Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bình yên ở Cồn Roàng

  • 14:44 | Thứ Hai, 07/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cồn Roàng-Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình nhận nhiệm vụ quản lý bảo vệ 29km đường biên giới thuộc xã Thượng Trạch và xã Tân Trạch (Bố Trạch). Trung tá Hoàng Quang Hòa, Đồn trưởng Đồn BP Cồn Roàng nói với tôi rằng: Đồn đóng quân trên địa bàn hết sức đặc biệt, vừa là khu vực biên giới quốc gia lại thuộc vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tất cả đều cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Ở đây còn là nơi sinh sống của 325 hộ gia đình, 1.380 nhân khẩu, đa số là đồng bào Arem, Ma Coong dân tộc Bru-Vân Kiều. Vì vậy, không thể chỉ bảo vệ chủ quyền biên giới mà bỏ qua trách nhiệm đối với di sản, không thể chỉ xây dựng lực lượng mà quên giúp đỡ nhân dân. Mặc dù có nhiều biến động, trải qua nhiều cam go thử thách, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cồn Roàng đã giữ vững cốt cách, bản lĩnh của người lính, làm tròn nhiệm vụ "kép": bảo vệ bình yên chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ di sản và giúp đỡ nhân dân xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc.   
 
Công tác và chiến đấu trên địa bàn khá rộng, địa hình phức tạp, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đồn BP Cồn Roàng luôn coi các bản làng dọc theo biên giới là vọng gác tiền tiêu, đồng bào dân tộc thiểu số là những cột mốc sống, là lực lượng đặc biệt quan trọng giúp BĐBP bảo vệ biên giới.
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, BĐBP đã có nhiều biện pháp giúp đỡ thiết thực, như: Tập trung nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức, vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu, hướng dẫn đồng bào chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế.
(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cồn Roàng-Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình nhận nhiệm vụ quản lý bảo vệ 29km đường biên giới thuộc xã Thượng Trạch và xã Tân Trạch (Bố Trạch).
Tác giả với Đinh Vàn và Đinh Tự, con nuôi của Đồn BP Cồn Roàng.
Cán bộ, chiến sĩ của đồn thường xuyên xuống bản "3 bám, 4 cùng": Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng đồng bào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng bản làng no ấm, sạch đẹp. Năm 2022, đồn đã đóng góp gần 200 ngày công lao động giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, phòng, chống lụt bão, vệ sinh bản làng và làm đường giao thông nông thôn.
 
Nhân các dịp lễ, Tết trong năm, đồn phối hợp với các đoàn thiện nguyện tổ chức nhiều chương trình tặng quà cho đồng bào, tổng trị giá trên 100 triệu đồng, xây dựng “Cụm loa biên phòng” tại 6 bản với kinh phí 49 triệu đồng. Đặc biệt, đồn duy trì có hiệu quả chương trình “Nâng bước chân em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”.
 
Hiện nay, đồn đang nuôi dưỡng 5 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đinh Vàn và Đinh Tự là hai em trong số đó. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cồn Roàng đã đón Vàn và Tự về đồn từ hai năm nay. Hàng tháng, anh em cán bộ, chiến sĩ trích tiền lương hỗ trợ các em ăn học.
 
Đang ngày nghỉ, Vàn và Tự dẫn tôi về thăm nhà. Con đường về bản mùa mưa lầy lội bùn đất. Nhà của các em nằm ở lưng chừng đồi, nhỏ bé và tạm bợ. Trong nhà vắng vẻ, chẳng có gì ngoài những chiếc áo quần cũ vắt bên hiên và đôi ba chiếc nồi lạnh lẽo. Các em không nói gì nhưng tôi biết ngôi nhà này không còn hơi ấm. Rất may, trong cuộc đời này các em đã gặp được tấm lòng yêu thương, che chở của những người chiến sĩ.  
 
Để hiểu thêm vai trò của người lính BP trong đời sống đồng bào các tộc người trên địa bàn, chúng tôi sang thăm bản Cóc. Bản với những ngôi nhà sàn đơn sơ và bé nhỏ lọt giữa rừng, chỉ chưa đến 30 hộ với hơn 100 nhân khẩu là đồng bào Ma Coong. Người Ma Coong ít nói. Họ có thể lặng yên ở bên nhau rất lâu. Tôi gặp Đinh Hiềng ở đó. Sau rất nhiều lần bắt chuyện, em mới mở lời kể về bản thân và dân bản.
 
Hiềng nói rằng nếu không có Nhà nước giúp đỡ, không có BĐBP làm chỗ dựa thì đồng bào dân bản khó mà vượt qua rất nhiều gian khổ, nhất là trong những ngày mưa lũ. Trong câu chuyện của Hiềng và dân bản, hình ảnh người lính BP trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi gia đình đồng bào Ma Coong, A Rem ở xã Thượng Trạch, Tân Trạch. Bản làng sạch sẽ, con đường liên bản thoáng đãng, ánh điện sáng mỗi đêm về, sức khỏe mỗi người dân được quan tâm chăm sóc, lũ trẻ đến trường có sách vở đủ đầy… đều mang dấu ấn BĐBP.
 
Trung tá Hòa cũng cho biết, thời gian qua, Đồn BP Cồn Roàng đã tìm nhiều giải pháp tạo sinh kế cho đồng bào, như: Ủng hộ cây giống, con giống, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để đồng bào tự phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm bớt khó khăn, nhưng xem ra mục tiêu đồng bào tự túc lương thực chắc còn xa mới thực hiện được. Vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay là phải tìm mọi cách tạo sinh kế cho đồng bào khả thi và ổn định nhất, giúp đồng bào chủ động trong cuộc sống. Đó mới là con đường phát triển bền vững, thay vì chờ trợ cấp lương thực từ Nhà nước như lâu nay.
 
Bên cạnh xây dựng thành công thế trận BP toàn dân, Đồn BP Cồn Roàng đã triển khai hiệu quả các hoạt động BP khác, làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị, thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ; công tác sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn luôn được bảo đảm; các chế độ nền nếp sẵn sàng chiến đấu được duy trì nghiêm, công tác thông tin liên lạc phục vụ thực hiện nhiệm vụ thông suốt. Công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 đạt kết quả tốt.
 
Nhờ các hoạt động phối hợp đồng bộ đó, năm 2022, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn đồn phụ trách bảo đảm ổn định, đường biên, cột mốc được giữ vững, đời sống đồng bào dân tộc bình yên. Với Trung tá Hoàng Quang Hòa và cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cồn Roàng thành công đó là mục tiêu phấn đấu tối thượng của họ, không chỉ một năm mà là mãi mãi.
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Mùa sim chín

(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.