Triển vọng từ sâm Bố Chính ở Trường Sơn

  • 07:24 | Thứ Ba, 17/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Võ Thị Thi, thôn Liên Xuân, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính trên diện tích đất màu, bước đầu đem lại hiệu quả.
 
Trước đây, trên diện tích đất màu của gia đình, chị Võ Thị Thi chủ yếu trồng ngô, đậu các loại. “Những năm gần đây đất sản xuất ngày càng bạc màu, năng suất cây trồng đạt thấp, trong khi chi phí sản xuất lại cao. Có những vụ mùa, người dân chỉ làm cho có chứ “thu không đủ bù chi”. Nhiều người phải bù lỗ và nợ tiền cày vụ này qua vụ khác”, chị Thi chia sẻ.
Sâm Bố Chính được thu hoạch sau 8 tháng trồng tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Sâm Bố Chính được thu hoạch sau 8 tháng trồng tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Chị Thi đã nhiều lần muốn chuyển đổi sang các cây trồng khác nhưng chưa tìm được loại cây phù hợp. Trong một lần về thăm chị gái ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), thấy người dân ở đây trồng cây sâm Bố Chính rất hiệu quả, chị đã học hỏi và mạnh dạn trồng thử nghiệm trong vườn nhà. Ban đầu, chị trồng thử 0,5 sào sâm Bố Chính xen lẫn với cây ăn quả trong vườn. Vì là hộ đầu tiên trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính trên địa bàn xã Trường Sơn nên gặp khá nhiều khó khăn. Phần lớn quá trình trồng và chăm sóc cây chị đều tự tìm tòi, học hỏi. 
 
Nhờ được người thân trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên diện tích sâm Bố Chính của gia đình chị phát triển rất tốt. Theo chị Thi, trồng sâm Bố Chính phải trải qua nhiều công đoạn hơn các loại cây màu khác chị đã từng trồng trước đây. Và tất cả các công đoạn, như: Xới đất, ủ bạt, đánh luống, bỏ phân, trỉa… đều phải làm đúng kỹ thuật. Sâm Bố Chính là cây dược liệu, nên phải được bón phân hữu cơ để sản phẩm không bị nhiễm bất kỳ hóa chất nào.
 
Trong quá trình trồng, chị thường tận dụng phân thải của trâu, bò, dê, lợn để ủ với một số loại cây làm phân hữu cơ. Nhờ điều kiện thuận lợi, cây sâm Bố Chính trồng ở Trường Sơn chỉ khoảng 3 tháng thì ra hoa và 8 tháng thì cho thu hoạch. Vụ mùa đầu tiên, tất cả sản lượng sâm Bố Chính thu hoạch được, chị đều nhập cho mối thu mua ở thị trấn Nông trường Việt Trung. 
Mô hình trồng sâm Bố Chính đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Võ Thị Thi.
Mô hình trồng sâm Bố Chính đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Võ Thị Thi.
“Nhận thấy trồng sâm Bố Chính hiệu quả mang lại cao hơn các loại cây màu, vụ thứ hai tôi mở rộng diện tích trồng 1,5 sào và đến vụ mùa năm nay tôi trồng hơn 5ha. Mỗi sào cho thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần các loại cây màu khác. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng sâm Bố Chính. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là đầu ra chưa ổn định, quá trình tiêu thụ còn chậm. Rất mong, chính quyền các cấp hỗ trợ kết nối, tìm được nguồn đầu ra ổn định để bà con nhân dân trên địa bàn có thể mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo”, chị Thi chia sẻ.
 
Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát. Theo y học cổ truyền, cây sâm Bố Chính là loại dược liệu có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch. Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, mỏi lưng, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý, hỗ trợ điều trị ung thư…

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên, nhiều năm trở lại đây, bà con nông dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn khi trồng các cây hoa màu, như: Lạc, đậu các loại... bởi năng suất đạt thấp, cây trồng thường xuyên xảy ra hiện tượng chết ẻo, nấm bệnh. Chính vì vậy, mô hình trồng sâm Bố Chính của gia đình chị Võ Thị Thi được xem là hướng đi mới của chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn, bước đầu cho thấy hiệu quả cao, thu nhập cao gấp 3-4 lần các loại hoa màu khác. Hiện, đã có 2 hội viên trên địa bàn xã học hỏi và trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính trên diện tích đất màu. 

Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ còn hẹp, người dân chủ yếu nhập cho các mối thu mua nhỏ lẻ ở thị trấn Nông trường Việt Trung nên đầu ra còn khó khăn. Nếu có thể khắc phục được vấn đề này thì đây sẽ là hướng đi mới đầy triển vọng, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã Trường Sơn và giảm nghèo bền vững.
 
Mô hình trồng sâm Bố Chính ở xã miền núi Trường Sơn bước đầu đã giúp một số hộ gia đình nâng cao thu nhập. Qua đó góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân, thoát ra khỏi lối canh tác cũ, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, từng bước cải thiện kinh tế gia đình.
L.Chi

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Đưa giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất vụ đông-xuân

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm 2023 ở TP. Đồng Hới mặc dù thời tiết chưa được thuận lợi, nhưng nhờ triển khai thời vụ gieo trồng hợp lý, sản xuất hết diện tích, đủ nước tưới nên năng suất đạt cao hơn so với kế hoạch. 

TP. Đồng Hới: 10 sản phẩm công nghiệp chủ đạo đều tăng trưởng

(QBĐT) - Thời gian qua, TP. Đồng Hới đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển, nhờ đó, hoạt động sản xuất CN trên địa bàn thành phố duy trì mức tăng ổn định, có dấu hiệu phục hồi. 

Quảng Bình có một Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc

(QBĐT) - Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức lễ biểu dương 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2023, trong đó, Quảng Bình có HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, xã Sơn Lộc (Bố Trạch) được công nhận.