34 năm án oan và hành trình giải oan

  • 07:24 | Thứ Tư, 10/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một vụ án xảy ra từ năm 1987, qua nhiều lần TAND các cấp xét xử lúc còn tỉnh Bình Trị Thiên. Sau khi tái lập tỉnh Quảng Bình, TAND tỉnh tuyên hủy toàn bộ bản án trước đó để điều tra lại từ đầu. Quá trình điều tra bổ sung, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh quyết định đình chỉ vụ án vào năm 1991. Thế nhưng, dù vụ án đã bị đình chỉ, các bị cáo vẫn “mang án”. Hành trình giải oan kéo dài cho đến tận bây giờ… đúng 34 năm.
 
Bài 1: 34 năm án oan lơ lửng...
 
Trong các lần tòa án xét xử, trước HĐXX, tất cả bị cáo đều phản cung, một mực kêu oan. Ngày 15-6-1991, sau khi Phòng CSĐT, Công an tỉnh ban hành Quyết định số 08 đình chỉ điều tra vụ án, bị cáo tiếp tục gửi đơn thư nhiều nơi đề nghị xem xét, xử lý, giải quyết oan sai cho mình và phục hồi danh dự, nhân phẩm.
 
Phạm tội “Trộm cắp tài sản XHCN”
 
Lật lại hồ sơ, vụ án diễn tiến như sau: Đêm 17-6-1987, kho nông sản HTX mua bán xã Liên Trạch (Bố Trạch) bị kẻ gian cắt khóa cửa lấy trộm 187kg lạc vỏ và 34kg tiêu hạt đựng trong bao tải. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Bố Trạch kết luận các đối tượng gồm: Đinh Xuân Hồ (SN 1961), Hoàng Trọng Lưu (SN 1955), Đinh Xuân Kỳ (SN 1955), Trần Văn Ổn (SN 1954), Đinh Xuân Tạo (SN 1927) là thủ phạm gây ra vụ trộm nói trên.
 
Ngày 9-2-1988, TAND huyện Bố Trạch xét xử sơ thẩm tuyên các bị cáo trong vụ án phạm tội “Trộm cắp tài sản XHCN”, phạt ông Đinh Xuân Hồ 36 tháng tù giam; Hoàng Trọng Lưu 24 tháng tù; Trần Văn Ổn, Đinh Xuân Kỳ cùng mức án 18 tháng tù. Riêng Đinh Xuân Tạo chịu hình thức cảnh cáo. Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo (trừ Đinh Xuân Tạo) viết đơn kháng cáo kêu oan.
 
Các nạn nhân bị án oan, ngồi giữa là ông Hoàng Trọng Lưu, ngoài cùng là ông Đinh Xuân Kỳ.
Các nạn nhân bị án oan, ngồi giữa là ông Hoàng Trọng Lưu, ngoài cùng là ông Đinh Xuân Kỳ.
 
Ngày 26-4-1989, TAND tỉnh Bình Trị Thiên tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án. Bản án số 38/HSPT nhận định: “Đây là một vụ án trộm cắp tài sản XHCN nhiều người tham gia nhưng không thu thập được chứng cứ đầy đủ mà chủ yếu dựa vào lời khai các bị cáo. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo lại không nhận tội và không có chứng cứ đối chiếu…Để bảo đảm nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội trên cơ sở trọng chứng hơn trọng cung nhằm không làm oan người ngay, không bỏ sót tội phạm, HĐXX phúc thẩm nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ chứng cứ kết luận các bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản XHCN” mà phải điều tra bổ sung chứng cứ”.
 
Từ nhận định khách quan trên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 02/HSST, ngày 9-2-1988 của TAND huyện Bố Trạch để điều tra, xét xử lại từ đầu.
 
Các nạn nhân bị án oan trong vụ án “Trộm cắp tài sản XHCN” xảy ra tại HTX mua bán xã Liên Trạch năm 1987, trừ ông Đinh Xuân Tạo, còn lại phải trải qua một thời gian bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ quá trình điều tra, trong đó hai ông Đinh Xuân Hồ, Trần Văn Ổn nhiều nhất, 136 ngày; ông Đinh Xuân Kỳ 125 ngày và ông Hoàng Trọng Lưu 68 ngày.

Ngày 9-5-1990, TAND huyện Bố Trạch tiến hành phiên tòa sơ thẩm lần hai. Mặc dù quá trình điều tra bổ sung không có tình tiết, chứng cứ mới phát sinh chứng minh hành vi tội phạm của các bị cáo, HĐXX vẫn giữ nguyên tội danh “Trộm cắp tài sản XHCN”. Bản án lần này dành cho các bị cáo có phần nghiêm khắc hơn khi Đinh Xuân Hồ chịu 48 tháng tù; Hoàng Trọng Lưu 36 tháng tù; Trần Văn Ổn, Đinh Xuân Kỳ 24 tháng tù; Đinh Xuân Tạo cảnh cáo. Kết thúc phiên tòa, các bị cáo tiếp tục kêu oan, viết đơn kháng cáo.

 
Đơn kháng cáo của các bị cáo được TAND tỉnh thụ lý. Bản án số 25/HSPT, ngày 26-6-1990 của TAND tỉnh nhận định: “Đây là vụ án có tính chất phức tạp. Qua nghiên cứu vụ án nhận thấy một số hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, không được lưu đầy đủ và có hệ thống. Phần chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của một số bị cáo chưa vững chắc mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được”. HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 16/HSST, ngày 9-5-1990 của TAND huyện Bố Trạch; rút hồ sơ giao cho Viện KSND tỉnh, Công an tỉnh điều tra bổ sung, truy tố, xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh.
 
Sau hơn một năm trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, ngày 15-6-1991, Phòng CSĐT, Công an tỉnh ban hành Quyết định số 08 đình chỉ vụ án.
 
Quyết định số 08 do đại úy Võ Công Châu, Trưởng phòng CSĐT, Công an tỉnh ký đã chỉ ra một số “điểm vênh” trong vụ án: “Số tài sản mất trộm trong vụ án không thống nhất; vật chứng thu giữ không đủ yếu tố truy nguyên đồng nhất; không có nhân chứng trực tiếp, chỉ có nhân chứng gián tiếp; không chứng minh được các bị can thực hiện hành vi phạm tội”.
 
Những người bị hàm oan
 
Chúng tôi về xã Liên Trạch, hỏi tên các ông Hồ, Lưu, Kỳ, Ổn… liên quan đến vụ án “Trộm cắp tài sản XHCN” năm xưa, nhiều người trẻ bây giờ hầu như không hề hay biết. Thời gian giúp nhịp điệu sống trở lại bình thường. Vết thương lòng và nỗi hàm oan của những người trong vụ án năm 1987 nói trên cũng đã “nhẹ gánh” phần nào.
 
Các bản án của TAND huyện Bố Trạch trước đây đã đẩy những nạn nhân vào vòng oan sai.
Các bản án của TAND huyện Bố Trạch trước đây đã đẩy những nạn nhân vào vòng oan sai.
 
Ông Đinh Xuân Hồ, người được xem "chủ mưu" trong vụ án “Trộm cắp tài sản XHCN” năm 1987 nhớ lại: “Gia đình tôi giàu truyền thống cách mạng, có bố và anh trai là liệt sỹ chống Mỹ, mẹ tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lúc bị quy tội, tôi là đảng viên, đại biểu HĐND xã, kế toán HTX mua bán xã Liên Trạch, tương lai đang rộng mở phía trước. Đùng một cái… tôi trở thành tội phạm, ăn cắp tài sản XHCN, đau đớn lắm! Qua nhiều cấp xét xử, rồi vụ án được đình chỉ điều tra, tôi tưởng rằng mình và các anh em khác sẽ sớm được minh oan, trả lại sự trong sạch… Ai ngờ thời gian cứ thế kéo dài, cái án ăn cắp tài sản XHCN cứ treo lơ lửng mãi!”.
 
Ông Hoàng Trọng Lưu tham gia quân ngũ từ năm 1975 đến năm 1981, thời điểm bị bắt là thủ quỹ HTX, người được cho là đồng phạm tích cực trong vụ án, sau ông Hồ. Ông Đinh Xuân Kỳ, nhập ngũ năm 1986, được quân đội gửi đi đào tạo tại Tiệp Khắc về nước năm 1986. “Ngày mai tôi chuẩn bị lên đường ra Hà Nội nhận công tác, đêm đó tôi bị công an tạm giữ điều tra. Sau đó thì bị kết án tù. Sự nghiệp của tôi từ đó sụp đổ hoàn toàn”- ông Kỳ ngậm ngùi- “Tôi hiện tại mắc bệnh ung thư, vẫn hy vọng trước khi chết sẽ được giải án oan, thanh thản về nơi chín suối”.
 
Các nạn nhân bị án oán trong vụ án “Trộm cắp tài sản XHCN” năm 1987 bây giờ ông Đinh Xuân Tạo đã mất, ông Đinh Xuân Kỳ bị bệnh ung thư, ông Trần Văn Ổn bị bệnh thần kinh nặng, ông Đinh Xuân Hồ và Hoàng Trọng Lưu sức khỏe yếu…
 
                                                                                           Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Gian nan hành trình giải oan

 

tin liên quan

Phát hiện, thu giữ lô điện thoại Iphone có dấu hiệu nhập lậu

(QBĐT) - Ngày 9-11, Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Đội QLTT số 7 và Đội QLTT số 3 (thuộc Cục QLTT) vừa kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh SƠN LUXURY MOBILE, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn do ông Cao Nguyễn Ngọc Sơn làm chủ, đã phát hiện và thu giữ lô điện thoại Iphone có dấu hiệu nhập lậu.

Tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay

(QBĐT) - Ngày 9-11, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi Quốc tế (gọi tắt là Công ước La Hay). 

Hưởng ứng Ngày Pháp luật (9-11): Chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện

(QBĐT) - Ngày 9-11-2013, Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật (NPL) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.