Khẩn trương tìm kiếm bãi đổ thải của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam
(QBĐT) - Sáng nay, 14/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan về bãi đổ thải của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần, gồm: Đoạn Vũng Áng-Bùng, đoạn Bùng-Vạn Ninh, đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ, với tổng chiều dài 126km. Theo khảo sát, đánh giá của đơn vị tư vấn và các sở, ngành liên quan, dự kiến khối lượng đất dư của 3 dự án thành phần là khoảng 9 triệu m3.
Xác định khối lượng đất dư có thể sử dụng làm vật liệu san lấp, góp phần tiết kiệm ngân sách và tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để sử dụng có hiệu quả đất đào của dự án.
Đồng thời, xác định vị trí cần san lấp và vị trí tập kết đất đào dôi dư phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của các địa phương, phù hợp với biện pháp thi công dự kiến của công trình. Mặt khác, có phương án quản lý khối lượng đất dư trong các bãi thải để có thể sử dụng vào các mục đích khác, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương tìm kiếm bãi đổ thải của dự án, đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp nhận của các địa phương; có phương án tái chế phần đất dư để làm vật liệu xây dựng một số công trình phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, tuyệt đối không được để thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng lưu ý, cần nhận thức rõ các khối lượng đất đào của dự án được tập kết trong các bãi tập kết không phải là đất thải không còn giá trị sử dụng, mà trái lại, đây là nguồn tài nguyên để sẵn sàng phục vụ cho các dự án khác phù hợp. Vì vậy, cần có sự quản lý để tránh thất thoát.
Các địa phương và chủ đầu tư, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng, tim, tuyến cho các địa phương theo đúng mốc thời gian đã xác định; đồng thời làm tốt công tác hoàn thổ, bảo vệ môi trường sau khai thác khoáng sản.
L.Chi
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.