Khoa học công nghệ "tiếp sức" tái cơ cấu nông nghiệp

  • 14:35 | Thứ Sáu, 12/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) được xem là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhờ được KHCN “tiếp sức”, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hình thành, không ít sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
 
Ứng dụng KHCN vào sản xuất
 
Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
 
Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh và giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương.
 
Các giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất đều là những giống có khả năng thâm canh, cho năng suất cao thay thế các giống đang sử dụng, góp phần nâng tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp lên 35%. Trong đó, có trên 80% diện tích lúa, 70% diện tích ngô, 40% diện tích cây ăn quả dùng giống mới năng suất, chất lượng cao; nhiều giống vật nuôi, giống thủy sản mới được đưa vào sản xuất có hiệu quả.
 
Giống lạc mới L29 được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh chuyển giao thông qua các mô hình trình diễn.
Giống lạc mới L29 được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh chuyển giao thông qua các mô hình trình diễn.
Trong giai đoạn từ 2013-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện 96 mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 67 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 98 mô hình từ nguồn chính sách nông nghiệp, kinh phí sự nghiệp khuyến nông (trong đó 48 mô hình trồng trọt và lâm nghiệp, 24 mô hình chăn nuôi, 26 mô hình thủy sản).
 
Nhiều dự án, mô hình được áp dụng vào thực tiễn sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, như: Nuôi cá lăng chấm thương phẩm tại huyện Tuyên Hóa, nuôi cua đồng thương phẩm tại huyện Minh Hóa, trồng dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại huyện Quảng Ninh, sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà màng tại các địa phương trong tỉnh... Việc xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển phục vụ xóa đói giảm nghèo.
 
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp công nghệ cao, 1 doanh nghiệp KHCN, toàn tỉnh có 38 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, HACCP, trong đó có 22 cơ sở trồng trọt, 12 cơ sở chăn nuôi, 2 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản...; có 10 cơ sở với 18 sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; có 27 đơn vị sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
 
Tại các địa phương trong tỉnh cũng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất có ứng dụng KHCN vào một số khâu sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và mang lại giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cao hơn so với sản xuất truyền thống.
 
“Bệ đỡ” cho tái cơ cấu
 
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, việc chuyển giao KHCN vào sản xuất thực sự là một trong các giải pháp quan trọng tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, qua đó, thực hiện chủ trương tăng cường phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại hóa và bền vững. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang tập trung ưu tiên nguồn lực KHCN để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương tăng giá trị nhờ ứng dụng công nghệ chế biến (sản phẩm muối tre Kosal của Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam chi nhánh Quảng Bình).
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương tăng giá trị nhờ ứng dụng công nghệ chế biến (sản phẩm muối tre Kosal của Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam chi nhánh Quảng Bình).
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, xây dựng được 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa điểm có tiềm năng, lợi thế như khu Tây Bắc Đồng Hới, Tây Nam Bố Trạch; hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố, thị xã đều có các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao với quy mô doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác..., dự kiến toàn tỉnh xây dựng được 56 cơ sở, trong đó 32 cơ sở trồng trọt, 8 cơ sở chăn nuôi, 7 cơ sở thủy sản, 4 cơ sở lâm nghiệp...; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉnh có 30 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
 
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Bình xác định ưu tiên tập trung nguồn lực KHCN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Trong đó, đẩy mạnh thực hiện việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ trong chế biến, bảo quản trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp.
 
Đặc biệt, ưu tiên công tác giống, bảo đảm chủ động nguồn giống có chất lượng cao, an toàn dịch bệnh; trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng có hệ thống; tăng cường năng lực, đổi mới hoạt động của hệ thống khuyến nông.
 
Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung tham mưu thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị trong việc thiết kế bao bì, tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các nông sản công nghệ cao...
                                                                                   
  Ngọc Lan

tin liên quan

Giá rau xanh tăng cao, người tiêu dùng lo ngại

(QBĐT) - Thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhất là mặt hàng rau, củ, quả. Những biến động về giá cả này đã gây không ít lo ngại cho người tiêu dùng và cả người kinh doanh.

Nghiệp đoàn nghề cá bám biển vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) đã luôn "kề vai, sát cánh", động viên đoàn viên, bà con ngư dân khắc phục khó khăn, duy trì khả năng bám biển vươn khơi, phát huy vai trò bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương…

Nuôi trồng thủy sản và "giấc mơ" VietGAP

(QBĐT) -  9 tháng năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 10.600 tấn, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, như: Tôm thẻ, tôm sú, cá trắm, cá rô phi. Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), các diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh lại rất ít ỏi và hiện nay, chủ yếu bà con nuôi trồng theo hướng VietGAP.