Thêm xanh vùng đồi

  • 07:17 | Thứ Năm, 09/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây ăn quả do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh triển khai thực hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, dự án đã đạt được những hiệu quả nhất định, qua đó, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng gò đồi, tạo sinh kế ổn định, bền vững cho bà con nông dân ở các địa phương.
 
Hóa Hợp (Minh Hóa) là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp còn nặng tính truyền thống, manh mún, bởi vậy, sản phẩm nông nghiệp chưa khẳng định được thương hiệu vùng. Nhiều năm qua, địa phương đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, khuyến khích bà con nông dân trồng thâm canh bưởi da xanh, tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn…
 
Năm 2023, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 1ha (4 hộ tham gia) trên địa bàn xã Hóa Hợp. Mô hình với mục tiêu hướng đến tạo sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người; đồng thời đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP…
Cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng đồi huyện Quảng Ninh.
Cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng đồi huyện Quảng Ninh.
Qua một thời gian triển khai, đến nay, năng suất trung bình bưởi da xanh của các hộ tham gia mô hình đạt 12,8 tấn/ha, cao hơn so với các vườn bưởi da xanh thâm canh thông thường trên 2 tấn. Qua hạch toán kinh tế, sau khi trừ đi chi phí sản xuất trực tiếp và công lao động mỗi vườn bưởi da xanh cho lãi hơn 189 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 82 triệu đồng/ha…
 
“Sản phẩm bưởi da xanh trồng theo hướng hữu cơ có chất lượng thơm ngon, ngọt, đáp ứng với nhu cầu thị trường hiện nay nên giá bán cao hơn các vườn bưởi da xanh đại trà, giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập. Bước đầu, gia đình tôi đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các cửa hàng bán hoa quả, nông sản sạch tại thị trấn Quy Đạt, TP. Đồng Hới. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, như: Zalo, facebook..., sản phẩm bưởi da xanh của gia đình còn được tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh…”, ông Đinh Hồng Chuyên, thôn Lâm Hóa, xã Hóa Hợp thông tin.
 
Gia đình ông Trần Thiện Thuật (thôn 2 Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) là một trong những hộ dân được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cam thâm canh theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm có quy mô 1ha năm 2023.
 
Theo ông Thuật, khi bắt tay vào trồng cam gia đình cũng lo lắng bởi rất nhiều yếu tố, như: Quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhưng nhờ có cán bộ kỹ thuật của trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn  thâm canh nên gia đình cũng yên tâm. Giờ đây, vườn cam của gia đình đang phát triển tốt, sai quả và hy vọng sẽ có một mùa bội thu quả ngọt trong thời gian tới…
Cây ăn quả đã bắt đầu
Cây ăn quả đã bắt đầu "bén duyên" trên vùng gò đồi.
Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây ăn quả được triển khai từ năm 2021-2023, tập trung tại các địa phương có thổ nhưỡng thuận lợi trồng cây có múi, như: Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Bố Trạch… Trong 3 năm triển khai thực hiện, Trung tâm KN-KN tỉnh đã trồng mới và chăm sóc 18ha cam, bưởi ở 10 địa phương với 27 hộ dân tham gia, mỗi hộ từ 0,5-1ha gồm các giống: Bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh, cam V2, cam xã Đoài...
 
Bên cạnh đó, với đặc điểm tự nhiên vùng gò đồi ở các địa phương thiếu nước tưới, Trung tâm KN-KN tỉnh cũng đã hỗ trợ cho các hộ trồng cam, bưởi thực hiện dự án lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm áp lực về nguồn nước tưới, giảm công tưới tiêu.
 
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây cam, bưởi có ứng dụng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm là hướng đi phù hợp, giúp bà con chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Đặc biệt, với chủ trương tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của chính quyền các địa phương, hy vọng trong thời gian tới, bà con nông dân sẽ nhân rộng mô hình trồng cam, bưởi có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và cho vùng gò đồi thêm xanh hơn…, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải thông tin.

Phó trưởng Phòng Kỹ thuật trồng trọt-lâm nghiệp, Trung tâm KN-KN tỉnh Nguyễn Minh Đạo cho biết, năm 2021, trung tâm đã thực hiện hỗ trợ trồng mới quy mô 6ha; trong đó trồng giống cam xã Đoài 3ha (Lệ Thủy), bưởi Phúc Trạch 3ha (Tuyên Hóa); năm 2022, hỗ trợ trồng mới thêm diện tích 5ha bưởi da xanh và 4ha cam V2 tại huyện Tuyên Hóa; năm 2023, thực hiện trồng mới 3ha cam V2 tại huyện Bố Trạch…; đồng thời tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật trong mô hình cho 27 hộ dân tham gia; 7 lớp tập huấn ngoài mô hình với 280 lượt người tham gia…

Ông Nguyễn Minh Đạo cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật “bắt tay, chỉ việc” cho bà con nông dân, như: Đào hố, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, cắt cành, tạo tán...Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích cây cam, bưởi đều phát triển ổn định, sâu bệnh ít gây hại; đồng thời hệ thống tưới nước tiết kiệm hoạt động tốt, giảm công lao động trong quá trình tưới so với tưới truyền thống…
Ngọc Hải

tin liên quan

City tour khám phá thành phố bên sông

(QBĐT) - Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, du khách sẽ được khám phá những di tích lịch sử, ngắm nghía cảnh sắc ven sông Nhật Lệ hay được thưởng thức những món ẩm thực dân dã, đậm đà. City tour-trải nghiệm TP. Đồng Hới bằng xe đạp hay xe điện chính là lựa chọn thú vị cho du khách khi đặt chân đến thành phố bên sông này, đặc biệt là vào mùa du lịch thu-đông.

Triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Chiều 30/10, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với UBND TP. Đồng Hới tổ chức hội nghị triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên địa bàn thành phố.

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Những năm qua, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.