Xây dựng "thương hiệu" bánh tráng OCOP

  • 08:28 | Chủ Nhật, 08/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Thế Tuất và chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) đã “bén duyên” với nghề làm bánh tráng. Sau hơn 5 năm tạo dựng, thương hiệu bánh tráng Tuất Ánh ngày càng vươn xa, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
 
“Công nghiệp hóa” nghề làm bánh tráng
 
Từ 6 giờ sáng, nhân công tại cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh đã mở máy để làm việc. Khác với hình ảnh tất bật nổi lửa tráng bánh như trước đây, người làm bánh chỉ cần “phụ”, bởi tất cả các công đoạn từ vo gạo, ngâm gạo, tráng bánh đến nướng bánh đều được làm bằng máy.
 
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm bánh tráng, anh Tuất cho biết, trước đây anh làm nhân viên thị trường, còn chị Ánh làm nhân viên khách sạn. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cũng ổn định, đủ cho anh chị trang trải cuộc sống hàng ngày. Trong một lần ra Thanh Hóa thăm người thân, tình cờ thấy người dân ở đây đang làm bánh tráng, chị Ánh thấy thích nên muốn học hỏi làm thử. Sau đó, chị bàn với chồng học nghề làm bánh tráng để mở xưởng tại quê nhà. “Vì có ông cậu chuyên làm bánh ở đây nên vợ chồng tôi thường xuyên ra chơi rồi học nghề. Khó ở đâu đã có cậu hỗ trợ, giúp đỡ nên rất nhanh sau đó, vợ chồng tôi đã học được nghề làm bánh và quyết định mở xưởng sản xuất tại nhà”, anh Tuất chia sẻ. 
Dây chuyền làm bánh tráng bằng máy giúp sản xuất bánh tráng Tuất Ánh nâng cao năng suất.
Dây chuyền làm bánh tráng bằng máy giúp sản xuất bánh tráng Tuất Ánh nâng cao năng suất.
Thời gian đầu mới bước vào nghề, vì chưa có kinh nghiệm anh chị chỉ sản xuất một lượng nhỏ bánh tráng làm từ gạo để bán cho các quán tạp hóa trên địa bàn và chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình. “Là cơ sở làm bánh tráng đầu tiên trên địa bàn huyện nên thời gian đầu, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bánh làm ra bị vỡ, hư hao rất nhiều. Có những ngày, phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới có được một mẻ bánh hoàn thiện. Kèm theo đó, bánh tráng của gia đình tôi chưa có tên tuổi lại ít người biết đến nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Cả năm trời, các thành viên trong gia đình chăm chỉ thức khuya dậy sớm nhưng thu nhập không được là bao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi”, chị Ánh tâm sự.
 
Không nản chí, anh Tuất, chị Ánh động viên nhau vừa học hỏi, trau dồi kỹ thuật làm bánh, vừa tranh thủ thời gian đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để giới thiệu sản phẩm. Trời không phụ công người, công sức của hai vợ chồng chị bỏ ra đã dần thu được “quả ngọt”. Sản phẩm bánh tráng của gia đình được nhiều người biết đến và đặt hàng ngày càng nhiều, không chỉ trên địa bàn mà các địa phương lận cận cũng có phản hồi tích cực.
 
“Cơ sở bánh tráng Tuất Ánh là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp được địa phương đánh giá cao về hiệu quả trong thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động và là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. UBND xã đã tạo điều kiện để cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Ninh Lê Ngọc Thể cho hay.

Thay vì làm bánh thủ công như trước đây, cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh đã đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Với nhiều loại máy móc: Máy vo gạo, xay gạo, đánh bột, tráng bánh… Theo anh Tuất, làm bánh tráng bằng máy hiệu suất đem lại cao hơn nhiều so với cách làm thủ công, đỡ công lao động, bánh tráng ra lò chín, dai, ngon và đẹp hơn, đặc biệt là bảo đảm an toàn thực phẩm. Quá trình sản xuất hoàn toàn bằng máy nên sản phẩm làm ra luôn ổn định. Với chất lượng, mẫu mã đẹp, mức tiêu thụ ngày càng mở rộng đã giúp cho công việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở dần tăng trưởng bền vững.

Theo chị Ánh, để làm ra mẻ bánh tráng đạt chất lượng đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Gạo được ngâm mềm rồi xay thành bột mịn. Sau đó, pha bột với nước theo tỷ lệ phù hợp sao cho không bị loãng cũng không quá đặc rồi đem tráng mỏng thành bánh, phơi khô, đóng gói... Gạo làm bánh phải là loại gạo ngon, tỷ lệ mè trộn trong bánh phải vừa đủ để hương vị bánh hài hòa, hình thức sản phẩm bắt mắt. Công đoạn phơi bánh cũng rất được chú trọng, bánh phải đủ nắng thì mới vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của mè.
 
Vươn ra “biển lớn”
 
Khi đã có thị trường và đầu ra ổn định, cơ sở tiếp tục đầu tư thêm máy nướng bánh để phục vụ sản xuất. Máy nướng bánh tráng giúp công đoạn nướng bánh rút ngắn rất nhiều thời gian, chất lượng bánh cũng đồng đều và đẹp hơn so với nướng thủ công bằng than. “Trước đây nghề làm bánh tráng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nhưng nay nhờ có máy móc nên có thể sản xuất được quanh năm. Để mở rộng thị trường, chúng tôi tích cực cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác… đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng”, anh Tuất cho hay.

Ngoài sản phẩm chủ lực là bánh tráng mè vàng và mè đen, cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh còn sản xuất bánh tráng dừa, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ 2,2 tạ gạo nguyên liệu, cho ra 4.000-4.500 bánh thành phẩm. Với giá bán từ 1.800-2.000 đồng/cái (tuỳ loại bánh), mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường từ 20-30 vạn bánh tráng, cho thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng.

Máy nướng bánh tráng giúp rút ngắn thời gian và cho chất lượng bánh đồng đều.
Máy nướng bánh tráng giúp rút ngắn thời gian và cho chất lượng bánh đồng đều.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh hoạt động khá hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Hiện tại, sản phẩm bánh tráng của cơ sở được thương lái đến thu mua tận nơi, thị trường bánh tráng ngày càng được mở rộng. Không chỉ có lượng khách hàng ổn định trong tỉnh, cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh mở rộng thị trường và đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tiếp cận xu thế công nghệ số, ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh cũng đã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, tiếp cận các kênh thương mại điện tử với mục tiêu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Lan Chi

tin liên quan

Bố Trạch: Chú trọng nâng cao chất lượng đàn vật nuôi

(QBĐT) - Thời gian qua, ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả vật tư, thị trường tiêu thụ… Để ổn định phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện Bố Trạch đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Thay đổi nhận thức từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn

(QBĐT) - Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm KN Quốc gia thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, dự án đã cho thấy những hiệu quả khi năng suất, chất lượng đạt cao hơn so với nuôi tôm truyền thống; đồng thời được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả…

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Chiều 6/10, tại TP. Hồ Chí Minh, hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra.