Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ
(QBĐT) - Đã từng có thời điểm, nghề sửa giày dép cũ rất thịnh hành, giúp nhiều người thợ có cuộc sống khấm khá. Thời gian dần trôi, cuộc sống hiện đại khiến nghề sửa giày dép cũng phai nhạt dần, chẳng còn mấy ai mặn mà, dồn hết tâm huyết với công việc này nữa. Nhưng ông Nguyễn Văn Lợi, người thợ sửa giày dép vẫn say mê với nghề đã chọn từ 30 năm trước.
Lang thang ở thành phố “hoa hồng”, tôi bắt gặp nơi góc phố nhỏ hình ảnh người đàn ông cặm cụi, đôi tay thoăn thoắt, miệt mài trau chuốt những chiếc giày, dép cũ. Hơn 30 năm gắn bó với nghề sửa giày dép, ông Nguyễn Văn Lợi, ở phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới là vị cứu tinh của những đôi giày, dép cũ, khiến chúng từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi lại có thể "hồi sinh".
"Tiệm" sửa giày dép cũ nhỏ của ông Nguyễn Văn Lợi (58 tuổi) nằm nép mình nơi góc phố. Dù chỉ với diện tích khiêm tốn, nằm trên vỉa hè đường Mẹ Suốt, phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới nhưng “tiệm” của ông Lợi vẫn đón không ít khách qua lại. Gọi “tiệm” cho sang nhưng thực chất chỉ là một góc nhỏ trên vỉa hè với đồ nghề chỉ có 1 chiếc thùng gỗ cũ kĩ đựng đủ thứ dụng cụ và tấm bảng hiệu do chính tay ông vẽ.
Vừa cặm cụi sửa giày cho khách, ông Lợi tâm sự: “Suốt 30 năm nay, tôi đã gắn bó với nghề sửa giày. Mỗi ngày, tôi sửa được khoảng 20 đến 30 đôi giày, dép, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhờ có công việc này, tôi có thu nhập ổn để nuôi 3 người con ăn học đầy đủ.”
Ông kể, ông bắt đầu bén duyên với công việc “cứu” giày, dép từ năm 1983, sau khi trở về từ quân đội. Thời đó, nghề sửa giày dép vẫn còn rất thịnh hành và nhiều khách lui tới. Đôi bàn tay ông Lợi trở nên thô ráp, sần sùi vì tiếp xúc với keo, kìm, đục lâu năm. Qua tháng năm thăng trầm với nghề, đôi bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề thao tác lại cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo, khi thì khâu vá, lúc lại dán đế giày, lúc quét xi đánh bóng, những đôi giày dép cũ từ đó khoác lên mình vẻ đẹp mới. Cứ như vậy, hết đôi này đến đôi khác, dù hỏng cỡ nào, ông cũng sửa lại một cách đẹp và mới hơn.
Theo ông Lợi, nghề này đòi hỏi sự chính xác cao, vì vậy, người thợ phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận vì chỉ cần sơ suất một chút sẽ làm hỏng giày, dép của khách. Sửa nhưng không được để lại một chút dấu tích nào nên người làm phải có tay nghề, thật chú tâm, trật một chút có khi “lợn lành thành lợn què”.
Suốt 30 năm nay, cứ đều đặn từ 6 giờ sáng, mọi người đã thấy ông Lợi ngồi nơi góc vỉa hè cặm cụi với những đôi giày cho đến khi phố lên đèn thì ông mới trở về nhà. Mưu sinh trên vỉa hè, trời nắng thì rất nóng, còn trời mưa tầm tã thì ướt hết cả. Tuổi tác càng cao, sức khỏe càng giảm, kèm với thời tiết khắc nghiệt đôi lúc làm ông ngã bệnh, ốm đau. Đôi lúc, mọi người không thấy tấm biển hiệu ở "tiệm" giày nhỏ treo lên mời khách, không thấy bóng dáng bé nhỏ cặm cụi khâu vá, đánh si. Thế nhưng, chỉ cần khoẻ trở lại, ông tiếp tục mở "tiệm". Dù khắc nghiệt thế nào, chưa bao giờ ông có ý định từ bỏ nghề.
“Tôi gắn bó với nghề này đến bây giờ vì làm nghề này tôi được gặp rất nhiều người. Mỗi người lại có một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng. Khách đến sửa đôi giày tiền triệu cũng có, đôi giày vài trăm nghìn của các cô cậu học sinh cũng có. Thậm chí, nhiều người đến hỏi giá sửa nhưng còn chần chừ vì hoàn cảnh khó khăn. Những lúc như thế, tôi cố gắng sửa mặc dù giày, dép đã quá cũ. Thông thường những trường hợp như vậy, cũng chỉ dán keo, khâu với giá 10.000 - 15.000 đồng nên tôi không lấy tiền. Về phần mình, làm được việc tốt nên tôi cũng cảm thấy vui vẻ hơn sau ngày dài mệt mỏi”, ông Lợi cười hiền chia sẻ.
Anh Nguyễn Thành Trung ở phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới là khách quen thường xuyên tới sửa giày ở “tiệm” của ông Lợi. Là người có thu nhập khá, đôi giày anh Trung đang mang có giá trị khá cao nhưng anh chỉ thích đến chỗ ông Lợi tân trang, đánh bóng đôi giày vì anh rất tin tưởng vào tay nghề của ông Lợi.
Anh Trung chia sẻ: “Ông Lợi có kĩ thuật sửa giày rất khác biệt so với nhiều người. Từng đường kim, mũi chỉ và cách làm rất tỉ mỉ, cẩn thận. Những câu chuyện về quá trình làm nghề trong suốt 30 năm của ông Lợi cũng rất thú vị, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, ông cũng hay kể chuyện cho những khách hàng thân thiết nghe.”
Mỗi loại giày, dép ông Lợi sẽ có giá sửa khác nhau, không cụ thể mà tùy vào tình trạng của chúng, dao động từ 10.000 - 50.000 đồng. Ngoài ra cũng còn tùy thuộc vào loại keo, chỉ và độ khéo léo của người sửa cũng như nhu cầu của khách hàng.
“Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức”, ông Lợi chia sẻ.
Hơn 30 năm gắn bó với công việc sửa giày dép, ông Lợi luôn miệt mài làm việc, "tân trang" từng chiếc dép, đôi giày, cùng vợ tích góp tiền để nuôi dưỡng 3 người con. Hiện nay, những người con của ông Lợi cũng đều đã trưởng thành và lập gia đình riêng nên đối với ông, công việc bây giờ chỉ để phục vụ sinh hoạt, chi tiêu của hai vợ chồng tuổi già cũng thoải mái, đủ ăn là được, không áp lực nhiều.
Dù vất vả, tay chân lúc nào cũng dính đầy các loại keo, bụi cao su, bụi đất từ những đôi giày, đôi dép nhưng ông Lợi luôn cảm thấy vui vì khách mỗi lần tới sửa là một lần tin tưởng, có thể quay lại và giới thiệu thêm cho những khách hàng mới... Cũng theo ông Lợi, nghề gì muốn “vững” cũng cần có sự tận tụy, chuyên tâm và phải cố gắng nắm bắt được tâm lý khách hàng, như vậy khách vừa ý nhận về thì đó cũng là niềm hạnh phúc mỗi ngày của mình.
Mỹ Hạnh