Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mùa sim chín

  • 07:43 | Chủ Nhật, 31/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.
 
Những đồi sim tím lịm
 
Về thôn Sao Sa (xã Nam Trạch, Bố Trạch) những ngày tháng 7, con đường lên vườn sim Đồng Dụ uốn lượn giữa rừng cây xanh tốt mang lại cảm giác bình yên đến lạ. Chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thị Mai, chủ vườn sim đi tham quan khu vườn.
 
Chị Mai cho biết, vườn sim của gia đình chị có diện tích 2ha. Trước đây, trên diện tích đất này vợ chồng chị đã đầu tư trồng cao su, tuy nhiên, trải qua nhiều mùa mưa bão, cây cao su bị gãy đổ, tổn thất nhiều về kinh tế nên gia đình chị quyết định bỏ cao su chuyển sang trồng sim. Theo chị Mai, cây sim là loại cây thuộc dòng thân gỗ, tán lá phiến tròn, cây trưởng thành có chiều cao tầm 1m đổ lại, cây ít bị tác động bởi thiên tai, bão lụt, ít sâu bệnh… rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Quảng Bình.
 
Vườn sim của gia đình chị Mai đến nay đã được gần 5 năm tuổi. Vào cuối mùa xuân, từ khoảng tháng 3 (âm lịch) đến tháng 4 (âm lịch), cả đồi sim sẽ đua nhau khoe sắc hoa tím, trải dài bạt ngàn như những chiếc thảm tím mộng mơ.
 
“Hình như hoa sim có một sức hấp dẫn lớn đối với tất cả mọi người. Khi biết chỗ chúng tôi có vườn sim này, nhiều người đã đến tham quan, chụp hình trải nghiệm. Từ nhu cầu đó, chúng tôi dự định về lâu dài sẽ đầu tư thêm các dịch vụ, hướng đến làm điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm cho du khách tham quan”, chị Mai cho hay.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Sao Sa, xã Nam Trạch, Bố Trạch) thu hoạch vườn sim đang vào mùa chín rộ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Sao Sa, xã Nam Trạch, Bố Trạch) thu hoạch vườn sim đang vào mùa chín rộ.
Sau một mùa hoa rực rỡ, đồi sim bắt đầu kết trái, những trái sim chín tím lịm cả sườn đồi. Chúng tôi theo chị Nguyễn Thị Huế (người hái sim cho vườn chị Mai) len lỏi khắp khu vườn để hái sim. Những bụi sim tươi tốt, trĩu nặng bởi chi chít quả. Quả sim nhỏ bằng đầu ngón tay nhưng no nắng chín lúc lỉu trên cành. Hái một quả sim chín căng mọng để thưởng thức, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt, hơi chát… bồi hồi nhớ về tuổi thơ cùng lũ bạn rủ nhau lên đồi hái sim vô tư, hồn nhiên.
 
Trò chuyện với chúng tôi, chị Huế cho hay, sim sẽ chín rộ từ tháng 6 (âm lịch) đến tháng 8 (âm lịch). Thời điểm này, thời tiết thường nắng nóng cao điểm, sim sẽ chín rất nhanh và ngọt. Do đó để có thể thu hoạch được những quả sim chất lượng, chị Huế và các lao động khác bắt đầu công việc của mình từ lúc trời vừa sáng đến khoảng 10 giờ trưa thì nghỉ, chiều bắt đầu từ 14 giờ đến khi mặt trời tắt nắng.
 
“Mỗi người khi hái sẽ mang theo cái sọt đựng tầm 5kg sim. Cứ sau khoảng 60 phút thì chúng tôi hái đầy 1 sọt, mỗi ngày hái được khoảng 8 sọt/người. Mặc dù hái sim phải đứng giữa trời nắng nhưng mà rất vui, nhiều khi chúng tôi bị sự hấp dẫn của những trái sim lôi cuốn, quên cả thời gian”, chị Huế chia sẻ.
 
Góp phần tăng thu nhập cho người dân
 
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mai cho biết, so với trồng cao su thì việc trồng sim đỡ vất vả hơn, vì chỉ mất công tưới nước, cắt cỏ, không lo về sâu bệnh và tác động của thiên tai, bão lụt. Sau gần 5 năm trồng và chăm sóc, gia đình chị đã thu hoạch được vài lứa sim, tuy nhiên do thời điểm này có nhiều cây đang cho thu hoạch bói nên sản lượng chưa cao, chỉ đạt tầm 1,5 tấn/ha, với giá bán 30 nghìn đồng/kg, thu về 45 triệu đồng, lãi khoảng 30 triệu đồng. Bước sang năm 2022, vườn sim gia đình chị có năng suất dự kiến gấp đôi, thu lãi khoảng tầm 60 triệu đồng/ha.
 
Ngoài mang lại thu nhập cho gia đình, chị Mai còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số lao động địa phương nhờ việc hái sim. Cụ thể, trong suốt mùa sim chín từ tháng 6-tháng 8 (âm lịch), gia đình chị đã thuê 4 lao động phụ giúp hái sim, với mức tiền công 250 nghìn đồng/người/ngày.
 
Biết đến giá trị của cây sim, từ năm 2018, với sự hỗ trợ của Dự án SRDP, Hợp tác xã (HTX) rượu sim Chày Lập (khi đó là Tổ hợp tác rượu sim Chày Lập), xã Phúc Trạch đã khoanh nuôi, phát triển vườn sim tự nhiên thành vườn sim cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất rượu sim của HTX.
 
Chị Trần Thị Mai, Chủ nhiệm HTX rượu sim Chày Lập cho biết: “Từ những cây sim mọc tự nhiên, HTX đã cải tạo, trồng dặm lại để có khoảng cách phát triển hợp lý giữa các cây sim. Với mong muốn được thu hoạch những quả sim nguyên bản tự nhiên, chúng tôi vẫn để sim tự phát triển mà không bón phân, chăm sóc như những cây trồng khác. Cùng vì thế, năng suất sim sẽ không cao bằng so với những vùng sim được chăm bón nhưng đổi lại quả sim ngâm rượu có vị ngon hơn”. Cũng nhờ trồng sim, ngoài sự chủ động về nguyên liệu cung cấp cho việc sản xuất rượu của đơn vị, HTX còn thu được khoảng 100 triệu đồng/mùa, nhờ việc bán quả sim.
 Những quả sim tím lịm, là món quà của thiên nhiên, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Những quả sim tím lịm, là món quà của thiên nhiên, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Theo tính toán của những người trồng sim, bình quân mỗi ha sim cho sản lượng khoảng 30-40 tạ/ha, với giá sim từ 25-35 nghìn đồng/kg, người trồng sẽ thu về khoảng 75-120 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu trồng keo tràm trên cùng diện tích, sau 5 năm mới có nguồn thu khoảng 80 triệu đồng. Như vậy, nếu tính chu kỳ 5 năm, thì keo tràm mới thu hoạch được 1 lứa, trong khi trồng sim đã thu hoạch được 2-3 lứa, với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với trồng keo, lại không phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
 
Trước hiệu quả kinh tế như vậy, nhiều người dân trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung đã quyết định chuyển đổi những diện tích trồng keo tràm, cao su, những cây trồng vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng sim.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 hộ trồng sim, với diện tích gần 15ha, tập trung ở các xã: Nam Trạch, Tây Trạch, Mỹ Trạch và Phúc Trạch. Cây sim là loại cây dễ trồng, chống chịu tốt với biến đổi khí hậu. Từ quả sim, trên địa bàn huyện đã có HTX Sản xuất, kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng (xã Mỹ Trạch) sản xuất rượu sim đạt sản phẩm OCOP 3 sao, mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng như khai thác tốt điều kiện tự nhiên ở vùng đất này. Ngoài ra, quả sim còn làm nước siro giải khát, cây sim được trưng bày làm cây cảnh hay trồng những đồi sim bạt ngàn hoa tạo điểm check-in, chụp ảnh… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.
 
Lê Mai

tin liên quan

Trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn

(QBĐT) - Gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày chiến thắng 30/4/2975, nhưng với tôi, một cựu chiến binh của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) không bao giờ quên ký ức hào hùng của trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn năm xưa.

Có những ngày tháng tư như thế…

(QBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử 47 năm về trước như một cuốn phim tài liệu đặc biệt đang lần lượt quay trong tâm trí hàng triệu người con dân Việt, nhất là những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến giai đoạn lịch sử có một không hai đó... Và ngày 30/4, tiếng reo vui "Sài Gòn giải phóng rồi!" vỡ òa khắp 3 miền đất nước!

Thần tốc trồng cây, xây nhà chờ..."bắt vạ"?

(QBĐT) - Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Trạch vẫn ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào, trồng cây... chờ đền bù Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.