Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

LHQ và IMF kêu gọi nhanh chóng giải quyết khủng hoảng lương thực

  • 15:02 | Thứ Năm, 19/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chỉ trong hai năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi - từ 135 triệu người hồi trước đại dịch COVID-19 lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay.
Lúa mỳ được chở tới bán tại một chợ ở ngoại ô Amritsar (Ấn Độ) ngày 16/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lúa mỳ được chở tới bán tại một chợ ở ngoại ô Amritsar (Ấn Độ) ngày 16/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 18/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói kéo dài nhiều năm nếu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay không được giải quyết.
 
Phát biểu tại hội nghị về an ninh lương thực do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì diễn ra tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Guterres cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do tình trạng Trái Đất nóng lên và đại dịch COVID-19.
 
Chỉ trong hai năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi - từ 135 triệu người hồi trước đại dịch lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.
 
Hiện những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày càng "khuếch đại" và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và bất bình đẳng.
 
Điều này đồng nghĩa hàng chục triệu người sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, kéo theo là tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói hàng loạt trong một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm.
 
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng, Tổng Thư ký Guterres cho biết đang tăng cường tiếp xúc chặt chẽ với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
 
Theo ông, các tác động phức tạp về an ninh, kinh tế và tài chính của cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi thiện chí giải quyết của tất cả các bên.
 
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh không có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực mà không khôi phục mối liên kết giữa thế giới với hoạt động sản xuất lương thực của Ukraine.
 
Ông kêu gọi Nga tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc an toàn tại các cảng của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh thực phẩm và phân bón của Nga "phải được tiếp cận đầy đủ và không hạn chế với các thị trường thế giới."
 
Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cho biết ước tính hiện có khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc đang tồn kho ở Ukraine cần được xuất khẩu.
 
Ông cho rằng Nga cần tạo ra các hành lang để thực phẩm và các nguồn cung cấp thiết yếu khác có thể được vận chuyển khỏi Ukraine một cách an toàn bằng đường bộ hoặc đường biển.
 
Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine được ví như "rổ bánh mỳ" của thế giới, xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng của nước này - chiếm 12% nguồn lúa mỳ, 15% ngô và 50% dầu hướng dương của thế giới.
 
Do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, các cảng biển ở Ukraine như Odessa hay Chornomorsk đều bị đình trệ hoạt động. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp phân bón và khí đốt quan trọng hàng đầu thế giới.
 
Xung đột và các lệnh trừng phạt kinh tế do các nước phương Tây áp đặt nhằm vào Nga đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mỳ và các mặt hàng khác của cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
 
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng để giải quyết khủng hoảng lương thực.
 
Trong tuyên bố của mình, bà Georgieva cho biết cuộc xung đột đã tạo ra "một cuộc khủng hoảng chồng khủng hoảng" trên phạm vi toàn cầu khi các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và giá thực phẩm, năng lượng và phân bón tăng phi mã.
 
Những áp lực này xảy ra vào thời điểm tài chính công của các quốc gia đang gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 và gánh nặng nợ nần chồng chất.
 
Bà cảnh báo với tình trạng lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, lưu ý nạn đói thường gây ra bất ổn xã hội và bạo lực.
 
Bà nêu rõ nhìn từ cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008, bài học kinh nghiệm rút ra là cộng đồng quốc tế cần hành động phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách duy trì thương mại mở, hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đảm bảo nguồn cung nông sản và giải quyết các áp lực về tài chính.
Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa (Yemen). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa (Yemen). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người đứng đầu IMF đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh thể chế tài chính này và một số tổ chức tài chính quốc tế khác đã công bố kế hoạch hành động chung nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
 
Sau hội nghị "Giải quyết vấn đề an ninh lương thực: Những thách thức và lời kêu gọi hành động" quy tụ các thể chế tài chính quốc tế và các nhà lãnh đạo toàn cầu do Bộ Tài chính Mỹ tổ chức vào ngày 19/4 vừa qua, IMF, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), WB và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã nhất trí hợp tác cùng nhau để xây dựng một kế hoạch hành động chung nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
 
Theo kế hoạch mới được công bố, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ theo đuổi các hành động nhằm đẩy mạnh, tăng cường và mở rộng quy mô chương trình theo sáu mục tiêu ưu tiên: hỗ trợ những người dễ bị tổn thương; thúc đẩy thương mại mở; giảm thiểu tình trạng thiếu phân bón; hỗ trợ sản xuất lương thực; đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu cho tương lai; và phối hợp để những nỗ lực này phát huy hiệu quả tối đa./.
 
Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

EC công bố kế hoạch chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu Nga vào năm 2027

Ngày 18/5, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro để Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga, tiếp đó tiến tới chuyển đổi nhanh hơn sang sử dụng năng lượng sạch.
 

Tổng thống Putin cảnh báo EU tẩy chay dầu khí Nga là 'đòn tự sát kinh tế'

Tổng thống Putin cho biết việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ là bất khả thi đối với một số quốc gia châu Âu phụ thuộc, sau khi EU không đạt được đồng thuận để áp đặt biện pháp này.
 

LHQ thảo luận hoạt động gìn giữ hòa bình với Bộ Quốc phòng Việt Nam

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam là nước đóng góp quân thường xuyên và tiếp tục mở rộng lực lượng, loại hình đơn vị tại các địa bàn phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.