Xây dựng nông thôn mới: Chuyển từ "lượng" sang "chất"

  • 12:55 | Thứ Tư, 20/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Quảng Ninh đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
 
Nâng tầm nông thôn mới
 
Năm 2021, thôn Tân Định (xã Hải Ninh) được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Thanh Thuyên, Trưởng thôn Tân Định cho biết: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thôn đã huy động sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của người dân trên tinh thần tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, phát động toàn dân cùng chung tay, góp sức. Nhờ đó, các nội dung có sự đóng góp kinh phí của người dân được thực hiện khá đồng bộ. Đến nay, tất cả các tuyến đường ngõ xóm của thôn đều được bê tông hóa với bề mặt đường bảo đảm rộng từ 3-4m, khang trang, sạch sẽ. Các tuyến đường lối xóm được giao cho các xóm tự quản chăm sóc, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.
 
Đặc biệt, xác định mục tiêu cao nhất của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, cùng với phát huy thế mạnh nghề khai thác, chế biến hải sản và trồng khoai lang thời vụ, thôn Tân Định đã vận động người dân đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thôn giảm còn 2,2%. Tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 57 triệu đồng.
Diện mạo nông thôn huyện Quảng Ninh ngày càng khang trang.
Diện mạo nông thôn huyện Quảng Ninh ngày càng khang trang.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, xác định rõ xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, huyện Quảng Ninh chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, thôn, bản khó khăn đạt chuẩn NTM.
 
Đến nay, huyện có 12/14 xã đạt chuẩn NTM với 252 tiêu chí đạt chuẩn, trung bình đạt 18 tiêu chí/xã; có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao và 10 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, 2 thôn, bản ở xã miền núi khó khăn đạt chuẩn NTM.
 
Phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống
 
Xác định đổi mới phương thức sản xuất là điều kiện nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân, trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xem đây là “chìa khóa” xây dựng NTM bền vững và có chiều sâu.
 
Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Quảng Ninh tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2022”, huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
 
Theo ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh, thành công trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực đạt gần 53.516 tấn (năm 2021).
 
Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng được duy trì, phát triển toàn diện theo hướng tập trung, khép kín, gắn với an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường. Cơ cấu sản xuất ngành thủy sản đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích và chất lượng nuôi trồng. Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường.
 
Đặc biệt, với 25 sản phẩm thế mạnh có khả năng tham gia chương trình OCOP, bước đầu huyện Quảng Ninh đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương.
 
Song song với các giải pháp phát triển sản xuất, huyện Quảng Ninh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững. Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021 theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 2,95%, hộ cận nghèo còn 3,33%.
 
Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Quảng Ninh phấn đấu có thêm 3 xã Hải Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao, thêm 5 khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (gồm thôn Giữa, Cừa Thôn, Dinh Mười, Vĩnh Tuy 4, Trường Niên) và 2 thôn Tân Sơn, Hồng Sơn (xã Trường Sơn) đạt chuẩn thôn, bản NTM.
 
"Thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát các tiêu chí NTM, xác định nội dung, công việc và các giải pháp kịp thời để tập trung chỉ đạo hoàn thành theo kế hoạch đề ra đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, trong đó chú trọng các tiêu chí về thu nhập, môi trường, có sản phẩm tham gia OCOP; chủ động huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong điều kiện nguồn ngân sách để thực hiện các tiêu chí NTM theo đúng tiến độ; tập trung ưu tiên cho vốn phát triển sản xuất và hạ tầng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân”, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết thêm.
 
Thanh Hải

tin liên quan

Chủ động cung ứng nguồn giống thủy sản

(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy, cung cấp nguồn giống thủy sản bảo đảm chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Sản xuất, kinh doanh giỏi để giảm nghèo

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" đã được Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) chú trọng triển khai với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. 

Du lịch Quảng Bình: Hợp tác nâng tầm thương hiệu

(QBĐT) - Với những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình, du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cùng với các hoạt động chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng du lịch, hoàn thiện các sản phẩm mới, sẵn sàng nguồn nhân lực… để đón "làn sóng" du khách trở lại, hợp tác với các thương hiệu quốc tế để mở rộng, nâng cấp thị trường du lịch là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay, cũng là định hướng của tỉnh trong xúc tiến, kêu gọi và phát triển hiệu quả đầu tư.