Cá "vụ ba"

  • 05:52 | Chủ Nhật, 12/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng năm, sau vụ lúa hè-thu, người dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy) lại tất bật đắp bờ, giăng lưới khắp các đồng ruộng rồi chờ mưa để nuôi cá “vụ ba”. Việc nuôi cá “vụ ba” không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn góp phần cải tạo đất. Tuy nhiên, hình thức nuôi cá này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức…
 
Hành trình nuôi cá “vụ ba”
 
Khoảng 15 năm về trước, sau khi thu hoạch lúa vụ hè-thu, người dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy) tiếp tục làm đất để trồng các loại rau màu. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập không cao. Bởi rau màu vào vụ thường rẻ, lại bị thương lái ép giá, chưa kể gặp lũ trái mùa thì gần như mất trắng.
 
Anh Dương Công Dân, ở thôn Tân Lạc, xã Tân Thủy kể: “Thấy nghề trồng rau màu bấp bênh, không ít bà con bỏ ruộng hoang, tuy nhiên một số người đã đắp bờ, dẫn nước từ kênh mương đón cá tự nhiên vào sinh sống, sinh nở. Đến mùa chuẩn bị gieo lúa, bà con tháo nước bắt được khá nhiều cá trên ruộng, giá bán lại cao nên dần dà nhiều người quyết định nuôi cá”.
Người dân xã Tân Thủy kiểm tra lưới trên ruộng nuôi cá “vụ ba”.
Người dân xã Tân Thủy kiểm tra lưới trên ruộng nuôi cá “vụ ba”.
Việc nuôi cá “vụ ba” thời điểm đó mang tính tự phát và còn rất manh mún. Người nuôi cá tự đắp bờ, dẫn nước về để đón cá tự nhiên và thả thêm một ít cá chép, cá trắm, cá lóc. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi hộ thu nhập thêm được chục triệu đồng/vụ là bình thường. Tuy nhiên, mỗi lần mưa to, nước tràn bờ và cá theo dòng nước trôi về xuôi thì xem như mất trắng. Chưa kể, trâu, bò thả rông trên đồng ruộng ăn cỏ và lúa tái sinh khiến thức ăn cho cá bị giảm và giẫm đạp lên bờ ruộng gây sạt lở, cá bị trôi.
 
Tuy có những rủi ro nhưng lợi nhuận của việc nuôi cá “vụ ba” trên ruộng đã thấy rõ. Do vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân quyết định đấu thầu hàng chục ha đất ruộng để nuôi cá. Đến nay, xã Tân Thủy đã có 134ha mặt ruộng nuôi cá “vụ ba” với khoảng 15 hộ nuôi. Diện tích mặt nước nuôi cá chủ yếu ở các thôn: Tân Hòa, Tân Ninh, Tân Lạc, Tân Hạ... Ngoài ra, hàng chục hộ cũng tận dụng những thửa ruộng gần nhà để nuôi cá.
 
Một vốn, ba lời
 
Để nuôi cá “vụ ba”, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè-thu, người dân tiến hành đắp bờ, giăng lưới chờ lũ về. Thời điểm này, chính quyền các thôn sẽ cấm bà con thả rông trâu, bò ra ruộng để lúa tái sinh, cỏ, phù du nhiều hơn. Tuy nhiên, bà con không vội thả cá khi có nước mà phải "tráng ruộng" bằng dòng nước lũ đầu tiên. Sau khi "tráng" xong phải tiếp tục chờ lúa tái sinh và nước lũ lần thứ 2 mới mua cá giống về thả. Dịp thả cá giống thích hợp thường bắt đầu cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 dương lịch. 
Thu hoạch cá “vụ ba” năm 2022.
Thu hoạch cá “vụ ba” năm 2022.
Các loại cá được nuôi chủ yếu là trắm, chép, lóc, mè và một số loài cá tự nhiên khác. Trung bình mỗi ha đầu tư khoảng 20 triệu đồng cho việc thuê đất, giống, lưới và nhân công. Cá “vụ ba” nuôi trên ruộng phát triển rất nhanh nhờ lượng thức ăn tự nhiên dồi dào. Sau khoảng 3 tháng nuôi, cá thu hoạch có thể đạt trọng lượng từ 0,3-0,5kg đối với cá trắm, cá lóc; 0,5-0,7kg đối với cá mè, chép. Trung bình mỗi ha đạt khoảng 1 tấn cá các loại, thu về khoảng 60 triệu đồng.
 
Anh Lê Xuân Phong, ở thôn Tân Ninh, xã Tân Thủy chia sẻ: “So với trồng rau màu thì nuôi cá “vụ ba” hiệu quả hơn nhiều. Bởi cá chỉ nuôi trong vòng 3 tháng, không cần cho ăn nhưng vẫn lớn nhanh, bán được giá”. Vụ cá năm nay, anh Phong thầu 12ha đất ruộng nuôi cá. Anh đầu tư trên 200 triệu đồng cho việc mua cá giống, lưới và thuê máy đắp bờ. Nếu thời tiết thuận lợi, cá được giá thì cuối năm nay anh sẽ thu về khoảng 12 tấn cá. Bình quân mỗi tấn cá bán được khoảng 60 triệu đồng thì gia đình anh cũng thu về trên 700 triệu đồng.
 
Là người có kinh nghiệm nuôi cá “vụ ba” hơn 10 năm nay, anh Lê Xuân Ngọc, ở thôn Tân Hạ thầu 14ha đất ruộng để nuôi. Với số vốn đầu tư gần 300 triệu đồng, trong đó anh đã mua gần 3 tấn cá giống về thả. Theo tính toán, vụ cá năm nay anh có thể thu về 14 tấn cá các loại, thu nhập trên 800 triệu đồng. Anh Ngọc tâm sự: “Cá nuôi ở ruộng lớn nhanh và được thị trường rất ưa chuộng. Mỗi lần chúng tôi thu hoạch, thương lái từ trong và ngoài tỉnh đến tận ruộng để mua. Ngoài việc nuôi cá, tôi còn đầu tư 500 con vịt thả vào ruộng nhưng không phải cho ăn. Đến thời điểm thu hoạch cá, đàn vịt cũng giúp tôi thu lãi ròng khoảng 50 triệu đồng”… 
Mô hình nuôi cá “vụ ba” kết hợp nuôi vịt của anh Lê Xuân Ngọc
Mô hình nuôi cá “vụ ba” kết hợp nuôi vịt của anh Lê Xuân Ngọc.
Có những gian nan
 
Nuôi cá “vụ ba” mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân cũng gặp nhiều gian nan, thách thức. Bởi, qua nhiều năm nuôi cá chuyên nghiệp, có 2 năm bà con phải trắng tay do gặp lũ lớn. Anh Lê Xuân Phong kể: “Hai trận lũ 2016 và 2020 nước lên quá nhanh khiến người nuôi cá không kịp trở tay. Nước dâng mạnh, ngập sâu cuốn trôi hết cả cá và lưới. Khi lũ đi qua, vợ chồng tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy ruộng cá không còn gì. Tính ra hai năm đó, gia đình tôi bị thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng.
 
Không chỉ rủi ro do lũ, người nuôi cá “vụ ba” còn gặp nhiều thách thức khác. Đó là những trường hợp nuôi đầu tiên, thiếu kinh nghiệm nên thả cá ngay nước đầu tiên, không qua tráng ruộng dẫn đến cá nhiễm nước phèn, dịch bệnh và chết. Có trường hợp mưa to, nước bạc tràn vào ruộng làm cá sốc nước chết hàng loạt hoặc mua trúng lứa cá giống không tốt cũng gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Nam Long đánh giá: “Mô hình nuôi cá “vụ ba” ở xã Tân Thủy thực sự có hiệu quả bởi không chỉ làm giàu cho nông dân, tăng ngân sách cho xã mà còn giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ đồng ruộng. Muốn nuôi cá “vụ ba”, bà con trồng lúa sẽ hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Cá nuôi còn giúp làm sạch đồng ruộng, góp phần cải tạo đất sản xuất. Để nhân rộng mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên toàn tỉnh nên đến học hỏi cách nuôi cá “vụ ba” ở Tân Thủy để áp dụng vào địa phương mình”…

Anh Lê Xuân Ngọc cho hay: “Thấy nuôi cá “vụ ba” dễ rứa đó nhưng cũng rất vất vả, nhất là khi trời mưa gió. Bởi mỗi lần mưa to là tôi phải lao ra ruộng để tháo bớt nước, kiểm tra lại chân lưới xem có bị rách hay không. Còn hàng ngày cũng phải đi kiểm tra một vòng, bởi mùa này chuột đi ăn khắp nơi. Có những đường chúng đi qua gặp lưới chắn thì sẽ cắn hoặc phá lưới. Nếu gặp những trường hợp như thế này thì tôi phải vá lại ngay. Một số trường hợp trâu, bò của bà con lỡ ra vùng ruộng cá cũng có thể đạp làm sập bờ khiến nước và cá trôi”…

Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Trần Văn Lương cho biết: “Nhờ nuôi cá “vụ ba” nên nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, ngân sách xã cũng tăng lên từ tiền cho thuê đất, lại tránh lãng phí đất, cải tạo đồng ruộng. Tuy nhiên, người nuôi cá cũng gặp không ít rủi ro, thách thức. Hiện, xã đang tập trung chỉ đạo bà con tích cực chăm sóc cá, phòng chống lụt bão trên những ruộng cá để tránh rủi ro. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị quản lý khai thác thủy lợi để cung ứng nước trước lũ để bà con có thể nuôi cá sớm hơn”…
Xuân Vương

tin liên quan

City tour khám phá thành phố bên sông

(QBĐT) - Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, du khách sẽ được khám phá những di tích lịch sử, ngắm nghía cảnh sắc ven sông Nhật Lệ hay được thưởng thức những món ẩm thực dân dã, đậm đà. City tour-trải nghiệm TP. Đồng Hới bằng xe đạp hay xe điện chính là lựa chọn thú vị cho du khách khi đặt chân đến thành phố bên sông này, đặc biệt là vào mùa du lịch thu-đông.

Làm giàu từ nuôi dúi

(QBĐT) - Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Trần Ngọc Hòa (SN 1990) ở tổ dân phố 1 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dúi tại nhà. Qua 2 năm, mô hình của anh đã cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân có ý tưởng khởi nghiệp.

Triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Chiều 30/10, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với UBND TP. Đồng Hới tổ chức hội nghị triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên địa bàn thành phố.