Đặc sản làng lên kệ OCOP

  • 11:09 | Thứ Bảy, 11/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bắp chiên bơ, bắp rang tẩm đường, bắp phô mai... là những món ăn từ bắp vốn đã quá quen thuộc. Nhưng bắp rang cát chắc chắn nhiều người cảm thấy lạ lẫm lại là "đặc sản" chất chứa đầy ký ức của người dân làng Đơn Sa (tổ dân phố Đơn Sa, phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn). Món ăn bình dị của bao thế hệ nay được chính những người con của làng phát triển thành sản phẩm OCOP, được nhiều người yêu thích và thậm chí là xuất ngoại. Dĩ nhiên, nghề nào cũng có bí quyết và món bắp rang cát của người làng Đơn Sa cũng vậy.
 
Món ngon của ký ức
 
Cũng như nhiều làng quê khác, trước đây làng Đơn Sa chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nằm dưới chân những động cát nhấp nhô trải dài về phía biển, cây trồng chủ lực của người làng Đơn Sa là bắp. Những người lớn tuổi trong làng kể lại, ở vùng cát nên trồng cây gì cũng khó, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa nhưng bắp thì đều quanh năm. Được cái, cây bắp trên đất Đơn Sa luôn tươi tốt và cho quả đều, đẹp, ăn cũng ngon hơn những làng lân cận.
Bắp được sàng sảy trước khi cho vào rang. Ảnh: Phạm Văn Thức
Bắp được sàng sảy trước khi cho vào rang. Ảnh: Phạm Văn Thức
Trước đây, người làng thường mang bắp đi đổi những vật phẩm, lương thực, dụng cụ sản xuất ở những vùng khác. Và bắp cũng là cứu cánh giúp người làng vượt qua những mùa giáp hạt khốn khó. Món bắp rang cát cũng ra đời từ đó, được người làng ưa thích vì sau khi rang lên, cất kỹ có thể dùng quanh năm mà không bị hư hỏng.
 
Cuộc sống dần khá hơn, người Đơn Sa nay làm đa ngành, đa nghề, không ít con em trong làng tham gia xuất khẩu lao động cho thu nhập cao. Bắp rang cát vì thế trở thành món ăn vặt bình dị, chất chứa ký ức của người làng. Cây bắp thu hoạch xong được thương lái mua tận ruộng, người làng chỉ dành một ít để làm giống và làm món bắp rang cát ăn vui, nhất là vào mùa rét.
 
Lớn lên từ làng, chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1988) học hết phổ thông, nhiều năm bươn chải xứ người rồi về quê lập gia đình và buôn bán. Cũng như bao người trẻ khác, món bắp rang cát là một phần tuổi thơ không thể thiếu của chị. Chị Huệ tâm sự, mỗi lần nói chuyện với bạn bè, nhất là những người đang ở nước ngoài nhắc đến món "đặc sản" bắp rang cát là ai cũng rạo rực nhớ nhà, nhớ quê, bởi ký ức tuổi thơ lại ùa về.
Khi rang chín, bắp được đổ ra rổ để sàng nhiều lần lọc cát.
Khi rang chín, bắp được đổ ra rổ để sàng nhiều lần lọc cát.
Làm nghề buôn bán nên chị đi nhiều nơi, thấy các món ăn từ bắp rất được ưa chuộng nhưng bắp rang cát như của người dân làng Đơn Sa thì rất ít thấy. Vậy là ý tưởng kinh doanh nảy sinh. Khách hàng đầu tiên là những người quanh làng, dần dần mở rộng vào tận Bố Trạch, Đồng Hới. Đến năm 2021, được sự hướng dẫn của chính quyền, chị làm thủ tục hồ sơ và được công nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm bắp rang cát dần được nhiều người biết đến, nhiều người làng ở miền Nam còn đặt hàng để bán lại. Con em trong làng xuất ngoại, hành trang mang theo cũng không thể thiếu món bắp rang cát ấm vị quê nhà.
 
Ăn vặt cũng lắm công phu
 
Nói là bắp răng cát, dễ hiểu là nhờ sức lửa và độ giữ nhiệt của cát làm hạt bắp chín đều, giữ được hương vị lâu, thế nhưng không phải ai cũng làm được. Theo chị Huệ chia sẻ, kể cả người trong làng, cũng chừng đó nguyên liệu nhưng không phải ai làm cũng ngon, giữ được vị bùi bùi, ngọt ngọt, thơm thơm của hạt bắp.
 
Kể cả bây giờ, khi sản phẩm bắp rang cát được nhiều người biết đến, "đầu bếp chính" của chị Huệ vẫn là bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ ruột. Bắp rang qua tay bà Hoa nổi tiếng thơm ngon nhất trong làng.
Bắp rang cát được công nhận sản phẩm OCOP và trưng bày tại các triển lãm.
Bắp rang cát được công nhận sản phẩm OCOP và trưng bày tại các triển lãm.
Bà Hoa chia sẻ, từ nhỏ bà đã được chỉ dạy cách rang bắp trên cát. Cát, được người làng lên động đào sâu xuống, lấy lớp cát sạch sau đó về đãi, phơi khô và tiếp tục như vậy đến khi hạt cát mịn đều, không còn bám bẩn. Củi nhóm bếp phải là củi tre đực, cắt thành khúc phơi khô mới đượm lửa. Hạt bắp lấy từ giống thuần bản địa, hạt nhỏ, đều chứ không dùng các loại bắp lai như hiện nay. Cũng theo bà Hoa, hiện nay trong làng nhiều gia đình vẫn giữ và trồng giống bắp này. Hạt bắp khi thu hoạch về thì tách ra, luộc qua sau đó phơi khô, gói kỹ trong bao giấy.
 
Nồi rang cũng là loại nồi đúc, dày. Cát đổ vào nồi, được đảo đều đến khi đủ độ nhiệt thì mới cho bắp vào và tiếp tục đảo đều tay. Ngọn lửa được điều chỉnh tùy theo đầu bếp sao cho hạt bắp được chín đều nhưng không nở bung. Mỗi mẻ thường rang 5 lon bắp, khoảng 1kg, cát được tận dụng để rang những mẻ sau cho đến khi ngã màu khói bếp thì thay cát mới. Khi bắp chín đều thì đổ ra rổ nhỏ và phải sàng ngay khi còn nóng nghi ngút để lọc sạch cát. Nếu để nguội, cát dễ dính vào hạt bắp. Bắp sàng sạch sẽ, đóng vào hộp khi còn hơi ấm để giữ mùi thơm được lâu.
 
Ngày nay, món bắp rang cát vẫn được nhiều người làng làm nhưng đa số dùng nồi điện, lò nướng nên không còn như nếp xưa và cũng không giữ được hương vị như cách làm thủ công truyền thống. Và cũng có lẽ vì thế, mà bắp rang cát mang thương hiệu sản phẩm OCOP của chị Huệ được ưa thích.
 
"Bắp rang cát là sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của phường Quảng Phúc, có triển vọng mở rộng về quy mô và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích khởi nghiệp sáng tạo của người dân địa phương, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm", ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc cho biết. 

Tiếng là cơ sở sản xuất, nhưng chị Huệ tận dụng mọi không gian trong căn nhà của mình và của cả ông bà ngoại. Trong sân chất đầy củi tre, nhà trên đầy bắp và sản phẩm đã đóng hộp chờ gửi cho khách. Đến mùa thu hoạch, gần như chị Huệ thu mua tất cả giống bắp thuần bản địa của người trong làng. Mọi công đoạn sản xuất đều làm bằng thủ công. "Ngỡ là làm chơi mà thu nhập chính của cả nhà đều dựa vào đây", chị Huệ cười chia sẻ.

Để tăng thêm mùi vị hấp dẫn, mỗi hộp bắp rang cát được trộn thêm một ít đậu, đóng trong hộp có tem, bao bì được công nhận. Mỗi hộp có giá từ 50-100 nghìn đồng và đậy kín nắp dùng quanh năm mà không sợ hư hỏng.
 
Chị Huệ cho biết, hạt bắp rang cát chín vẫn giữ nguyên, bóng rầy nhưng giòn tan khi ăn, không nở bung như các loại trên thị trường. Đặc biệt, mình làm thủ công, sạch sẽ, không tẩm gia vị nên ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Nhất là bắt đầu bước vào mùa đông đến dịp Tết là cao điểm, vì làm thủ công nên gần như cháy hàng, không đủ phục vụ cho khách đặt.
 
Còn với bà Hoa, khi vợ chồng con gái bắt đầu ý tưởng kinh doanh bắp rang cát, chỉ mong có việc đỡ đần cho con cái là mừng, mà cũng không ngờ rằng món ăn vặt của người làng Đơn Sa sẽ có ngày đi khắp, sang cả trời Tây...
X.Phú

tin liên quan

Khi người dân được tiếp cận nguồn vốn vay

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TX. Ba Đồn đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Làm giàu từ nuôi dúi

(QBĐT) - Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Trần Ngọc Hòa (SN 1990) ở tổ dân phố 1 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dúi tại nhà. Qua 2 năm, mô hình của anh đã cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân có ý tưởng khởi nghiệp.

Triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Chiều 30/10, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với UBND TP. Đồng Hới tổ chức hội nghị triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên địa bàn thành phố.