Thách thức nguồn thu ngân sách

  • 07:00 | Thứ Sáu, 10/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tính đến hết tháng 10/2023, huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách (NS) của năm 2023. Tuy nhiên, nguồn thu NS trên địa bàn huyện miền núi này vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
 
Năm 2023, xã Tiến Hóa là địa phương được huyện Tuyên Hóa giao thu ngân sách lớn nhất trên địa bàn, với mức dự toán giao thu gần 30 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 nguồn thu ngân sách của huyện. Thế nhưng đến nay, xã này chỉ mới thu được hơn 18 tỷ đồng (chỉ đạt hơn 60% dự toán giao).
 
Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa Hoàng Trọng Tài cho biết: "Trong số gần 30 tỷ đồng dự toán giao địa phương thu, có gần 25 tỷ đồng nguồn thu từ tiền sử dụng đất (SDĐ), chiếm hơn 83% tổng nguồn thu. Điều đáng nói, trong số 25 tỷ đồng tiền SDĐ, có đến 15 tỷ đồng thu từ năm 2022 chuyển sang. Năm 2023, chính quyền địa phương đã tổ chức đấu giá 72 thửa đất khu quy hoạch đất ở tập trung tại thôn Tam Đa, nhưng chỉ có 16 thửa đất được đấu giá thành công. Với những khó khăn về thị trường đất đai như hiện nay, để đạt mục tiêu đề ra là rất khó”.
 
Khó khăn không dừng lại ở đó. Nguồn thu từ đất không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nói chung, mà còn tác động rất lớn đến các nguồn thu khác, như: Thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Hiện tại, xã Tiến Hóa chỉ mới thu được 150/750 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, 160/250 triệu đồng lệ phí trước bạ. Riêng các khoản thu điều tiết do tỉnh quản lý giao địa phương hơn 700 triệu đồng, từ đầu năm 2023 đến nay, xã Tiến Hóa chưa thu được một đồng nào.
Khu đất ở tập trung thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa đã được tổ chức đấu giá nhưng có rất ít người tham gia.
Khu đất ở tập trung thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa đã được tổ chức đấu giá nhưng có rất ít người tham gia.
Tương tự, xã miền núi Thanh Hóa cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch thu NS, nhất là khoản thu tiền SDĐ. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm: “Năm 2023, xã được huyện giao thu 428 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng tiền SDĐ. Đến thời điểm hiện tại, địa phương chỉ mới thu được gần 140 triệu đồng (chỉ đạt 32,4%). Các khoản thu khác dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu giao.
 
Riêng khoản thu từ tiền SDĐ chỉ mới thu được 65 triệu đồng, chủ yếu đến từ hoạt động chuyển đổi mục đích SDĐ của người dân, nên khó có thể hoàn thành chỉ tiêu đã được giao. Bởi, qua rà soát, trên địa bàn xã không còn diện tích đất ở nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư để tổ chức đấu giá.
 
Mới đây, xã đã phối hợp với huyện quy hoạch được 2 khu vực đất ở tập trung để đưa vào đấu giá tại thôn Bắc Sơn (7 thửa đất) và thôn Thanh Lạng (5 thửa). Nhưng, phải đến giữa năm 2024, các khu vực này mới hoàn thành thủ tục để tổ chức đấu giá”.
 
Không giống như 2 địa phương nói trên, xã Kim Hóa đang gặp khó khăn trong thực hiện các khoản thu điều tiết do tỉnh quản lý, gồm: Thuế tài nguyên và phí môi trường. Trong số 5,3 tỷ đồng dự toán giao thu trong năm 2023 thì 2 khoản thu nói trên chiếm gần 85% tổng nguồn thu. Cụ thể, thuế tài nguyên 3 tỷ đồng và phí môi trường 1,5 tỷ đồng.
 
Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Đó là 2 nguồn thu địa phương gặp phải khó khăn lớn nhất. Hiện, xã Kim Hóa chỉ mới thu được 1,5 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên và gần 986 triệu đồng tiền phí môi trường. Đây là các nguồn thu được điều tiết về cho xã để sử dụng cho các hoạt động trên địa bàn. Nếu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn không nộp đầy đủ, thì ngân sách của địa phương sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng hụt thu như năm 2022”. Được biết năm 2022, xã Kim Hóa cũng đã bị hụt thu 1,3 tỷ đồng từ các khoản thuế, lệ phí nói trên.
 
Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch, UBND huyện Tuyên Hóa Nguyễn Thành Trung cho biết, đến tháng 11/2023, huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu NS theo kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, có một số khoản thu không đạt chỉ tiêu và đạt thấp, như: Thuế ngoài quốc doanh đạt 78%; thuế thu nhập cá nhân 63,8%; lệ phí trước bạ 60,6%; đặc biệt, các khoản thu điều tiết do tỉnh quản lý giao cho các địa phương chỉ mới đạt 6,6%.
 
Đáng chú ý, hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng thuế với số tiền lên đến gần 12 tỷ đồng. Điều này đã khiến nhiều địa phương bị hụt thu, ảnh hưởng đến nguồn thu NS và các khoản chi cho hoạt động tại địa phương.
 
Theo thống kê, trong 10 tháng của năm 2023, huyện Tuyên Hóa đã thu được 107,5 tỷ đồng (đạt 104,8% dự toán tỉnh giao, 101,9% dự toán huyện giao), trong đó nguồn thu từ đất chiếm hơn 56%.
Theo ông Nguyễn Thành Trung: “Mặc dù năm 2023, huyện đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về nguồn thu NS, song dự báo năm 2024, nguồn thu của huyện tiếp tục sẽ gặp nhiều thách thức. Bởi, với huyện miền núi khó khăn như Tuyên Hóa, nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào việc đấu giá quyền SDĐ. Nhưng, trong năm 2023, nhiều cuộc đấu giá quyền SDĐ không thể tổ chức được vì không có người đăng ký. Số tiền SDĐ vượt thu trong năm nay (60 tỷ đồng), có đến 33 tỷ đồng chuyển từ năm 2022 sang. Mặt khác, cùng với sự “trầm lắng” của các giao dịch về đất đai trên thị trường, các dự án quy hoạch, phát triển quỹ đất trên địa bàn đang dần bị thu hẹp, các quy hoạch mới chưa được bổ sung. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh thực hiện các biện pháp đồng bộ trong thu NS, nên chăng cấp có thẩm quyền cần đánh giá, rà soát lại và có chủ trương cởi mở hơn trong việc xây dựng, bổ sung quy hoạch các khu đất ở tập trung để đưa vào đấu giá, tạo nguồn thu cho NS”.
Dương Công Hợp

 

tin liên quan

City tour khám phá thành phố bên sông

(QBĐT) - Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, du khách sẽ được khám phá những di tích lịch sử, ngắm nghía cảnh sắc ven sông Nhật Lệ hay được thưởng thức những món ẩm thực dân dã, đậm đà. City tour-trải nghiệm TP. Đồng Hới bằng xe đạp hay xe điện chính là lựa chọn thú vị cho du khách khi đặt chân đến thành phố bên sông này, đặc biệt là vào mùa du lịch thu-đông.

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Những năm qua, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Khi người dân được tiếp cận nguồn vốn vay

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TX. Ba Đồn đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.