình là địa phương duy nhất trong các tỉnh ven biển ở Việt Nam có lễ hội cầu ngư được tổ chức quanh năm. Đây là một trong những lễ hội độc đáo, hấp dẫn được người dân vùng biển của nhiều địa phương tổ chức, gồm: huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới, thu hút người xem, nhất là du khách bốn phương khi đến với Quảng Bình.

Ý nghĩa và các nghi thức diễn tế của lễ hội cầu ngư truyền thống không thay đổi và các nghi thức quan trọng vẫn được duy trì, là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo mang tính vùng miền, góp phần tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch Quảng Bình tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Vì vậy, rất cần thiết có các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT nói chung và lễ hội cầu ngư nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng chia sẻ: “Để hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống, trong đó có CLB văn hóa dân gian xã Nhân Trạch, duy trì và phát huy hiệu quả lễ hội cầu ngư, huyện đã trích kinh phí hỗ trợ thường xuyên hàng năm 10 triệu đồng/CLB; đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức các hội diễn không chuyên, hội thi, cuộc thi, chương trình giao lưu và mở lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nhằm tạo sân chơi để các CLB, nghệ nhân học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn. Các địa phương trên địa bàn huyện có các CLB cũng tạo điều kiện, hỗ trợ về trang thiết bị, địa điểm tập luyện, sinh hoạt cho các thành viên CLB, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương”.

Lễ hội trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn là một trong các DSVHPVT tiêu biểu ở Quảng Bình được tổ chức với ý nghĩa sâu sắc: Đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra trỉa và cầu mong thần lúa, thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở, chắc hạt nặng bông để đồng bào có ngày thu hoạch bội thu. Lễ hội trỉa lúa từ xưa đến nay thường được tổ chức vào trung tuần tháng 7 âm lịch.
 
Khi nhắc đến lễ hội trỉa lúa, anh Hồ Văn Vưa, ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) cho hay, lễ hội vừa tạo điều kiện để đồng bào được sinh hoạt theo cộng đồng làng xã, vừa tạo động lực bà con nỗ lực phát triển kinh tế, mang lại sự ấm no. Anh Vưa cũng cho biết, gia đình anh gieo 4 sào lúa, mỗi năm thu hoạch được chừng 1,6 tấn lúa và tích trữ để sử dụng dần...
 
“Các DSVHPVT nói chung, các DSVHPVT tiêu biểu nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khá phong phú, khẳng định các giá trị bền vững của bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước, vì vậy rất cần được bảo tồn, phát huy”, Phó Giám đốc Sở VH-TT Mai Xuân Thành nhấn mạnh thêm.
Hương Trà

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Trong bài viết "Dòng sông thiêng", nhà văn Nguyễn Hữu Quý cho rằng: "Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh"...
 

Mỹ thuật Quảng Bình: Nhìn lại và đi tới

(QBĐT) - Quảng Bình là quê hương của không ít nghệ sĩ tạo hình có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Tuần phim Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định tổ chức Tuần phim "Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022)".