(QBĐT) - Vì nghề nghiệp, nên đã nhiều lần tôi lên với hang Tám Thanh niên xung phong (TNXP) giữa rừng Trường Sơn xa xôi. Thật kỳ lạ, là cũng bụi chuối đó, cũng cái hang nằm phía dưới đoạn đường gồ ghề bước thấp bước cao trên đá, cũng ngọn gió rừng thoảng màu xanh vời vợi đã bao lần thấy đó thôi… nhưng sao mỗi lần đặt chân tới đây tôi đều cảm thấy có gì đó luôn mới mẻ.
Có khi tôi tự lục vấn là vì sao như vậy nhỉ? Kể từ chuyến lên hang Tám TNXP đầu tiên vào mùa hè năm 2003, nghĩa là đến bây giờ đã gần 20 năm tròn rồi, đến nay, tôi vẫn chưa giải đáp hay cắt nghĩa được vì sao? Như buổi chiều nay, sau khi vượt hết 16km chặng đường rừng ngoằn ngoèo, kể từ km số 0 của đường 20-Quyết Thắng ở gần cơ quan Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tôi lại thẫn thờ đứng trước hang Tám TNXP. Tôi dõi theo làn gió rừng bao nhiêu năm tuổi vẫn từng đợt ào ạt băng qua thung núi sâu trước hang, băng qua triền đồi nở đầy hoa lau trắng ngày đầu đông.
Lau trắng vẫn trinh nguyên dào lên từng đợt như sóng. Tôi ngỡ như trước mắt mình là sóng biển và sóng núi. Sóng biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và Hải Hậu (Nam Định) hay từ những miền quê biển khác xa ngái đang triền miên vỗ về bên dốc núi xanh Trường Sơn. Gió từ sống núi Sơn Dương (Tuyên Quang), Cam Đường (Lào Cai), Vị Xuyên (Hà Giang) hay từ những vùng quê yên ả khác cũng đang vỗ về những triền núi đá điệp trùng Trường Sơn… nơi các chị các anh nằm lại...
20 năm trước, tháng 11/2003, lần đầu tôi lên với hang Tám TNXP, khi TP. Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng 42 căn nhà định cư mới cho đồng bào Arem ở xã Tân Trạch (Bố Trạch) tại Km39 giữa đại ngàn Trường Sơn. Cảnh sắc ngày xưa nay không còn nữa. Con đường 20-Quyết Thắng 20 năm trước là con đường nhổn đá hộc, đầy ổ trâu, ổ bò, lầy lội bây giờ đã là mặt nhựa phẳng và rộng rãi. Chỉ có điều vẫn giống với hồi tôi đi là nay vẫn những rặng núi xanh ngát, những rừng cây tươi tốt bội phần hơn.
Tôi còn nhớ mãi hồi ấy, con đường 20 từ ngã ba Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) lên hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch là sự thử thách với biết bao người. Thử thách, bởi suốt chặng dài gần 30km từ Trạ Ang lên hang Tám TNXP đến xã Tân Trạch, Thượng Trạch không có một nóc nhà nào. Có khi đi hàng tiếng đồng hồ vẫn không bắt gặp một người nào lai vãng trên đường. Đã vậy, mặt đường thì vất vả lắm mới có thể tìm ra được từ ngữ phù hợp để miêu tả sự… xấu của nó.
Tôi nhớ là trước khi đi lên bản mới của đồng bào Arem, tôi đã vào chợ Đồng Hới mua một cái bơm, một bộ cạy lốp xe máy và đầy đủ đồ vá săm để phòng ngừa bị thủng lốp. Chặng đường vừa xa vừa xấu, ít người qua lại, lại ngược nhiều dốc lớn nên ngoài đổ đầy bình xăng ra, tôi còn chuẩn bị thêm một can xăng 2 lít nữa. Tôi cũng biết trên đường lên đó sẽ ngang qua hang Tám TNXP. Vì vậy, tôi mua một cái lược, một cái gương đặt vào hang cho các chị và chai nước lọc, mấy phong lương khô phòng hư hỏng xe phải nằm lại trên đường...
Đến hang Tám TNXP. Ngày ấy, hang đang còn hoang sơ lắm, nhưng trước đó không lâu, các chị, các anh hy sinh trong hang đã được tỉnh bốc chuyển hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Thọ Lộc. Tôi một mình leo lên triền đá, bước qua đám lá rừng rụng đầy cửa hang, kính cẩn đặt gương lược, thêm phong lương khô và chai nước lọc lên gờ đá giữa hang. Rừng u tịch quá.
Tôi nói lên lòng biết ơn sự hy sinh của các chị, các anh, cũng không quên cầu mong các chị, các anh cho tôi được bình an đi trọn vẹn chặng đường khó khăn phía trước nữa. Như thấu hiểu lòng tôi, nên dù chặng đường gần 30km mặt đường toàn đá hộc, đèo dốc lên xuống liên tục, xe luôn phải cài số 1, số 2… nhưng sau gần bốn tiếng đồng hồ thì chiếc xe máy Trung Quốc tòng tọc của tôi cũng đến Km39 bình an. Lấy tài liệu viết bài xong, khi chuẩn bị xuôi về, kiểm tra xăng thì trong bình chỉ còn một ít lóng lánh dưới đáy. Tôi phải xin xăng của mấy anh tài xế xe vận tải chở vật liệu lên làm nhà cho đồng bào Arem mới đủ quay về.
Chiều trở về xe phần lớn xuôi dốc nên tôi đi được khá nhanh. Tới hang Tám TNXP đã gần 13 giờ. Tôi ghé vào hang, kính cẩn cảm ơn các chị các anh đã cho tôi được bình an và thông suốt chuyến đi. Rừng trưa, hang nhỏ u tịch và yên ắng đến lạ lùng. Không hiểu sao, dù một mình giữa chốn hoang vu như vậy, tôi vẫn thấy mình vững tâm, không có một cảm giác sợ hãi nào. Khi tôi đang nói lời cảm ơn với các chị, các anh đã phù hộ độ trì cho mình được trở về bình an, thì một chiếc lá từ trên cao bỗng rơi xượt xuống bên người tôi, rồi nằm lặng lẽ bên gờ đá, nơi có chiếc lư hương nhỏ trong hang. Có lẽ, các chị, các anh đã chứng cho tấm lòng thành của tôi.
Chuyến đi ấy tôi cũng đã cố ý đến địa điểm nơi chị y tá Nguyễn Thị Sặng (Thanh Hóa) hy sinh để được nghiêng mình biết ơn chị, nhưng không tìm được. Vì 20 năm trước trên đường 20-Quyết Thắng chưa có nhà bia tưởng niệm chị ở hang Y tá. Đến năm 2016, trong một chuyến lên xã Tân Trạch, Thượng Trạch nữa, tôi mới thắp được cho chị một nén tâm hương trong nhà bia tưởng niệm chị ở bên đường, gọi là hang Y tá, do tỉnh Quảng Bình xây dựng vào năm 2011 ở Km18 đường 20-Quyết Thắng.
Tháng 11. Những bông hoa lau đã nở trắng cả triền rừng, dào dạt theo từng đợt gió như bờm của đàn ngựa trắng đang mải miết phi qua từng cánh rừng Trường Sơn ngan ngát xanh.
Sau năm 2003 kể từ chuyến đi đầu tiên ngược đường 20 lên xã Tân Trạch bằng xe máy đó, vì công việc nên tôi có thêm nhiều lần lên với hang Tám TNXP nữa. Chẳng hiểu thế nào mà mỗi lần đặt chân lên vùng rừng này là y như rằng tôi cứ thấy mình vương vấn mãi với con số 20.
Chiều nay, như mỗi lần nào trước đó khi đến với hang Tám TNXP, tôi lại chậm rãi đọc tấm bia ghi dấu thời gian và sự kiện về các chị, các anh dựng trang nghiêm trước đền tưởng niệm.
Tôi đọc và mường tượng, rồi suýt reo lên thành tiếng trước bao nhiêu người đang lặng lẽ thắp hương. Tôi nhớ là lần đầu mình đã không lên hang Tám TNXP bằng chặng đường khá dễ đi là từ điểm đầu của đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) có Km số 0 ở ngay trước trụ sở UBND xã Xuân Trạch, mà tôi đã chọn điểm đi bắt đầu từ Km số 0 của đường 20-Quyết Thắng, chặng đi khó khăn hơn hẳn so với đường Hồ Chí Minh.
Tôi kỹ càng cộng trừ năm 1972 với năm sinh của các chị, các anh, thì trong tám TNXP có ba người tuổi 20, hai người tuổi 19, hai người tuổi 18 và một người ở tuổi 25. Trong năm chiến sĩ pháo binh cùng hy sinh với tám anh chị TNXP ở hang Tám TNXP vì trận bom ngày 14/11/1972 ấy, có ba người tuổi 20, một người tuổi 19 và một người tuổi 18.
Như vậy, nghĩa là các chị, các anh mãi mãi tuổi 20 trên con đường 20-Quyết Thắng!
Tôi đứng trên cầu Trạ Ang nhìn xuống con suối sâu bên dưới. Một thời rừng trụi trơ ngút ngàn lửa cháy, lỗ chỗ hố bom ngày ấy bây giờ không còn lại dấu tích nào nữa. Sức sống bền bỉ, dẻo dai của rừng đã làm xanh lại những cánh rừng, bờ suối…
Bên cạnh các chị, các anh nằm lại ở hang Tám TNXP, hang Y tá còn biết bao các chị, các anh khác cũng mãi mãi nằm lại với rừng Trường Sơn ở tuổi đôi mươi.
(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.
(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.
(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.