Phát triển các mô hình sinh kế gắn với bảo vệ rừng

  • 18:59 | Chủ Nhật, 08/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để giúp người dân hạn chế phụ thuộc vào rừng, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng nhiều mô hình sinh kế cho người dân sống gần rừng ở huyện Minh Hóa. Dù thời gian triển khai chưa lâu nhưng các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho bà con...
 
Huyện Minh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 120.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%. Thời gian qua, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được bà con đưa vào trồng. Việc làm giàu rừng từ các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao đạt hiệu quả nhất định. Nhận thức của đa số người dân về công tác bảo vệ rừng (BVR) ngày càng được nâng cao. Do đó, số vụ và mức độ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm rõ rệt qua từng năm...
Lực lượng Kiểm lâm huyện Minh Hóa đang hướng dẫn người dân bản Phú Minh, xã Thượng Hóa chăm sóc cây lá khôi.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Minh Hóa đang hướng dẫn người dân bản Phú Minh, xã Thượng Hóa chăm sóc cây lá khôi.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với huyện Minh Hóa triển khai các giải pháp quản lý BVR gắn với phát triển sinh kế bền vững. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức hàng trăm buổi họp dân, tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho hàng nghìn lượt người; khoán rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ; hỗ trợ cho người dân trồng rừng gỗ lớn, rừng thay thế bằng các loài cây bản địa. Đặc biệt, các mô hình trồng dược liệu và các loại cây trồng khác dưới tán rừng, gần rừng đã và đang phát huy hiệu quả…
 
Tại bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Viện Nông nghiệp và Môi trường (Trường đại học Quảng Bình) hỗ trợ cho 10 hộ dân trồng 7ha cây lá khôi. Triển khai mô hình, hai đơn vị đã khảo sát, tư vấn kỹ thuật, thiết kế, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân…
 
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa Trần An Chung cho biết: “Tuy mới trồng được hơn 8 tháng nhưng cây lá khôi đã phát triển xanh tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Để bảo vệ vườn dược liệu, trạm đã hướng dẫn người dân làm hàng rào bảo vệ, tuần tra, chăm sóc, bón phân cho cây. Từ khi trồng cây lá khôi, bà con thường xuyên vào rừng để chăm sóc cây cũng như tuần tra, BVR”. Theo tính toán của ông Chung, cây lá khôi từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 1 năm. Hiện, giá bán mỗi kg lá khôi khô từ 180.000-200.000 đồng.
Sản phẩm mật ong Hóa Sơn được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện.
Sản phẩm mật ong Hóa Sơn được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện.
Cùng với mô hình ở xã Thượng Hóa, Chi cục Kiểm lâm cũng phối hợp với Viện Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ trồng 3ha cây ba kích dưới tán rừng và liên kết bao tiêu sản phẩm cho anh Đinh Xuân Hòa, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt. Anh Hòa phấn khởi: “Nhờ BVR tốt nên đất đai không còn bị xói mòn, nguồn nước cũng không cạn kiệt, cây ba kích phát triển rất tốt. Nếu sau này ba kích mang lại hiệu quả, tôi sẽ đề xuất xin mở rộng thêm diện tích và các loại cây dược liệu khác”. Được biết, cây ba kích trồng khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn củ/ha với giá bán từ 500-600 nghìn đồng/kg.
 
Để gắn công tác BVR với xây dựng mô hình sinh kế, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp với chính quyền địa phương, Tổ chức Helvetas Việt Nam-đơn vị thực hiện Tiểu hợp phần 6 thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hóa Sơn về giống cây trồng, máy móc và kỹ thuật nhằm góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo ra các mặt hàng có chất lượng, nâng cao đời sống của bà con gần rừng.
Mô hình sinh kế trồng chanh dây và lạc tại xã Hóa Sơn đã phát huy hiệu quả.
Mô hình sinh kế trồng chanh dây và lạc tại xã Hóa Sơn đã phát huy hiệu quả.
Theo đó, dự án VFBC đã hỗ trợ cho bà con tập huấn kỹ thuật trồng chanh leo, lạc, nuôi ong lấy mật, mua máy lọc mật ong, máy cày. Hiện, HTX đã trồng được 2ha lạc chất lượng cao, chế biến thành công sản phẩm lạc rang tỏi ớt Hóa Sơn để bán ra thị trường. Ngoài ra, 2.000 cây chanh leo đã cho thu hoạch, có hộ đạt từ 7-10 triệu đồng/năm; nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư nuôi ong lấy mật.
 
“Ngoài những mô hình sinh kế ở huyện Minh Hóa, lực lượng Kiểm lâm cùng VFBC và các chương trình, dự án khác đã xây dựng được nhiều mô hình sinh kế cho người dân sống gần rừng, như: Mô hình du lịch sinh thái tại bản Ho Rum, xã Kim Thủy (Lệ Thủy); mô hình trồng măng tại xã Thượng Trạch và nuôi ong, trồng lạc tại xã Phúc Trạch (Bố Trạch); mô hình trồng 70ha cây trẩu và lát hoa dưới tán rừng ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh)… Các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả, giúp bà con sống gần rừng phát triển kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào rừng. Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại thu nhập cho người dân, giúp bà con giảm phụ thuộc vào rừng”, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc dự án VFBC Nguyễn Văn Duẫn cho biết.

Ông Đinh Xuân Hậu, thành viên của HTX Nông nghiệp Hóa Sơn phấn khởi: "Nhờ dự án VFBC hỗ trợ, gia đình tôi đã trồng được 180 gốc chanh leo. Qua một năm trồng, cây chanh đã phát triển rất tốt, quả to, nhiều nước. Nhờ bán chanh đã giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập, giảm phụ thuộc vào rừng”. Theo ông Hậu, cây chanh leo trồng khoảng 6 tháng sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong vòng 3 năm. Trong năm đầu thu hoạch, nhà ông đã bán được gần 10 triệu đồng.

“Sắp tới, UBND xã sẽ vận động bà con mở rộng diện tích trồng lạc, chanh leo và nhân thêm số lượng đàn ong mật để phát triển kinh tế gia đình, qua đó sẽ hạn chế việc người dân sống phụ thuộc vào rừng. Để đạt được mục tiêu này, xã cũng mong Chi cục Kiểm lâm, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ bà con xây dựng thêm các mô hình sinh kế trong thời gian tới”…, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên chia sẻ.
Xuân Vương

tin liên quan

Xây dựng "thương hiệu" bánh tráng OCOP

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Thế Tuất và chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) đã "bén duyên" với nghề làm bánh tráng. Sau hơn 5 năm tạo dựng, thương hiệu bánh tráng Tuất Ánh ngày càng vươn xa, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Bố Trạch: Chú trọng nâng cao chất lượng đàn vật nuôi

(QBĐT) - Thời gian qua, ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả vật tư, thị trường tiêu thụ… Để ổn định phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện Bố Trạch đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Thay đổi nhận thức từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn

(QBĐT) - Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm KN Quốc gia thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, dự án đã cho thấy những hiệu quả khi năng suất, chất lượng đạt cao hơn so với nuôi tôm truyền thống; đồng thời được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả…