Sống thấp thỏm ven sông
(QBĐT) - Cứ đến mùa mưa lũ, người dân thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) phải sấp ngửa “chạy lũ”. Bên cạnh đó, sông Gianh đang từng ngày lấn dần vào đất liền, khiến cho hàng chục hộ dân sống ven sông phải sống trong cảnh nơm nớp, lo âu vì sạt lở.
Nơm nớp nỗi lo sạt lở
Thôn Lạc Sơn nằm phía tả ngạn sông Gianh. Với địa thế lưng tựa vào núi, mặt ngoảnh ra sông, Lạc Sơn là chốn non xanh nước biếc hữu tình. Một bên là dãy núi đá vôi cao sừng sững, dựng đứng như bức tường thành, dải đất ven sông này, cũng là nơi hợp lưu của 2 nhánh sông Rào Trổ và Rào Nậy. Mùa này, nước sông Gianh trong xanh đến lạ. Màu trời lẫn trong sắc nước.
Trưởng thôn Lạc Sơn Nguyễn Xuân Triền bảo: “Mùa nắng cũng là mùa yên bình của người dân trong thôn, còn đến mùa mưa lũ thì ai nấy đều phấp phỏng, nơm nớp bao nỗi lo. Ở giữa hình sông thế núi ấy, từ lâu, cứ đến mùa mưa lũ, thôn Lạc Sơn lọt thỏm ngay giữa dòng chảy của sông Gianh. Hễ nước sông dâng cao, người dân phải dắt díu, mang theo áo quần, lương thực, bỏ nhà lên các lèn đá để tránh lũ. Vì vậy, người làng tếu táo gọi Lạc Sơn là thôn “chạy lũ”.
Nguy hiểm hơn, từ lâu, hàng trăm người dân thôn Lạc Sơn còn phải sống chung với tình trạng sạt lở bờ sông. Trưởng thôn Lạc Sơn Nguyễn Xuân Triền cho biết, theo thống kê từ năm 2007 đến nay, thôn Lạc Sơn mất hơn 16,5ha diện tích đất canh tác các loại cây màu ven sông. Cả thôn có 271 hộ, với hơn 1.100 khẩu, trong đó có gần 60 hộ sinh sống sát bờ sông. Trước tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng trăm người dân thôn Lạc Sơn, năm 2001, một tuyến kè đá đã được đầu tư xây dựng. Nhưng tuyến kè này, nhiều năm nay đã bị xuống cấp. Rọ đá làm chân kè đã tụt xuống lòng sông. Mái đá trên bờ cũng đã bị trôi trượt xuống sông. Nhiều đoạn sạt lở, bờ sông đã ăn sâu vào chân móng nhà của người dân. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân và chính quyền địa phương hết lo “chạy lũ”, lại đến lo sạt lở.
“Sau mỗi trận lũ, người dân chạy lên thôn, xã “kêu cứu”. Còn chính quyền địa phương cũng chỉ thống kê để báo cáo lên các cấp, chứ không thể làm gì khác được. Hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, thôn, xã cũng như người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền để có phương án chống sạt lở. Nhưng giải quyết như thế nào, người dân thôn Lạc Sơn vẫn chưa được biết. Nguyện vọng duy nhất của người dân chúng tôi là nhà nước đầu tư xây dựng lại tuyến kè. Chứ hàng trăm sinh mạng và tài sản của hàng chục hộ dân, không thể cứ sống thấp thỏm, nơm nớp nỗi lo sạt lở như thế này mãi được”, ông Triền mong mỏi.
“Tự cứu mình”
Ngôi nhà 2 tầng của chị Lê Thị Hồng Phước nằm chênh vênh bên mép sông. Phần móng nhà chỉ còn cách bờ sông một, hai bước chân. Bước chân ra khỏi nhà là bờ sông dựng đứng. Hôm chúng tôi đến, công trình kè của gia đình chị Phước đang được cấp tập xây dựng, kịp hoàn thành trước mùa mưa.
Chị Phước lo lắng: “Phải tranh thủ làm trước mùa mưa thôi, chứ chỉ còn 1,2 tháng nữa là mùa mưa, không thể làm được. Nếu không xây kè, ngôi nhà của tôi khó mà đứng vững qua mùa mưa lũ năm nay. Phải tự mình cứu lấy mình thôi”.
Đây là tuyến kè thứ 2, chị Phước tự bỏ tiền túi ra xây dựng để giữ đất, giữ nhà. Năm 2000, chị đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để xây kè. Nhưng rồi đất lở, tuyến kè mong manh này cũng không thể bảo đảm an toàn để bảo vệ ngôi nhà của chị nữa.
Chị Phước kể, gia đình chị sinh sống ở đây từ năm 1993. Ngày trước, từ nhà chị ra đến bờ sông còn đến hơn 30m đất. Nhưng sau mỗi mùa mưa lũ, bờ sông cứ sạt lở dần. Năm 2021, dù không có lũ lớn, nhưng bờ sông sạt lở nhiều hơn. Đêm nằm trong nhà còn nghe tiếng đất lở ì oạp. Sau khi 3 bụi tre già giữ đất bị sạt xuống dòng sông, bờ sông đã tiến sát vào chân móng nhàến lúc này thì chị không thể ở yên được nữa. Sinh mạng mấy mẹ con, bà cháu và tài sản bao năm người con trai đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài mang về không thể cứ ngồi chờ... trôi sông. Lần này, để cho chắc chắn hơn, chị thuê người đào sâu xuống đất 1,6m, rồi dựng trụ bê tông, xây đá hộc (dài hơn 30m, cao 6m, rộng 0,6m) làm kè.
Nhưng, gần 60 hộ dân thôn Lạc Sơn sống ven bờ sông Gianh này, không phải ai cũng có điều kiện như gia đình chị Lê Thị Hồng Phước. Họ đang từng ngày, từng giờ sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì sạt lở. Nhiều gia đình không dám làm nhà mới vì lo sợ của cải, nhà cửa đổ sông, đổ bể. Ngôi nhà của anh Nguyễn Viết Xuân cũng chỉ còn cách bờ sông gần 2m. Tuyến kè cũ trước nhà anh đã bị trượt xuống dòng sông từ lâu.
Anh Xuân lo lắng: “Không sống ở đây thì biết sống ở đâu. Nhưng sống ở đây vào mùa mưa lũ, hàng chục hộ dân chúng tôi cứ như “trứng treo đầu gậy”. Mấy đoạn kè bị sạt lở, nhiều hộ đã tự mua đá hộc về thả xuống sông để giữ đất, nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể. Bao nhiêu đá cho vừa đây, khi thăm thẳm dưới mặt sông là 3, 4 mét nước. Bờ đất ven sông thì dựng đứng, trong khi đất ở khu vực này chủ yếu là đất cát pha, nên nước cứ xói vào là đất lở. Thả đá xuống sông cũng chỉ là giải pháp tình thế tạm thời trước mắt thôi. Còn về lâu dài, để người dân “an cư lạc nghiệp” bên bờ sông này, chúng tôi mong nhà nước đầu tư xây dựng lại tuyến kè, mới mong chấm dứt tình trạng sạt lở bờ sông như hiện nay."
Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Phan Huy Hoàng cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh ở thôn Lạc Sơn đã xảy ra từ hơn 10 năm nay. Điều đáng nói là những năm gần đây, bờ sông không chỉ sạt lở trong mùa mưa lũ, mà mùa nắng cũng bị sạt lở. Nhiều đoạn, bờ sông đã lở sát vào nhà dân, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân sống ven sông. Năm 2001, một tuyến kè đá chống sạt lở đất đã được nhà nước đầu tư xây dựng. Nhưng hiện nay, tuyến kè đá này đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Chân kè và mái đá bảo vệ đã bị sạt, trượt xuống sông. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa có vốn để xây dựng”.
Dương Công Hợp
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.