Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trung Quốc gieo mưa nhân tạo để ứng phó với hạn hán

  • 07:49 | Thứ Hai, 22/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ vụ mùa trước đợt hạn hán kỷ lục bằng phương pháp gieo mưa nhân tạo.
Đập Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 8/2021. Ảnh: Shutterstock
Đập Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 8/2021. Ảnh: Shutterstock
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện cho biết giới chức sẽ cố gắng tăng lượng mưa bằng cách rải hoá chất vào các đám mây và phun chất giữ nước trên đồng lúa để hạn chế bốc hơi, ngăn hậu quả của hạn hán kéo dài đối với vụ mùa. Tuy nhiên, giới chức không nêu rõ sẽ thực hiện biện pháp này ở địa phương nào.
 
Ông Đường Nhân Kiện cho rằng 10 ngày tới là “giai đoạn then chốt để ứng phó với thiệt hại” cho vụ lúa mùa thu ở miền nam nước này. Giới chức sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo thu hoạch vụ thu, chiếm tới 75% tổng sản lượng lúa hàng năm của cả nước.
 
Trung Quốc đang trải qua mùa hè nóng nhất, khô hạn nhất trong 61 năm trở lại đây. Hạn hán đã đe doạ mùa màng, khiến cây cối héo úa, các hồ chứa chỉ còn lượng nước bằng một nửa bình thường. Trong khi đó, vào tuần trước, nhiều nhà máy ở tỉnh Tứ Xuyên đã phải đóng cửa tiết kiệm điện để phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, nhiệt độ ở nhiều nơi lên tới 45 độ C.
 
Các nhà máy ở Tứ Xuyên cũng đang chờ chỉ thị tiếp theo từ chính quyền về khả năng kéo dài lệnh đóng cửa. Một văn bản lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin Tứ Xuyên dự tính gia hạn chỉ thị đến giữa tuần sau, song chính quyền địa phương chưa đưa ra thông báo chính thức.
Lớp đất khô trên cánh đồng lúa ở ngoại ô Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 21/8. Ảnh: AP
Lớp đất khô trên cánh đồng lúa ở ngoại ô Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 21/8. Ảnh: AP
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên và Hồ Bắc cho biết hàng nghìn hecta cây trồng đã mất trắng và hàng triệu người dân đang phải chịu thiệt hại vì hạn hán. Sản lượng lúa thấp của Trung Quốc sẽ có thể có tác động lớn đến toàn cầu. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu, làm tăng thêm áp lực lên lạm phát ở Mỹ và châu Âu, vốn đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
 
Vào hôm 20/8, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán và cho biết giới chức sẽ hỗ trợ ngân sách cho người dân đối phó với thiên tai.
 
Chính quyền Tứ Xuyên cho biết 819.000 cư dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh này cũng thiếu điện nghiệm trọng vì 80% năng lượng phụ thuộc vào các đập thuỷ điện.  Các văn phòng và trung tâm mua sắm ở tỉnh được yêu cầu tắt đèn và điều hòa nhiệt độ. Tàu điện ngầm ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên , cho biết họ đã tắt hàng nghìn chiếc đèn ở các nhà ga.
 
Trong khi đó, các khu vực khác đã hứng chịu tình trạng lũ quét nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cho biết mưa lũ ở tỉnh Thanh Hải, tây bắc nước này, đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và 5 người mất tích. Theo các bản tin phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, lở đất và lũ quét đã tấn công 6 ngôi làng ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Khoảng 1.500 người đã phải rời khỏi nhà của họ.
 
Theo Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo AP)
 

tin liên quan

Nông sản Nga và khả năng thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực vào năm 2023

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, phân bón và lương thực của Nga phải đến được với các thị trường thế giới, nếu không cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể sớm xảy ra vào năm tới.
 

Tổng thống Nga điện đàm với người đồng cấp Pháp về tình hình Ukraine

Tổng thống Nga Putin cho rằng hàng loạt vụ pháo kích có hệ thống vào khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể gây ra "thảm họa quy mô lớn," kéo theo nguy cơ ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng.
 

Việt Nam bàn về các ưu tiên quốc gia với tân Chủ tịch Đại hội đồng LHQ

Làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực đóng góp nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự chung của cộng đồng quốc tế.