(QBĐT) - Trời về chiều, đại ngàn trở lạnh. Sau hai ngày miệt mài kiếm tìm nhưng vô vọng, cả đội buồn bã ngồi thụp xuống. Mệt mỏi và mênh mang nỗi buồn nhưng họ vẫn không ngừng hy vọng rằng ở đâu đó trong lớp đất lạnh lẽo kia, đồng đội mình vẫn còn nằm lại. Trung tá Trương Đình Vỹ thắp một bó hương to, thành kính khấn một hồi lâu. Khi bó hương được cắm xuống, cả đội lại nhẹ nhàng lần từng thớ đất rồi bỗng nhiên chạm vào một phần hài cốt. Xúc động nghẹn ngào, mấy anh em nhìn nhau, nước mắt cứ thế tự nhiên chảy dài.
“Đá mòn mà đôi gót không mòn”
17 hài cốt được tìm thấy và được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc trong mùa khô 2021-2022 là thành quả của suốt 7 tháng trời lặn lội nơi rừng thiêng, nước độc trên nước bạn Lào xa xôi. Hơn 30 năm nay, những bước chân không mỏi của Đội 589 (Bộ CHQS tỉnh) đã lặn lội trong bao cánh rừng, đi qua bao bản làng và đồng hành cùng nhân dân các bộ tộc Lào tỉnh Khăm Muộn để tìm kiếm hài cốt của những người lính tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào.
Thượng tá Lê Tư Tuyến, Đội trưởng Đội 589 bảo, thời gian trôi đi, những thông tin về hài cốt liệt sỹ cũng dần ít lại, hành trình tìm kiếm đồng đội cũng gập ghềnh hơn nhưng chưa bao giờ, những người lính hôm nay ngừng hy vọng. Gian khó không làm nản lòng và chùn chân những người chiến sỹ bởi họ hiểu rằng không ít những đồng đội vẫn còn nằm lại đâu đó dưới nền đất lạnh, giữa hoang vu núi đồi. Một ngày họ miệt mài tìm kiếm là nối gần hơn đường trở về đất mẹ của những đồng đội thương yêu.
“Nhiều năm trước, những di vật đi kèm hài cốt liệt sỹ được tìm thấy cho chúng tôi biết được tên tuổi, quê quán của các anh nhưng những năm trở lại đây, chủ yếu là liệt sỹ vô danh. Bởi thời gian hàng chục năm đã làm những xói mòn, hư hỏng hoàn toàn những dấu vết để lại. Có những hài cốt được tìm thấy cùng vỏ hộp thuốc penicillin, chúng tôi khấp khởi hy vọng nhưng khi mở ra, tờ giấy trong vỏ hộp đã nát vụn theo thời gian. Những thông tin của liệt sỹ cũng trở nên vô vọng”, thượng tá Tuyến xúc động kể.
Mùa nắng, thời tiết ở Lào nóng nực khó chịu. Mùa đông, giữa rừng già, hơi lạnh tỏa ra càng khắc nghiệt, tái tê. Những người lính Đội 589 vẫn vượt nắng, vượt gió rét dựng lều, cắm chốt giữa rừng mong tìm kiếm và đưa các anh trở về. Địa hình phức tạp, có những khu vực phải vượt hơn 250km đi qua nhiều cánh rừng, trèo đèo, lội suối. Chưa kể, giữa rừng thiêng, nước độc vẫn còn không ít bom mìn từ chiến tranh còn sót lại, đặt những người lính ấy trước vô vàn hiểm nguy và khó khăn, vất vả.
Những cơn mưa rừng bất chợt có lúc khiến họ bị chia cắt, phải dựng lều sống giữa muôn trùng vất vả, thiếu thốn đủ bề nhất là nước sinh hoạt. Ngày trước, người lính 589 chật vật với bệnh sốt rét thì nay lại thường xuyên bị những cơn cảm cúm hành hạ bởi thời tiết nắng mưa thất thường. Có những tháng trời bền bỉ cắm chốt, lật tìm từng tấc đất, từng góc rừng mà không tìm thấy được bất kỳ một hài cốt nào nhưng họ vẫn không ngừng hy vọng.
Người dân Lào tốt bụng chỉ vẽ đường đi, lối lại nhưng thời gian trôi đi, người biết bộ đội Việt Nam hy sinh ở đâu, chôn cất chỗ nào ngày một hiếm dần, các cụ già cũng mất dần đi. Thông tin, manh mối về mộ liệt sỹ cũng vơi cạn cả. “Đá mòn nhưng gót không mòn”, những bước chân của họ vẫn miệt mài trên hành trình đi kiếm tìm đồng đội dẫu địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương vẫn tha thiết khôn nguôi. Và rồi, những cuộc gặp gỡ kỳ lạ trong chập chờn giấc ngủ, cùng mệnh lệnh từ trái tim lại thôi thúc họ lên đường.
Nghĩa tình bên kia dãy Trường Sơn
Một ngày cuối năm, cậu thanh niên mồ côi tên Mon ở bản Xiêng Viêng, thị xã Thà Khẹt đi rừng phát hiện một bộ hài cốt. Nghi là bộ đội Việt Nam, Mon nhanh chóng chạy về nhà báo cho trưởng bản. Nhận tin báo, Đội 589 lên đường theo chân Mon ngược vào rừng thẳm. Đúng như lời Mon, đó là một bộ hài cốt liệt sỹ được chôn cất cùng nhiều di vật quan trọng khác. Niềm vui vỡ òa trong ánh mắt của những người lính và chảy tràn trên gương mặt sạm đen của cậu bé mồ côi.
Trung tá Hoàng Hiếu Hải, Đội phó Đội 589 kể, một lần khác, nhận tin báo về thông tin liệt sỹ từ cụ già hơn 80 tuổi ở bản Phồn Mương, huyện Ma Ha Xay, anh cùng thượng tá Lê Tư Tuyến tức tốc vượt đường xa tìm đến tận nhà. Trong ký ức của cụ, hàng chục năm trước, ở một ngọn đồi nơi cánh rừng cách bản nhiều km có một địa điểm từng là nơi chôn cất bộ đội Việt Nam.
“Nghe đến đó, mấy anh em trong đội khấp khởi mừng. Con đường từ bản vào rừng gập ghềnh, khó đi khi phải vượt qua nhiều đèo dốc, suối sâu. Vậy là anh em chúng tôi thay nhau cõng cụ hàng giờ đồng hồ để vượt rừng đến tận nơi cụ chỉ. Đường đi khó nhưng đôi chân cứ bước dồn dập vì vui mừng và hy vọng. Nhưng đến rồi, cả đội tìm mãi suốt một ngày trời vẫn không thấy các anh đâu. Chúng tôi đành trở về trong vô vọng. Buồn đó, thất vọng đó nhưng chúng tôi xúc động vô cùng với tình cảm mà cụ và rất nhiều bà con trong bản Phồn Mương đã tận tình giúp đỡ, không riêng lần đó mà rất nhiều những chuyến đi khác nữa”, trung tá Hải bồi hồi nhớ lại.
Trong thời chiến hay cả khi thời bình, nhân dân Lào vẫn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, nhường nhà cho bộ đội Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn 30 năm qua, những người lính Cụ Hồ trong thời bình vẫn luôn có sự giúp đỡ, đồng hành của nhân dân nước bạn Lào. Còn nhớ gần 20 năm trước, người dân Khăm Muộn thông báo trong hang Khẳm Cặng, huyện Ma Ha Xay có rất nhiều hài cốt liệt sỹ Việt Nam.
Để giải mã những thông tin thu thập được, Đội 589 lại lên đường. Cuộc tìm kiếm giữa rừng sâu, núi thẳm, trong hang đá bắt đầu. Thông tin từ những người dân Lào từng sống qua thời chiến liên tiếp được chuyển tới, khiến những người lính Đội 589 càng chắc thêm đôi chân, vững thêm ý chí để kiếm tìm đồng đội. Đúng như lời kể, trong chuyến công tác đặc biệt ấy, đội đã khai quật và cất bốc được trong hang Khẳm Cặng 185 bộ hài cốt liệt sỹ. Thượng tá Tuyến kể rằng, ngay sau thời điểm này, chính phủ Lào đã cho xây dựng tượng đài tưởng niệm các anh hùng hy sinh trong hang Khẳm Cặng như biểu tượng đời đời ghi lại tình hữu nghị gắn bó sắt son của hai nước Việt-Lào.
Trong buổi đón các liệt sỹ trở về đất mẹ, ông Kẹo U Đon Bụt Xing Khỏn, Phó tỉnh trưởng, Trưởng ban Công tác đặc biệt tỉnh Khăm Muộn đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ Việt Nam đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp cách mạng của hai nước Việt Nam-Lào. Ông nhấn mạnh, tên tuổi, công lao và chiến công của các anh hùng, liệt sỹ sẽ in đậm trong sổ vàng của đất nước Lào và trái tim của nhân dân các bộ tộc Lào. Tình cảm thiêng liêng ấy cũng chính là nguyên cớ sâu xa để nhân dân Lào sẵn sàng giúp đỡ hết mình cho bộ đội Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ kiếm tìm đồng đội giữa thời bình.
Trở về nước sau 7 tháng lặn lội trên khắp mọi vùng đất của tỉnh Khăm Muộn, Đội 589 lại tiếp tục công tác huấn luyện chuẩn bị cho mùa khô sau. Nhưng với những chiến sĩ đội quy tập trong nước, hành trình không mỏi ấy vẫn tiếp tục. Những ngày qua, họ vừa tìm kiếm được thêm hai hài cốt liệt sỹ trên địa bàn xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới). Sau hàng chục năm, các anh đã trở về bên đồng đội, trong lòng đất mẹ thương yêu và bên bảng lảng khói hương những ngày tháng 7.
(QBĐT) - Gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày chiến thắng 30/4/2975, nhưng với tôi, một cựu chiến binh của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) không bao giờ quên ký ức hào hùng của trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn năm xưa.
(QBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử 47 năm về trước như một cuốn phim tài liệu đặc biệt đang lần lượt quay trong tâm trí hàng triệu người con dân Việt, nhất là những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến giai đoạn lịch sử có một không hai đó... Và ngày 30/4, tiếng reo vui "Sài Gòn giải phóng rồi!" vỡ òa khắp 3 miền đất nước!
(QBĐT) - Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Trạch vẫn ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào, trồng cây... chờ đền bù Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.