Kinh tế tập thể "tiếp sức" nông thôn mới

  • 07:11 | Thứ Hai, 13/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Hoạt động của KTTT đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn.
 
Nâng cao thu nhập
 
Thực tế triển khai cho thấy, tại nhiều địa phương, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, góp phần thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
 
Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) cho biết: HTX hiện có 580 thành viên đại diện hộ với doanh thu bình quân đạt 4,5 tỷ đồng/năm. Từ những ngày đầu xã Phong Thủy bắt tay xây dựng NTM, HTX luôn đồng hành cùng địa phương trong tuyên truyền, vận động hiến đất và ngày công, phát huy vai trò của mỗi thành viên. HTX cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình văn hóa-xã hội trên địa bàn. Hiện, 8/8 công trình nhà văn hóa thôn đều do HTX đầu tư xây dựng. Ngoài ra, HTX còn làm đầu mối tiêu thụ lúa gạo, nâng cao thu nhập cho thành viên và bà con nông dân… 
Nhiều sản phẩm OCOP đến từ các HTX.
Nhiều sản phẩm OCOP đến từ các HTX.
Tại HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch), với quy trình nuôi trồng khép kín từ khâu đầu vào đến thành phẩm, HTX đã thực hiện phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu với 32 THT/425 hộ dân chuyên trồng và thu hoạch nấm. Nhờ đó, HTX đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là lao động nữ, hộ nghèo, cận nghèo với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HTX (Liên minh HTX tỉnh) Ngô Gia Hồng Đức cho biết, toàn tỉnh hiện có 589 THT hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; trong đó có 455 THT nông lâm nghiệp, 117 THT khai thác, chế biến hải sản trên biển, 17 THT nuôi trồng thủy sản; doanh thu bình quân 230 triệu đồng/THT. Có 471 HTX với tổng số 136.473 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 5.286 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Xác định KTTT luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nhằm giúp cán bộ, thành viên HTX, THT thấy rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong xây dựng NTM. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; tập trung ưu tiên các hoạt động tư vấn, tạo điều kiện về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và hỗ trợ các HTX, THT trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế biến sản phẩm…
 
Nhờ đó, KTTT mà nòng cốt là HTX có bước phát triển mới về chất lượng và số lượng, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Hàng năm, KTTT đóng góp khoảng 4% vào GDP của tỉnh.
 
Chuyển đổi phương thức sản xuất
 
Năm 2022, HTX Nông nghiệp Hóa Sơn (Minh Hóa) được thành lập. Với tổng cộng 25 thành viên, nguồn vốn hoạt động ban đầu còn khiêm tốn nhưng các thành viên HTX đã dần xóa bỏ cách thức làm ăn nhỏ lẻ theo hộ gia đình để cùng liên kết, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với hoạt động chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
Giám đốc HTX Bàn Văn Sơn cho biết, trên cơ sở diện tích đất trồng lạc và 200 đàn ong mật hiện có của các thành viên, HTX đã tổ chức cho các hộ dân trồng các giống lạc có chất lượng và tổ chức ký cam kết thực hiện việc nuôi, nhân đàn, thu hoạch sản phẩm mật ong theo đúng quy trình. Nhờ đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên hiện nay HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đã xây dựng thành công sản phẩm lạc rang tỏi ớt và mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện.
 
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn, bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có yêu cầu: Xã có HTX hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX, có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững.
 
Và đến nay, khi áp dụng bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, KTTT và HTX tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng khi tiêu chí số 13 được bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu khác, như: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả… 
 
Toàn tỉnh hiện có 150 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và 9 sản phẩm đạt cấp quốc gia; có 145 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó 11 sản phẩm OCOP 4 sao, 63 sản phẩm OCOP 3 sao của các HTX); có 60 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, quy mô, hiệu quả hoạt động có sức lan tỏa ra cộng đồng; 50 HTX áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.
 
Toàn tỉnh hiện có 88 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 68,8% tổng số xã, bình quân tiêu chí/xã đạt 15,8 tiêu chí. Có 72/128 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 115/128 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 93/128 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ nghèo đa chiều; 97/128 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 119/128 xã đạt tiêu chí về lao động...

Các HTX, THT đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Qua đó, chủ động thích ứng, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người, đổi thay diện mạo nông thôn.

"Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tư vấn, hướng dẫn thành lập mới các HTX gắn với chuỗi giá trị; tích cực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP nhằm "tiếp sức" cho HTX xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM”, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HTX Ngô Gia Hồng Đức cho biết thêm.       
Thanh Hải

tin liên quan

City tour khám phá thành phố bên sông

(QBĐT) - Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, du khách sẽ được khám phá những di tích lịch sử, ngắm nghía cảnh sắc ven sông Nhật Lệ hay được thưởng thức những món ẩm thực dân dã, đậm đà. City tour-trải nghiệm TP. Đồng Hới bằng xe đạp hay xe điện chính là lựa chọn thú vị cho du khách khi đặt chân đến thành phố bên sông này, đặc biệt là vào mùa du lịch thu-đông.

Cá "vụ ba"

(QBĐT) - Hàng năm, sau vụ lúa hè-thu, người dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy) lại tất bật đắp bờ, giăng lưới khắp các đồng ruộng rồi chờ mưa để nuôi cá "vụ ba". Việc nuôi cá "vụ ba" không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn góp phần cải tạo đất. Tuy nhiên, hình thức nuôi cá này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức…

PC Quảng Bình: Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu

(QBĐT) - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình Hoàng Hiếu Trung cho biết: Từ nay đến cuối năm 2023 còn rất ít thời gian nhưng khối lượng công việc còn khá lớn. Dù khó khăn nhưng đơn vị vẫn nỗ lực hết mình để hoàn thành các chỉ tiêu.