Phủ sóng rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt

  • 07:12 | Thứ Hai, 13/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không cần phải dự trữ tiền mặt để giao dịch lại có thể quản lý tài chính một cách dễ dàng, tránh bị lừa đảo bằng tiền giả, giảm chi phí xã hội…, đó là những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tiểu thương… khi thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Từ những khởi đầu khó khăn, TTKDTM, trong đó thanh toán QR Code đang trở thành thói quen của người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới.
 
Đến với các khu chợ truyền thống trong khu vực TP. Đồng Hới, không khó để thấy những mã thanh toán QR Code được các tiểu thương bày trên các sạp hàng. Cách thanh toán này được thực hiện từ các cửa hàng rau, củ, quả đến các quầy hàng quần áo, đồ gia dụng, tiện dụng cho cả người bán và người mua. 
 
Chị Nguyễn Bích Thùy, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: Việc các hàng quán sử dụng hình thức thanh toán QR Code thuận tiện hơn cho người mua hàng rất nhiều. Trước đây, khi việc thanh toán QR Code chưa phổ biến, nhiều lúc đi chợ quên tiền hoặc mang thiếu tiền phải quay về nhà lấy rất bất tiện. Nay đi chợ không cầm tiền là chuyện bình thường, chỉ cần một chiếc smartphone và qua thao tác quét QR Code, vài giây sau là người dùng đã có thể hoàn tất thanh toán tại cửa hàng một cách dễ dàng, nhanh chóng.
 
Còn chị N.T.Hà, tiểu thương bán quần áo ở chợ Đồng Hới cho biết, lượng người TTKDTM ở quầy hiện chiếm đa số. Nếu không có phương thức thanh toán chuyển khoản, các khách hàng sẵn sàng rời đi mua hàng ở quầy khác vì phần lớn họ ít mang theo tiền mặt. Đặc biệt, từ khi có mã QR Code thì việc thanh toán lại càng dễ dàng hơn bởi đã có thông tin cá nhân ở mã, không cần phải nhớ số tài khoản để đọc cho khách hàng, hạn chế đọc sai số tài khoản...
 
Hiện nay, không chỉ những người trẻ mà các khách hàng, tiểu thương trung niên cũng đã quen thuộc với việc sử dụng internet banking, mã QR Code để mua, bán hàng ngày. Xu hướng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, tác động vào thói quen của nhiều hộ kinh doanh, tạo ra nhiều lợi ích thiết thực so với việc dùng tiền mặt.
Nhân viên Vietinbank Quảng Bình triển khai cung cấp mã QR Code cho các tiểu thương chợ truyền thống.
Nhân viên Vietin bank Quảng Bình triển khai cung cấp mã QR Code cho các tiểu thương chợ truyền thống.
Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn TP. Đồng Hới cũng đang tập trung phát triển, ứng dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số nhằm mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đã triển khai các chiến dịch gia tăng khách hàng sử dụng dịch vụ TTKDTM, trong đó công cụ thanh toán QR Code cho cả cá nhân và tổ chức.
 
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietin bank)-Chi nhánh Quảng Bình là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác phát triển phương thức thanh toán qua QR Code trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, ngân hàng đã triển khai một số chiến dịch, như: “Vietin bank phủ xanh VietQR”, “Đến từng ngõ-Gõ từng shop” để triển khai quảng bá hình thức thanh toán qua mã QR Code tới tất cả các cơ sở kinh doanh trên toàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn, triển khai thanh toán viện phí, học phí qua mã QR Code tại các bệnh viện, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đã phát triển hơn 7.000 điểm giao dịch qua mã QR Code, trong đó, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, các bệnh viện tuyến huyện và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán viện phí, học phí qua mã QR Code của đơn vị.
 
Ông Trương Công Tú, Phó Giám đốc Vietin bank Quảng Bình cho biết: Để phủ sóng TTKDTM, thời gian qua đơn vị đã áp dụng các chương trình ưu đãi về thanh toán QR Code, như: Tặng số tài khoản đẹp cho các đơn vị kinh doanh, miễn phí định danh tài khoản, ưu đãi tặng tiền cho các cửa hàng có doanh số nhận tiền qua mã QR lớn. Bên cạnh đó, Vietin bank Quảng Bình còn có các chương trình ưu đãi vay vốn cho các đơn vị kinh doanh sử dụng mã QR của Vietin bank với lãi suất cực kỳ ưu đãi…
 
Cùng với định hướng chuyển dịch giao dịch không dùng tiền mặt thì Vietin bank vẫn xác định thanh toán bằng QR Code vẫn là trọng tâm phát triển và để bảo đảm tính phổ biến, hòa nhập với xu thế của thế giới. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiến tới phát triển mạnh mẽ hơn nữa liên kết thanh toán xuyên biên giới để trong tương lai, khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam có thể quét mã QRCode để thanh toán, cũng như người Việt Nam ra nước ngoài có thể sử dụng tài khoản mở tại Việt Nam để thanh toán hàng hóa dịch vụ tại nước ngoài bằng việc quét mã QR.
 
Để tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM nói chung và thanh toán QR Code nói riêng thành thói quen của người dân, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình cũng đã phối hợp với UBND TP. Đồng Hới triển khai kế hoạch phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn thành phố. Mục tiêu của kế hoạch là đến 30/6/2024 phấn đấu trên 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người buôn bán nhỏ lẻ và các điểm cung ứng hàng hóa có điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
 
"Các ngân hàng khuyến nghị người dùng cần thận trọng trước khi quét mã QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR Code được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email… Cần phải xác minh thông tin trước khi thực hiện giao dịch vì mã QR Code có thể bị kẻ gian dán đè mã giả mạo".
Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình Lương Hải Lưu cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh việc mở tài khoản và cung ứng dịch vụ thanh toán QR Code cho người dân, thúc đẩy TTKDTM và thanh toán QR Code trên địa bàn, tăng trưởng doanh số thanh toán QR Code 40%/năm; phối hợp với các địa phương hướng dẫn, truyền thông về sử dụng QR Code đến toàn thể người dân. Ngoài ra, tăng cường các giải pháp an toàn, bảo mật cho tài khoản khách hàng, từ đó gia tăng mức độ tin tưởng của khách hàng đối với dịch vụ internet banking nói chung và thanh toán QR Code nói riêng.
Thanh Hoa

 

tin liên quan

Kinh tế tập thể "tiếp sức" nông thôn mới

(QBĐT) - Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của KTTT đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn.

Cá "vụ ba"

(QBĐT) - Hàng năm, sau vụ lúa hè-thu, người dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy) lại tất bật đắp bờ, giăng lưới khắp các đồng ruộng rồi chờ mưa để nuôi cá "vụ ba". Việc nuôi cá "vụ ba" không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn góp phần cải tạo đất. Tuy nhiên, hình thức nuôi cá này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức…

PC Quảng Bình: Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu

(QBĐT) - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình Hoàng Hiếu Trung cho biết: Từ nay đến cuối năm 2023 còn rất ít thời gian nhưng khối lượng công việc còn khá lớn. Dù khó khăn nhưng đơn vị vẫn nỗ lực hết mình để hoàn thành các chỉ tiêu.