icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

V-League chờ công nghệ VAR

  • 12:24 | Thứ Tư, 20/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Dù mới chỉ trải qua 7 vòng đấu nhưng V-League 2022 đã xảy ra nhiều sự cố liên tiếp liên quan đến công tác trọng tài, khiến các đội bóng rất bức xúc. Ngày càng có nhiều trọng tài mắc sai sót, từ lỗi nhận định đến lỗi kỹ thuật ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. V-League 2022 mới trở lại, nhưng liên tiếp vòng 5 và 6 đều chứng kiến sai lầm của các trọng tài. Sự thiếu vắng công nghệ VAR khiến các tình huống chỉ biết phụ thuộc vào trọng tài mà không phải lúc nào trọng tài cũng đúng, nhất là sự cố gây tranh cãi ở các trận cầu đinh có tính chất quyết định đến thứ hạng của các đội.
Trọng tài Ngọc Châu có tình huống xử lý sai lầm trong trận Sài Gòn FC và Topenland Bình Ðịnh. (Ảnh QUANG THỊNH)
Trọng tài Ngọc Châu có tình huống xử lý sai lầm trong trận Sài Gòn FC và Topenland Bình Ðịnh. (Ảnh QUANG THỊNH)
Có thể kể đến những cuộc đọ sức giữa hai đội Hải Phòng-Nam Ðịnh tại vòng 2, Becamex Bình Dương-Hải Phòng tại vòng 4, Viettel-Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại vòng 5, Ðông Á Thanh Hóa-Nam Ðịnh, Sài Gòn FC-Topenland Bình Ðịnh ở vòng 6 đều chứng kiến các pha xử lý thiếu chính xác.
 
Khi thì trọng tài từ chối bàn thắng sau khi xem màn hình LED; khi thì thổi phạt đền “tưởng tượng”; khi thì không theo kịp tình huống nhưng “may mắn” quyết định đúng. Cá biệt trọng tài Ngọc Châu đã công nhận bàn thắng ghi bằng tay của Xuân Nam tại vòng 6 vừa qua.
 
Trưởng Ban trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Văn Hiền đã lý giải về các lỗi này: “Trong quyết định thổi phạt 11m đội Thanh Hóa, trọng tài sẽ không tính thời điểm tranh chấp bóng mà tính điểm kết thúc pha phạm lỗi, do đó quyết định của trọng tài chính Trần Văn Lập đưa ra là hoàn toàn chính xác sau khi tham khảo ý kiến của trợ lý trọng tài có vị trí quan sát thuận lợi hơn”. Về tình huống công nhận bàn thắng ghi bằng tay của Nguyễn Xuân Nam trong trận đấu Sài Gòn FC-Topenland Bình Ðịnh, ông Dương Văn Hiền nói: “Pha bóng diễn tiến nhanh, trọng tài chính Nguyễn Ngọc Châu đã không theo kịp tình huống và đã có quyết định sai lầm khi công nhận bàn thắng. Mặc dù tình huống này trọng tài cũng đã có trao đổi qua bộ đàm cùng với trợ lý, tuy nhiên trợ lý trọng tài cũng ở vị trí xa, khó quan sát. Ðối với sai lầm của trọng tài chính Nguyễn Ngọc Châu, Ban trọng tài chắc chắn sẽ có hình thức xử lý kỷ luật”.
 
Tình huống ở vòng 5 V-League 2022 trận Viettel-Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, bóng bật chân Geovane đi qua vạch vôi giới hạn cầu môn Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trước lúc được một hậu vệ phá ra. Trong vai trò trợ lý trọng tài 2, ông Ngô Quốc Toản đã mắc lỗi nặng khi không theo kịp diễn biến trận đấu, không phất cờ tình huống việt vị rất rõ của Geovane và không nhận định được tình huống bóng đã qua vạch vôi giới hạn cầu môn hay chưa. Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền khẳng định, trợ lý trọng tài Ngô Quốc Toản đã mắc lỗi sai nghiêm trọng ở trận Viettel-Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và sẽ phải nhận án phạt nặng.
 
Thực tế đã chỉ ra rằng, Ban trọng tài VFF hầu như chưa có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trọng tài sai liên tiếp, sai nghiêm trọng ở nhiều mùa giải vừa qua. Không chỉ trọng tài trẻ mà ngay cả một số trọng tài đã có nhiều kinh nghiệm cũng mắc lỗi.
 
Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban tổ chức V-League đều mong chờ công nghệ VAR. Nhưng để đưa VAR về Việt Nam và vận hành công nghệ này luôn là bài toán khó. Chưa bàn về góc độ tài chính, nhân sự để vận hành VAR là điều mà bóng đá Việt Nam không thể đáp ứng ở thời điểm này.
 
Ðể FIFA đồng ý áp dụng VAR, Việt Nam cần bảo đảm 100 trọng tài được đi học chuyên sâu. Nhưng không phải cứ đi học là sẽ đạt yêu cầu. Ở khu vực Ðông Nam Á, số trọng tài đạt tiêu chuẩn của FIFA để điều hành phòng VAR chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt.
 
Thực tế, VPF vẫn nỗ lực để đưa VAR vào áp dụng tại V-League. Nhưng số tiền để đầu tư lắp đặt VAR quá lớn. Trước mùa giải 2019, phương án sử dụng VAR từng được lên một cách chi tiết. VPF sẽ mua thiết bị vận hành từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, thiết bị được lắp đặt trên các xe lưu động để di chuyển linh hoạt đến các sân tùy theo lịch thi đấu.
 
Nhưng kể cả có áp dụng phương pháp này, chi phí vẫn rất lớn. Mỗi trận, VAR sẽ tiêu tốn khoảng 4 tỷ đồng chi phí vận hành. Chỉ cần áp dụng cho một đến hai trận đấu mỗi vòng, số tiền chi cho cả mùa giải lập tức sẽ tăng lên hơn 100 tỷ đồng. VAR là bài toán khó vào lúc này.
Theo Thùy Trang (Nhân dân)

tin liên quan

Đại hội thể thao châu Á ASIAD 19 ấn định thời điểm tổ chức

Ban đầu, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc, ASIAD phải hoãn lại tới tháng 9/2023.

AFC công bố danh sách các nước chạy đua đăng cai Asian Cup 2023

Ngày 18/7, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã chính thức thông báo danh sách các nước đăng ký làm chủ nhà Asian Cup 2023, sau khi Trung Quốc rút lui với lý do chính sách "Không COVID" mà nước này theo đuổi sẽ khiến việc tổ chức các sự kiện thể thao trở thành thách thức lớn.

Hạ Thái Lan, Philippines lần đầu vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á

Đội tuyển bóng đá nữ Philippines đã lần đầu tiên giành được chức vô địch Đông Nam Á sau khi có chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan 3-0 ở chung kết.