Quảng Trạch: Đầu tư nguồn giống để bảo đảm chất lượng nông sản

  • 06:53 | Thứ Ba, 10/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chú trọng đầu tư nguồn giống, phân bón và các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm cải tạo đất, tăng năng suất và chất lượng nông sản sau thu hoạch-đó là hướng đi mà huyện Quảng Trạch luôn khuyến khích các địa phương thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích.
 
Với trên 440ha, xã Quảng Phương có diện tích đất sản xuất lúa 2 vụ lớn nhất huyện Quảng Trạch. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, ngoài việc bảo đảm các yếu tố trong sản xuất, những năm qua, xã luôn chú trọng đến cơ cấu giống. Hàng năm, vào đầu vụ sản xuất, xã Quảng Phương đã chủ động tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để bà con nông dân đưa các giống lúa mới vào gieo trồng; phối hợp với các đơn vị chuyên môn, sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới năng suất, chất lượng để nhân rộng ra địa bàn.
 
“Hàng năm, căn cứ vào lịch thời vụ, huyện hướng dẫn các địa phương triển khai cho bà con nông dân đăng ký và thực hiện các bộ giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, địa phương đánh giá cao hiệu quả các giống chủ lực, như: HN6, HG12, Hà Phát 3 và VNR20. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tiếp tục khảo nghiệm diện hẹp các giống lúa mới để đánh giá mức độ phù hợp của giống với địa hình, thổ nhưỡng, nhằm tiếp tục chuyển đổi bộ giống mới có năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Trần Anh Tuấn cho hay.
 
Ngoài sự tích cực, chủ động của các địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch cũng đã chủ động, phối hợp với các công ty giống có uy tínđể tổ chức sản xuất, khảo nghiệm các loại giống lúa mới phù hợp hơn với điều kiện thời tiết, khí hậu.
Tổ chức hội nghị đầu bờ, đánh giá kết quảmô hình liên kết sản xuất giống lúa HC4 tại xã Quảng Lưu.
Tổ chức hội nghị đầu bờ, đánh giá kết quả mô hình liên kết sản xuất giống lúa HC4 tại xã Quảng Lưu.
Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng-Vật nuôi Thừa Thiên Huế cho biết, việc nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm và trình diễn các mô hình giống lúa mới giúp cho bà con nông dân tăng hiệu quả sản xuất luôn được công ty chú trọng. Cùng đồng hành với các địa phương, đơn vị đã nghiên cứu chọn tạo được các giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, như giống lúa HG12. Qua 3 vụ liên tiếp thực hiện tốt mô hình khảo nghiệm, với diện tích vụ đông-xuân trên 50ha và vụ hè-thu là 40ha tại cánh đồng thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, kết quả khả quan với năng suất đạt khoảng 70 tạ/ha đối vụ đông-xuân và khoảng 60 tạ/ha đối với vụ hè-thu, được bà con nông dân đánh giá cao. Các tính năng, tác dụng nổi trội của giống lúa HG12 là phù hợp với thời tiết, khí hậu, chống đổ ngã, kháng được đạo ôn trong vụ đông-xuân và đặc biệt trong vụ hè-thu năm 2023 với nắng nóng thường xuyên 35-38oC nhưng không bị lép hạt. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa phù hợp với biến đổi khí hậu và cho năng suất, hiệu quả tốt nhất đưa vào sản xuất tại địa phương.
 
Nhờ thực hiện tốt khâu chọn giống lúa để đưa vào sản xuất, nên trong 3 năm liên tiếp gần đây, huyện Quảng Trạch liên tục được mùa, năng suất lúa bình quân các vụ đông-xuân ước đạt gần 60 tạ/ha, vụ hè-thu ước đạt 58 tạ/ha. Riêng trong vụ hè-thu năm 2023, huyện Quảng Trạch gieo sạ khoảng 3.400ha lúa, cơ cấu là các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, như: Hà Phát 3, HN6, PC6, SV181…
 
Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các địa phương mạnh dạn đưa các loại giống lúa mới có triển vọng vào sản xuất, như: TBR97, HC4, HG12, Hồng Đức 9, ADI28… Đến nay, tỷ lệ sử dụng các loại giống lúa chất lượng thấp trên địa bàn huyện đã giảm dần; các loại giống lúa ngắn ngày, giống lúa chất lượng cao chiếm gần 95% diện tích. Năng suất lúa vụ hè-thu năm 2023 ước đạt 58 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 19.500 tấn, tăng 1,05% so với vụ hè-thu năm trước.
 
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết, một trong những yếu tố đem đến thắng lợi trong sản xuất lúa đó là những điều chỉnh trong cơ cấu giống. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, hướng dẫn cho các thôn, người dân tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất và loại bỏ dần những giống đã cũ, thoái hóa, năng suất thấp. Để khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc bố trí giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phòng tiếp tục tham mưu huyện có các chính sách hỗ trợ giống lúa, đồng thời hướng dẫn các xã sử dụng nguồn hỗ trợ kinh phí theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ để hỗ trợ giống lúa mới cho nhân dân đưa vào sản xuất; phấn đấu đưa tỷ lệ giống mới vào sản xuất trên địa bàn của huyện lên trên 95%.
 
Để giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Quảng Trạch đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chú trọng chuyển đổi cơ cấu bộ giống lúa từ dài ngày qua trung và ngắn ngày, các giống lúa chất lượng cao; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm cung ứng đầy đủ các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng khung lịch thời vụ phù hợp; thực hiện có hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Thế Lực
Trung tâm VH-TT-TT Quảng Trạch

tin liên quan

Trên 1 triệu lượt khách đến TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Nhờ tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn nên từ đầu năm đến nay, dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Đồng Hới tăng trưởng mạnh, lượt khách đến tham quan du lịch tiếp tục tăng cao. 

Phát triển các mô hình sinh kế gắn với bảo vệ rừng

(QBĐT) - Để giúp người dân hạn chế phụ thuộc vào rừng, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng nhiều mô hình sinh kế cho người dân sống gần rừng ở huyện Minh Hóa. Dù thời gian triển khai chưa lâu nhưng các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho bà con...

Xây dựng "thương hiệu" bánh tráng OCOP

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Thế Tuất và chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) đã "bén duyên" với nghề làm bánh tráng. Sau hơn 5 năm tạo dựng, thương hiệu bánh tráng Tuất Ánh ngày càng vươn xa, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.